Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; về kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện và áp dụng Luật Tổ chức Quốc hội, đã phát sinh một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung như: tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân… Do vậy, ngày 19/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Ngày 23/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Nghị quyết này sửa đổi một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội.
Cuốn sách Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2023) là văn bản nhất thể hóa từ Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 và Nghị quyết số 96/2023/QH15.