Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI: Cuộc đối thoại "Vượt thời gian"
Thế kỷ XXI được cho là một thế kỷ sẽ có nhiều biến động, thách thức đối với toàn nhân loại. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã trải qua 17 năm trong thế kỷ XXI với nhiều thăng trầm, biến cố mà toàn thế giới đã, đang và sẽ cần tiếp tục chung tay để giải quyết, khắc phục để cùng phát triển trong tương lai. Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn về những vấn đề quan trọng, đang là mối quan tâm cấp thiết ở phạm vi xuyên quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI của hai tác giả nổi tiếng Tiến sĩ Daisaku Ikeda - học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như trên thế giới và Giáo sư ArnoldToynbee - sử gia hàng đầu của phương Tây thế kỷ XX. Cuốn sách thực sự là một “kho tàng” chứa nhiều nội dung, chủ đề lớn đã, đang và sẽ còn nóng hổi đối với nhân loại chừng nào sự sống còn tồn tại.
Với 584 trang, cuốn sách chia làm ba phần nội dung tương ứng với 12 chương về 12 chủ đề cụ thể, gần gũi, thực tế, đa dạng nhưng cũng rất uyên bác và mang tính học thuật thông qua các lý luận chặt chẽ, khách quan.
Phần I - Cuộc sống và xã hội, gồm 5 chương, nội dung xoay quanh các chủ đề về con người, môi trường sống, trí tuệ, sức khỏe, phúc lợi và cả các tổ chức xã hội liên quan đến chủ thể của nhân loại là con người.
Phần II - Chính trị và thế giới, gồm 4 chương, tập trung vào vấn đề chính trị của toàn thế giới như: chiến tranh, các chế độ chính trị, quan hệ giữa các quốc gia tiên tiến và các quốc gia đang phát triển; quan điểm “một thế giới” và “đồng tiền quốc tế”; sự chuyển đổi không ngừng từ thế giới lưỡng cực sang thế giới đa cực.
Phần III - Triết học và tôn giáo, gồm 3 chương, đi sâu mổ xẻ những nội dung mang tính học thuật và nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo, quan niệm đạo đức của con người.
Chính sự đa dạng trong nội dung đã giúp Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI có thể trở thành cẩm nang, sách “gối đầu giường” của nhiều đối tượng độc giả khác nhau: từ học sinh, sinh viên, các bậc làm cha mẹ, đến giới nhân sĩ, học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, rồi đến giới chuyên gia hoạch định chính sách, thậm chí là cả các tầng lớp lãnh đạo, những người có tiếng nói và vai trò quyết định ở phạm vi quốc gia.
Mặc dù Ikeda Daisku là một người Đông Á, tin theo Phật giáo Đại thừa, trong khi Arnold Toynbee lại là một người Tây Âu, được sinh ra và giáo dục thành tín đồ Cơ đốc giáo, nhưng cả hai đều tin rằng, điều kiện không thể thiếu để nhân loại tiếp tục tồn tại là cần phải thay đổi sâu sắc thái độ sống, mục tiêu, hành vi…; quan hệ giữa con người với con người là nền tảng tạo nên xã hội con người, công cuộc cải cách chế độ xã hội chỉ thành công khi chính mỗi cá nhân quyết tâm thay đổi. Nhân loại luôn phải cùng đối diện với nhiều vấn đề chung thiết thực, mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, có chênh lệch giàu - nghèo, có khác biệt về trình độ kỹ thuật. Để giải quyết những vấn đề chung ấy, cả thế giới cần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị. Ikeda Daisku và Arnold Toynbee cũng khẳng định, thế giới nếu được thống nhất bằng vũ lực thì sẽ chỉ mang lại sự hủy diệt mà thôi; mà tốt nhất là nên được thống nhất bằng chính sự cố gắng, quyết tâm của con người, của từng cá nhân, tổ chức. Hai học giả cùng mong đợi và hy vọng nhân loại sẽ đoàn kết về chính trị và tinh thần, bằng sự tự nguyện chứ không phải là sự áp đặt hay thống trị giữa các thế lực hay các quốc gia khác nhau.
Với những ý nghĩa hết sức nhân văn, sâu sắc đó, Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp độc giả có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về nhân loại trong lịch sử, ở hiện tại và cả trong tương lai.
ThS. Cù Thị Thúy Lan
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
1. Arnold Toynbee - Ikeda Daisku: Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 13-14.
“Trong giáo dục, nhà trường không nên chỉ cho học trên lớp, mà còn cần nghĩ ra cách tạo cơ hội tiếp xúc với xã hội để học sinh có kinh nghiệm cuộc sống, phải tạo ra nhiều cơ hội để chúng có kinh nghiệm hoạt động ngoài trời hay sinh hoạt tập thể” (Ikeda, tr. 103). “Để trở thành trí thức cần có ba điều kiện. Thứ nhất là năng lực trí tuệ. Thứ hai là chăm chỉ làm việc và sống tốt. Thứ ba là được giáo dục trong thời gian dài” (Toynbee, tr. 127). “Dù là thể chế nào thì chuẩn mực lớn nhất cũng là thể chế đó có thể cống hiến cho hạnh phúc của con người đến đâu. Do đó, dù chọn thể chế nào thì thực thể nắm quyền chủ động cơ bản nhất phải là đại đa số người dân” (Ikeda, tr. 371). “Tất cả các tôn giáo lớn và triết học lớn đều đưa ra những lời khuyên giống nhau về hành động của con người. Những tôn giáo này đều dạy mục đích tối cao của con người là phải vượt lên chính mình, không được tìm cách chi phối thiên nhiên vũ trụ để thỏa mãn lòng tham” (Toynbee, tr. 474-475). |
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực