Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; đặc biệt, nhằm tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 23/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Cuốn sách Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (hiện hành) (sửa đổi năm 2023) được hợp nhất từ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và Nghị quyết số 96/2023/QH15 (những nội dung sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015).