Mấy vấn đề lý luận pháp luât về bảo vệ quyển riêng tư ở Việt Nam hiện nay
Quyền riêng tư là quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và bảo vệ. Ở Việt Nam, quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp lý liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn quy định và bảo vệ quyền riêng tư ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ các vấn đề lý luận pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư là hết sức quan trọng và cần thiết.
1. Khái quát về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư
Là một thực thể tự nhiên và độc lập trong các mối quan hệ xã hội, con người ai cũng có những thông tin bí mật muốn giữ cho riêng mình mà không muốn tiết lộ ra bên ngoài. Bí mật của một cá nhân thường liên quan đến các thông tin, hoạt động đời sống cá nhân, quan hệ giữa cá nhân với các thành viên trong gia đình và với các thành viên khác trong xã hội (thông tin về ăn, mặc, ở, học tập, công việc, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó; bí mật về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác…). Theo đó, có thể chia thông tin riêng tư của cá nhân thành ba nhóm, đó là1:
Nhóm 1 - Thông tin về đời sống riêng tư của cá nhân. Những thông tin này tạo thành nét đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân phản ánh đời sống của một cá nhân có tính độc lập, với tư cách chủ thể trong các quan hệ xã hội ổn định hoặc không ổn định, được hình thành trên cơ sở quá trình sống, thời gian và không gian sống, sự trải nghiệm các quan hệ xã hội.
Nhóm 2 - Thông tin về bí mật cá nhân: Các thông tin liên quan đến cá nhân (tổng thể các quan hệ quá khứ) mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân đó, nếu bị tiết lộ sẽ gây bất lợi cho cá nhân hoặc dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác. Đời sống riêng tư và bí mật cá nhân là hai thành tố hợp thành bí mật đời tư của cá nhân.
Nhóm 3 - Thông tin về bí mật gia đình: Những thông tin về các vụ việc, sự kiện, tài liệu… có liên quan đến quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau có mối quan hệ hữu cơ đến truyền thống nhiều đời hay một đời về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên có tính hệ thống mà nếu bị tiết lộ sẽ gây bất lợi cho các thành viên trong gia đình trong các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật khác thuộc nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, muốn xác định một thông tin có được coi là riêng tư và bí mật hay không thì phải đặt nó trong mối quan hệ giữa cá nhân cụ thể với những cá nhân, tổ chức khác (Ví dụ: Trong một gia đình, có nhiều thông tin, hoạt động hằng ngày của các thành viên trong gia đình có thể không phải là bí mật, nhưng xét trong mối quan hệ với bên ngoài thì đó lại là bí mật đời tư). Từ đó mới có thể xác định được phạm vi quyền và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Ở Việt Nam, các quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thường được gọi dưới một danh xưng chung là bí mật đời tư. Hiện nay, vẫn chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về bí mật đời tư và phạm vi của nó. Trong một số văn bản quy phạm pháp luật đã đề cập đến nhóm quyền này như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015… Còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thuật ngữ “quyền riêng tư” được sử dụng để thể hiện các quyền thuộc về bí mật cá nhân. Theo một số học giả, khái niệm quyền riêng tư hay quyền bí mật đời tư chỉ là hai cách gọi khác nhau của cùng một vấn đề. Ở chừng mực nhất định, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chính là sự cụ thể hóa của quyền riêng tư2. Bởi các quyền này đều hướng đến: một là, quyền được sở hữu các thông tin cá nhân, yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin cá nhân phải bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác của thông tin cá nhân của mình; hai là, quyền cho phép bên thứ ba tiếp cận thông tin cá nhân của mình; ba là, quyền yêu cầu Nhà nước, các tổ chức hoặc chủ thể khác có liên quan phải có các biện pháp bảo đảm tính bí mật của thông tin cá nhân.
Mặc dù chưa có định nghĩa cụ thể, nhưng các cơ quan nhân quyền và các học giả trên thế giới đều xác định quyền riêng tư là quyền dân sự cơ bản của mọi cá nhân, là quyền thiết yếu đối với sự tự chủ, tự tôn của cá nhân cũng như đối với việc bảo vệ nhân phẩm của con người. Sự riêng tư tạo điều kiện để mỗi cá nhân có không gian được là chính mình mà không bị người khác phán xét một cách vô cớ, được suy nghĩ tự do mà không bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, đồng thời có thể kiểm soát được việc cho phép người khác nắm bắt thông tin về mình.
Theo tác giả Edward J. Bloustein: “Sự riêng tư là một quyền lợi cá nhân của con người. Nó bảo vệ sự bất khả xâm phạm của cá nhân, độc lập cá nhân, danh dự và nhân phẩm”3. Còn theo Fernando Volio Jiménez, quyền riêng tư mang tính bao trùm bởi quyền con người: “Theo một ý nghĩa nào đó, tất cả các quyền con người là các phương diện khác nhau của quyền riêng tư”4. Bên cạnh đó, khi bàn về ý nghĩa của quyền riêng tư, William Pitt - một nghị sĩ Anh đã viết: “Một người nghèo nhất trong ngôi nhà nhỏ của mình cũng có thể thách thức tất cả sức mạnh của ngai vàng. Dù ngôi nhà nhỏ có mỏng manh, mái nhà có thể bị gió làm lung lay, gió có thể xuyên qua mái nhà, mưa và tuyết có thể lọt qua mái nhà nhưng Vua nước Anh không thể bước vào, quân đội của nhà vua cũng không thể bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà đã mục nát”5.
Như vậy, quyền riêng tư vừa là nhu cầu cần thiết nhằm phục vụ cho cuộc sống của cá nhân, vừa là sản phẩm của xã hội đã phát triển đến giai đoạn văn minh. Xã hội càng văn minh thì quyền bí mật đời tư và quyền riêng tư càng được tôn trọng, bảo vệ và đó là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân mỗi con người.
2. Vai trò của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư ở Việt Nam
Quyền riêng tư là quyền dân sự cơ bản của một cá nhân. Tôn trọng sự riêng tư là nguyên tắc cốt lõi của quyền này; bảo vệ quyền về sự riêng tư cũng là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân, nhất là trong thời đại ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trở nên phổ biến với nhiều loại hình chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (Facebook, Youtube,…). Tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các cá nhân rất dễ bị đánh cắp dữ liệu bí mật, dẫn đến các thông tin cá nhân bị lợi dụng và trục lợi. Bên cạnh đó, việc thu thập, quản lý, bảo mật và sử dụng các thông tin cá nhân của các cơ quan, doanh nghiệp có quyền thu thập thông tin bí mật riêng tư chưa bảo đảm chặt chẽ. Trên thực tế, đã có tình trạng vi phạm nghiêm trọng vấn đề bảo mật thông tin của trẻ em trong môi trường giáo dục; vi phạm của báo chí và truyền thông trong việc làm lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người nổi tiếng; tình trạng mua bán thông tin khách hàng của các doanh nghiệp mà không được sự đồng ý của cá nhân. Hay gần đây khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam, rất nhiều người đã tùy tiện chia sẻ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, số điện thoại, cơ quan công tác, tình trạng sức khỏe, tình trạng kinh tế, quan hệ gia đình… của những người thuộc nhóm F1, F2, F3 lên mạng xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư của những người này. Có thể thấy, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi thành viên trong xã hội trước những hình thức lạm dụng cũng chính là tôn trọng quyền con người, từ đó tạo lập và bảo vệ sự ổn định của đời sống cộng đồng.
Có nhiều cách để một cá nhân có thể tự bảo vệ quyền riêng tư của mình. Với các nguyên tắc và quy định pháp lý bảo vệ quyền riêng tư như: những thông tin cá nhân được pháp luật bảo vệ, phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ, mức độ bảo vệ… sẽ đem lại cho mỗi cá nhân khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống khó khăn, đặc biệt là trong mối quan hệ với những đối tượng có quyền lực một cách hợp pháp và được ủng hộ. Đồng thời, chống lại việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện, chống lại những người muốn nắm quyền kiểm soát người khác một cách bất hợp pháp. Bởi trong đời sống xã hội, pháp luật là phương tiện không thể thiếu, bảo đảm sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng, đồng thời là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.
Xây dựng pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cũng góp phần tăng cường sự tôn trọng quyền nhân thân của các chủ thể hưởng quyền cũng như các chủ thể khác đối với các bí mật riêng tư. Xã hội văn minh là một xã hội mà con người được sống trong trạng thái tự do cả về tinh thần và thể chất (sự tự do đó phải trong khuôn khổ). Để bảo đảm cho sự tự do đó có điều kiện và cơ hội phát triển thì những gì riêng tư, thầm kín nhất của con người phải được tôn trọng và bảo vệ. Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư tạo điều kiện cho các cá nhân có thể lựa chọn những biện pháp phù hợp nhất để bảo vệ thông tin cá nhân của mình khi có hành vi xâm phạm. Đó có thể là biện pháp tự bảo vệ hoặc biện pháp pháp lý khác do pháp luật quy định. Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư góp phần giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi, chức năng của mình, lựa chọn cơ sở pháp lý cũng như có biện pháp giải quyết các tranh chấp liên quan đến bí mật đời tư.
Như vậy, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư được hiểu là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật do các thiết chế quốc tế, thiết chế quốc gia và các chủ thể có thẩm quyền khác ban hành hoặc thừa nhận, nhằm bảo đảm các thông tin và hoạt động riêng tư của các cá nhân, gia đình không bị xâm phạm bởi các chủ thể khác; trong trường hợp quyền này bị xâm phạm thì các chủ thể vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.
3. Nội dung pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư
Trên cơ sở quan niệm về quyền riêng tư, nhu cầu được bảo vệ quyền riêng tư, vai trò của pháp luật trong bảo vệ quyền riêng tư, cần tiếp cận pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư dưới giác độ quyền con người. Theo đó, pháp luật quy định rõ nội hàm của quyền riêng tư; xác định chủ thể hưởng quyền và chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư; nhận diện các hành vi được coi là xâm phạm quyền riêng tư và các quy định về trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm quyền riêng tư.
Thứ nhất, về nội hàm của quyền riêng tư. Quyền riêng tư là một trong những quyền con người cơ bản của mọi cá nhân, có quan hệ mật thiết với nhiều quyền khác: quyền tự do biểu đạt, quyền tài sản, quyền về gia đình... Quyền riêng tư không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi đời tư, gia đình, nơi ở, thư tín, danh dự, uy tín mà còn cần được mở rộng ra là cá nhân có quyền tự do, tự chủ, tự định đoạt tất cả các vấn đề có liên quan đến mình. Tuy nhiên, quyền tự do, tự chủ, tự định đoạt của cá nhân không phải là vô hạn mà cần được hạn chế trong phạm vi chính đáng như: vì lợi ích công cộng, vì an ninh quốc gia; và để tránh bị lạm dụng quyền riêng tư từ phía các chủ thể khác, việc hạn chế quyền phải được ghi nhận trong pháp luật. Vì vậy, bảo vệ quyền riêng tư có ý nghĩa rất quan trọng và pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cần phải được ban hành, sẽ hạn chế việc vi phạm xảy ra nếu chúng ta nhận diện được các hành vi xâm phạm quyền, từ đó có kế hoạch chủ động trong phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền riêng tư. Nếu có hành vi vi phạm sẽ nhanh chóng xác định được chủ thể vi phạm, chủ thể hưởng quyền, chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền và chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm.
Thứ hai, về các chủ thể trong quan hệ pháp luật về quyền riêng tư. Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cần xác định rõ: các chủ thể hưởng quyền, các chủ thể vi phạm quyền và các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền. Vì quyền riêng tư là một trong những quyền con người cơ bản nên chủ thể hưởng quyền phải là tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị… kể cả những chủ thể bị mất năng lực pháp luật và bị hạn chế năng lực hành vi. Chủ thể vi phạm quyền riêng tư cũng được hiểu là tất cả mọi người, có thể là các chủ thể công quyền (cơ quan nhà nước) hoặc là các chủ thể tư (cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân), nhưng khác với chủ thể hưởng quyền, chủ thể vi phạm quyền chỉ chịu trách nhiệm pháp lý khi có đủ năng lực hành vi và có năng lực pháp luật. Đối với các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư, do sự đa dạng của các chủ thể hưởng quyền và chủ thể vi phạm quyền, đồng thời quyền riêng tư là một trong những quyền con người cơ bản, dễ bị xâm phạm và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chủ thể; ảnh hưởng lâu dài về vật chất, tinh thần nên chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư cũng rất đa dạng, đó là: các cơ quan nhà nước, tòa án, cộng đồng, tổ chức, cá nhân có liên quan, biết hoặc thu thập các dữ liệu cá nhân (Ví dụ: Bác sĩ có trách nhiệm bảo vệ thông tin, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và giữ bí mật thông tin về hồ sơ y tế của bệnh nhân). Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có trách nhiệm và thẩm quyền bảo vệ quyền riêng tư, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời hạn chế hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các chủ thể này. Bên cạnh đó, cần quy định về cơ quan chuyên trách chung, có vị trí độc lập và có quyền hạn nhất định để theo dõi việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư và áp dụng chế tài đối với các chủ thể vi phạm quyền này.
Thứ ba, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cần nhận diện những hành vi xâm phạm quyền riêng tư nói chung và những hành vi xâm phạm quyền riêng tư trong một số lĩnh vực chuyên ngành, từ đó đưa ra biện pháp bảo vệ cũng như áp dụng các chế tài xử lý phù hợp. Các hành vi được coi là vi phạm quyền riêng tư trước hết phải là những hành vi (hành động hoặc không hành động) do chủ thể vô ý hoặc cố ý xâm phạm đến các vấn đề liên quan tới cá nhân (không thuộc trường hợp giới hạn quyền theo luật định) mà cá nhân đó muốn giữ bí mật hoặc tự quyết định và việc xâm phạm đó có thể gây hậu quả không mong muốn cho cá nhân hoặc thân nhân của cá nhân đó.
Thứ tư, trên cơ sở mức độ và hành vi vi phạm, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cần có những chế tài pháp lý nghiêm khắc để phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe những hành vi vi phạm quyền riêng tư, góp phần bảo đảm quyền riêng tư của mỗi cá nhân được tôn trọng và bảo vệ. ◈
1, 2. Phùng Trung Tập: “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, Tạp chí Kiểm sát, số 02/2018.
3. www.gilc.org/privacy/servey/intro.htm/.
4. Volio Fernando: Legal personality, privacy and the family in The International Bill of Rights, New York, Columbia University Press, 1981.
5. www.gilc.org/privacy/servey/intro.htm/
TS. Bùi Đức Hiển
THS. Nguyễn Thị Bảo Nga
Viện Nhà nước và Pháp luật
Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực