Ở nước ta kinh tế đối ngoại đã diễn ra và phát triển trên tất cả các lĩnh vực và các vùng kinh tế với những thành tựu và thách thức khác nhau. Tình hình đó đã cung cấp cơ sở thực tiễn cho các nhà nghiên cứu tổng kết, lý giải, đánh giá những đóng góp của kinh tế đối ngoại vào nền kinh tế quốc dân dưới nhiều góc độ khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh với công trình Kinh tế đối ngoại đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới – Kinh nghiệm và triển vọng đã cung cấp một cách hệ thống, bao quát tình hình phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1986-2010. Tác giả đánh giá những thành tựu dã đạt được, cũng như những tồn tại và tác động của hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trên cơ sở hoạt động thực tiễn của kinh tế đối ngoại, tác giả đã rút ra bài học kinh nghiệm và chỉ ra triển vọng cho sự phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ hội nhập.
Đây là công trình nghiên cứu khá công phu, tham khảo nhiều nguồn tài liệu, khai thác nhiều số liệu xác hợp với thực tiễn các địa phương trong vùng. Ngoài phần phụ lục và tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I: Tổng quan về hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1986. Trình bày khái quát lý luận về kinh tế đối ngoại, chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam, đặc điểm kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá hoạt động kinh tế đối ngoại ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1975 đến năm 1986, đồng thời nêu lên tồn tại và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của hoạt động này.
Chương 2: Hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1986 đến năm 1995. Trình bày quá trình “khởi động” các hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1986 đến 1995, với sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu; hoạt động thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài FDI, ODA; phát triển du lịch quốc tế và hợp tác với Campuchia… Đặc biệt tập trung phân tích, đánh giá những thành tựu và chỉ ra nguyên nhân tồn tại trong 10 năm đầu phát triển kinh tế đối ngoại ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương 3: Hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1996 đến năm 2010. Trình bày bối cảnh hội nhập mới của Việt Nam sau năm 1995, với những chính sách phát triển kinh tế đối ngoại cụ thể; quá trình tổ chức các hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long, với sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu; hoạt động thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài FDI, ODA, NGOs; hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển du lịch quốc tế; xuất khẩu lao động… Đồng thời tập trung nêu bật bức tranh sinh động về phát triển kinh tế đối ngoại với những kết quả cụ thể, có tính định lượng trên nguồn số liệu mới được cập nhật.
Chương 4: Một số nhận xét về hoạt động kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới. Tập trung phân tích tác động của hoạt động kinh tế đối ngoại đến kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế của hoạt động kinh tế đối ngoại ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 25 năm phát triển… Qua đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm và đưa ra triển vọng kinh tế đối ngoại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ hội nhập, cho các công trình nghiên cứu liên quan đến lịch sử phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cho việc giảng dạy ngành khoa học xã hội và lịch sử kinh tế; là tài liệu cần thiết giúp các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các địa phương, các doanh nhân trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra những quyết định chính xác, khoa học.