Làm sao giám sát việc rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên hiệu quả?

Ngày đăng: 09/04/2019 - 14:04

Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thuộc phạm trù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên, nên đây là vấn đề trừu tượng và rất khó giám sát.

Quy định số 124 “về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành đến nay được hơn 1 năm. Tuy nhiên, thực tế giám sát cho thấy: việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thuộc phạm trù bên trong của mỗi cá nhân, không thể hiện ra được bằng hoạt động và hành động cụ thể, nên đây là vấn đề trừu tượng và rất khó giám sát.

Để Đảng trong sạch, vững mạnh, quy định nhằm mục đích phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Cụ thể hóa quy định này, từ tháng 2/2018 quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã tập trung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của các cán bộ cấp phó thuộc Ban Thường vụ quản lý. Các kế hoạch tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên được niêm yết công khai tại cơ quan, đồng thời được đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử của quận. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân dựa vào đó làm căn cứ giám sát.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên, mặc dù đối tượng giám sát được khuôn gọn lại, nhưng qua giám sát cho thấy còn nhiều bất cập, bởi Mặt trận Tổ quốc vừa là chủ thể giám sát, vừa là đối tượng giám sát. Là người trực tiếp tham gia giám sát, ông Ngô Thanh Xuân thừa nhận, việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên là việc khó vô cùng.

“Khó cho Mặt trận khi thực hiện giám sát, bởi liên quan đến chủ thể giám sát. Giám sát trong tư tưởng cán bộ, đảng viên thì làm sao giám sát được. Giám sát trong văn bản còn đối chiếu vậy mà còn không giám được, ở đây giám sát tư tưởng, suy nghĩ thì không thể đọc được. Quả thật rất khó” – ông Ngô Thanh Xuân cho biết.

Quy định số 124 nêu rõ nội dung giám sát gồm các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, từ thực tế giám sát, ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ TPHCM cho rằng, việc giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức là rất khó khăn. Bởi việc kê khai tài sản chỉ được niêm yết tại nơi làm việc, còn nơi cư trú thì không. Do đó, nhân dân không thể biết được tài sản của đảng viên, cán bộ đó là bất minh hay không. Bên cạnh đó, hình thức giám sát chỉ thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thì rất khó.

“Quyết định 217-218 quy định Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội được giám sát tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở, nhưng chưa có cơ chế để chúng ta giám sát tổ chức Đảng. Mặt trận giám sát người đứng đầu, người đứng đầu là Bí thư Thành ủy, làm sao giám sát, đó là cái khó. Khi đi giám sát cùng cấp, Bí thư quận, huyện ủy thì Mặt trận nói “báo cáo, chúng em chuẩn bị giám sát anh?” giám sát như thế nào, cơ chế giám sát chưa có”” – ông Lý Ngọc Thạch nêu rõ.

Để việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên hiệu quả thì đảng viên, cán bộ phải có trách nhiệm tiếp thu và trả lời các kiến nghị của MTTQ, của nhân dân. Nếu đảng viên, cán bộ không đồng ý với kiến nghị của mặt trận thì mặt trận tổ chức đối thoại. Đối với đảng viên là lãnh đạo, chỉ giám sát đạo đức, lối sống và mối quan hệ với người dân. Đồng thời, cần tăng cường sự vào cuộc của báo chí trong thực hiện quy chế giám sát này vì thực tế báo chí là nơi phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, đảng viên.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, 70% số vụ việc tham nhũng ở tất cả các cấp do nhân dân phát hiện, trực tiếp là công luận, báo chí. Song, chưa có đủ chế tài bảo vệ họ. “Lực lượng đông đảo nhất không ai có thể thoát khỏi của đôi mắt nhân dân cả. Chỗ đó tuyệt đối mạnh thì lại là yếu nhất”.

Theo ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên được thể hiện bằng hành động thì điều này đã quy định tại 19 điều đảng viên không được làm và 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Đây là những tiêu chí cụ thể để giám sát, đánh giá đảng viên đã thực hiện được gì, còn điều gì chưa thực hiện thì phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý.

“Làm rõ phương thức giám sát, giám sát bằng cách nào? Bằng hội nghị do MTTQ tổ chức hay là bằng việc phản ánh của tập thể những người làm công tác mặt trận. Cách thức tổ chức việc giám sát này quy định không rõ thì khó thực hiện, mà không khéo thực hiện mang tính hình thức. Vì vậy, muốn được thực chất phải quy định rõ, không những khách thể cần giám sát là giám sát gì, mà còn quy định rõ hình thức và phương thức giám sát, như vậy mới thực hiện được"-ông Trần Ngọc Đường cho biết.

Giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là vấn đề hết sức mới. Từ trước đến nay chưa có cơ chế hoặc quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nội dung này. Để giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên thì cần quy định cụ thể hình thức giám sát; có chế tài bảo vệ người dân và sự vào cuộc của báo chí.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong việc tu dưỡng, rèn luyện; chú ý việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật và lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi, dẫn đến đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng.

BT: Kiều Trang

Theo Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam

Bình luận