Lê Hồng Phong – Người tiêu biểu tinh thần đạo đức cách mạng*

Ngày đăng: 07/09/2012 - 16:09

 DCLeHongPhong 1

Đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kể lại rằng, ở Nhà tù Côn Đảo, nơi giam giữ nhiều nhà lãnh đạo của Đảng ta và nhiều nhà cách mạng, yêu nước khác gần gũi những người cộng sản, Nguyễn An Ninh là một trong năm người thuộc nhóm Ngũ Long: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền. Nguyễn An Ninh là nhà trí thức yêu nước dân chủ nổi tiếng. Hơn 20 năm, ông hoạt động chống chế độ thuộc địa ở Pháp và ở Nam Bộ. Ông xuất bản tờ báo Tiếng chuông rè trong cùng thời gian với Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chủ trương. Bị bọn thực dân bắt và cầm tù nhiều lần, ông mất tại Nhà tù Côn Đảo sau đồng chí Lê Hồng Phong. Ông Nguyễn An Ninh rất kính trọng và gọi đồng chí Lê Hồng Phong là một nhà đạo đức cách mạng tiêu biểu.

Ở tuổi thanh niên, Lê Hồng Phong theo tiếng gọi của Phan Bội Châu sang Trung Quốc. Năm 1924, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái, Trương Vân Lĩnh gia nhập Tâm Tâm xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn... lập ra. Cũng năm đó, nhân sự kiện Méclanh - Toàn quyền Đông Dương trên đường đi Nhật Bản, dừng chân tại Khách sạn Quảng Châu, Phạm Hồng Thái xung phong nhận nhiệm vụ ám sát tên thực dân đầu sỏ này. Vụ ám sát không thành, Phạm Hồng Thái chạy ra bờ sông Châu Giang, đến bãi Sa Diện, bị truy đuổi ráo riết, cùng đường đã nhảy xuống sông và hy sinh. Vụ ám sát hụt này gây lên tiếng vang lớn trong đồng bào cả nước ta, làm bừng dậy tinh thần dân tộc, vốn tạm lắng xuống sau thất bại của các phong trào chống Pháp do Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn... chủ xướng.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu. Bắt liên lạc với nhóm Tâm Tâm xã, số đông là người Nghệ An, Nguyễn Ái Quốc thuyết phục các bạn trẻ đi theo con đường mà mình đã xác định trước khi từ Pháp qua Liên Xô về gần nước nhà. Tâm Tâm xã chuyển thành những người sáng lập và lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu. Ít lâu sau, Lê Hồng Phong và mấy người khác trở thành những người cộng sản. Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, Bác Hồ nói: "Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động"1. Lê Hồng Phong là một trong những người con đó. Ông được dự lớp học đầu tiên do Bác Hồ tổ chức và giảng dạy. Các đồng chí Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân (Trung Quốc), Blukhe (Liên Xô) cũng đến giảng bài mấy lần. Sau đó, Lê Hồng Phong lại dự một lớp học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 4-1927, Tưởng Giới Thạch, Giám đốc trường này, lật đổ Chính phủ Trung Hoa dân quốc do ông Liêu Trọng Khải đứng đầu (thay ông Tôn Trung Sơn đã qua đời năm 1925). Tưởng nắm quyền lực, lập tức bãi bỏ chính sách của ông Tôn: đối nội - phù trợ công, nông, hợp tác với Đảng Cộng sản; đối ngoại - liên minh với Liên bang Xôviết. Bác Hồ rời Quảng Châu, trở lại Liên Xô, cùng một lúc với phái bộ Bôrôđin. Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bí mật chuyển đến vùng biên giới Việt Nam - Trung Hoa, lãnh đạo hoạt động ở trong nước và tiếp tục mở các lớp học cho thanh niên từ trong nước gửi sang. Lúc này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có hệ thống tổ chức ở cả ba kỳ. Với tổng số 10 lớp huấn luyện (bảy lớp mở thêm và ba lớp đã mở tại Quảng Châu trước đó), Tổng bộ đào tạo cho phong trào cách mạng trong nước trên 200 cán bộ. Báo Thanh niên xuất bản được 88 số. Lê Hồng Phong góp phần có ý nghĩa vào việc xây dựng phong trào cách mạng đầu tiên ở nước ta và là người cộng sự thân thiết của Bác Hồ. Sau khi ở trong nước xuất hiện Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu... thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và cử Hồ Tùng Mậu sang Xiêm (Thái Lan) đón Bác Hồ về Hồng Công, để chuẩn bị việc thống nhất ba tổ chức cộng sản nói trên. Bác Hồ mời ba tổ chức cử đại biểu đến Hồng Công. Người soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đề nghị lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Công). Sau cuộc thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề, Hội nghị nhất trí với các văn kiện do Bác Hồ chuẩn bị. Sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng rộng lớn chưa từng có ở nước ta, cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh bùng nổ. Cuộc khởi nghĩa diễn ra mạnh mẽ, tinh thần cách mạng của những người khởi nghĩa cực kỳ anh dũng. Bọn thực dân tuy vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế, vẫn đủ sức đối phó. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra ở Nghệ Tĩnh và trong cả nước. Tổn thất của các lực lượng cách mạng hết sức nặng nề, cách mạng nước ta tạm thời đi vào thoái trào; hệ thống tổ chức của Đảng bị địch phá vỡ từng mảng lớn. Đầu năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được lập ra ở Ma Cao, do Lê Hồng Phong đứng đầu, làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bắt liên lạc với những đồng chí thoát khỏi cuộc khủng bố, hướng dẫn việc sử dụng những hình thức tổ chức biến tướng như các hội tương tế, hiếu hỷ, thể thao, nghệ thuật... tập hợp quần chúng tiến hành công tác tuyên truyền, đấu tranh chống áp bức, bóc lột.

Cuối tháng 3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng được triệu tập, họp ở Ma Cao. Đại hội tiếp tục thực hiện Cương lĩnh cách mạng năm 1930, thảo luận và quyết định các chính sách, biện pháp nhằm khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và các đoàn thể quần chúng.

Tháng 7-1935, Quốc tế Cộng sản triệu tập Đại hội VII, họp tại Mátxcơva. Đảng ta cử Lê Hồng Phong làm Trưởng đoàn đại biểu cùng Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn dự Đại hội này. Đại hội nhận định rằng, các nghị quyết của Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản không còn phù hợp với tình hình mới, quyết định lập Mặt trận Dân chủ chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đại hội chủ trương, các đảng cộng sản cần phải hợp tác với các đảng xã hội, xã hội dân chủ và các đảng phái tiến bộ khác. Thực hiện chủ trương ấy, Đảng Cộng sản Pháp liên minh với Đảng Xã hội Pháp, lập thành Mặt trận Nhân dân, tranh cử vào Quốc hội Pháp. Giành được nhiều ghế nhất, hai đảng thành lập Chính phủ của Mặt trận Nhân dân do lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp làm Thủ tướng. Chính phủ Lêông Blum quyết định ân xá một bộ phận tù chính trị ở Đông Dương. Hàng ngàn tù chính trị được trả lại tự do.

Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong, trên cương vị Uỷ viên Quốc tế Cộng sản về nước tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng cùng với Hà Huy Tập. Hai người chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương giải quyết nhiều vấn đề: điều chỉnh các nghị quyết của Đại hội lần thứ I cho phù hợp với tình hình mới và các nghị quyết mới của Quốc tế Cộng sản. Lúc bấy giờ, một vấn đề lớn được đặt ra: ở nước ta nên thành lập mặt trận gì? Có ba ý kiến: một là, vẫn giữ nguyên Mặt trận Phản đế; hai là, lập Mặt trận Bình dân; ba là, lập Mặt trận Dân chủ. Chủ trương thứ ba do Lê Hồng Phong nêu ra, được Trung ương chấp thuận. Vấn đề thứ hai là, hình thức tổ chức và hoạt động của Đảng. Chung quanh vấn đề này, cũng có ba chủ trương: một là, tiếp tục hoạt động bí mật như trước; hai là, nên tranh thủ thời cơ hoạt động và tổ chức công khai như ở nước Pháp; ba là, kết hợp tổ chức, hoạt động công khai với hoạt động bí mật, lấy hoạt động bí mật là chính vì tình hình chính trị nước Pháp có thể thay đổi. Lê Hồng Phong tán thành chủ trương thứ ba. Một cao trào dân chủ diễn ra nhanh chóng, rộng khắp, thu hút thêm nhiều lực lượng mới. Các tổ chức bí mật cũng được khôi phục và mở rộng.

Sau khi Chính phủ nhân dân Pháp đổ, Đảng cấp tiến lên, lập chính phủ thiên hữu. Nhân danh Uỷ viên Quốc tế Cộng sản, tháng 3-1938, Lê Hồng Phong triệu tập một hội nghị, lập ra Ban Chấp hành mới, thành phần tham gia là những người lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Kỳ, Xứ ủy Trung Kỳ và Xứ uỷ Nam Kỳ. Những người tham gia Hội nghị nhất trí bầu Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng có hai Uỷ viên Thường vụ là Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu, Uỷ viên Trung ương là Võ Văn Tần. Trung ương mới quyết định vẫn tranh thủ hoạt động công khai (tuy đã bị hạn chế nhiều hơn so với trước đó) và sẵn sàng rút vào hoạt động bí mật. Quyết định quan trọng nữa là đổi tên Mặt trận phản đế, phản phong thành Mặt trận phản đế, tạm gác khẩu hiệu "Người cày có ruộng" để tranh thủ rộng rãi các lực lượng yêu nước trước nguy cơ chiến tranh thế giới và quân phiệt Nhật Bản tấn công nước ta.

Ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt giam. Biết rõ Lê Hồng Phong từ lâu là đảng viên cộng sản, mặc dù không có chứng cứ buộc tội, nhưng toà án Sài Gòn, theo pháp luật thuộc địa của Nam Kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ là xứ bảo hộ), vẫn kết án Lê Hồng Phong sáu tháng tù giam, hết hạn tù đưa về nguyên quán quản thúc, sau đó chúng lại bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1942, trong tù, Lê Hồng Phong bị bệnh lỵ rất nặng, bọn thực dân bỏ mặc cho đến chết. Nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta, sau gần 20 năm hoạt động quên mình vì lý tưởng cách mạng, đã anh dũng hy sinh ở tuổi 40. Trước đó, năm 1941, nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của đồng chí Lê Hồng Phong cũng bị địch bắt và kết án tử hình cùng với Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến. Hai nhà lãnh đạo của Đảng hy sinh vì nghĩa lớn để lại một bé gái mới vừa biết bò, tên là Hồng Minh. Một cơ sở cách mạng ở Sài Gòn đã thay cha mẹ nuôi bé trưởng thành, đến nay Hồng Minh cũng đã thuộc lớp người cao tuổi.

Nhờ có những hy sinh cao cả như vậy mà Đảng ta tập hợp được nhân dân cả nước, đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên trì cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc ròng rã gần nửa thế kỷ, giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, vĩnh viễn xóa bỏ ách nô lệ của bọn đế quốc, thực dân.

Tinh thần Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai sống mãi!

 

Đồng chí Hoàng Tùng

Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương


* Trích từ cuốn Lê Hồng Phong - Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 61.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 2.

 

 

Bình luận