Một góc nhìn mới về liên minh Mỹ - Diệm và chính quyền Việt Nam cộng hòa

Ngày đăng: 11/05/2016 - 15:05

lien minhLiên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam là tên một ấn phẩm mới của nhà sử học người Mỹ Edward Miller, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016).

Với đông đảo bạn đọc và những người đam mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhân vật Ngô Đình Diệm, mối quan hệ giữa nhân vật này với Chính phủ Hoa Kỳ, vai trò của Diệm trong chính quyền thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong thập niên 50-60 của thế kỷ XX có lẽ không phải là chủ đề mới mẻ. Ngô Đình Diệm được biết đến với tư cách là người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Vốn là Thượng thư bộ Lại trong chính quyền Bảo Đại, năm 1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về làm thủ tướng trong chính phủ của Bảo Đại và bắt đầu đảm nhận vị trí tổng thống chính quyền thân Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ tháng 10-1955 nhờ bàn tay dàn dựng của Mỹ.

Với nguồn tư liệu phong phú do cá nhân nghiên cứu và khai thác từ kho lưu trữ của các nước phương Tây, đặc biệt là tư liệu tiếng Việt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tác giả Miller đã lập luận, phản bác lại những quan điểm, đánh giá về nhân vật Ngô Đình Diệm như: Diệm bị xem là “con rối” cho Mỹ; Diệm là sản phẩm của “truyền thống” vì ông đã “ủng hộ một nhánh “cổ” của Công giáo”, “mong muốn khôi phục các tư tưởng Nho giáo cổ về việc trị quốc người dân tuân theo người cầm quyền”. Đồng thời, Miller phân tích và phác họa lên chân dung khác về Ngô Đình Diệm - một người mà theo đánh giá của không ít chính khách Mỹ là còn non nớt về bản lĩnh chính trị, “lúng túng trong thế khó và không đủ khả năng đương đầu với khó khăn” từ một lăng kính hoàn toàn khác. Theo đó, tác giả cuốn sách muốn người đọc tập trung khai thác nhiều hơn vào bối cảnh thuộc địa và hậu thuộc địa, thời kỳ mà theo Miller là “thời kỳ những lý tưởng và mục tiêu của Diệm được hình thành”. Theo nhận định của Miller, “Diệm là một người khao khát hiện đại hóa và xây dựng quốc gia”; “Diệm là một trong nhiều nhà lãnh đạo “theo chủ nghĩa dân tộc” lên nắm quyền ở châu Á và châu Phi vào thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh. Tương tự như nhiều người đồng nhiệm khác ở các nước Đông Nam Á, Diệm thẳng thắn bác bỏ mô hình phát triển của cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản. Thay vào đó, ông phát triển một tầm nhìn xây dựng quốc gia được miêu tả là hình thành ở Việt Nam và của người Việt Nam. Thế nhưng, Diệm lại là một sản phẩm của môi trường thuộc địa mà ông đã lớn lên. Các lý tưởng về trị quốc, chính trị và xã hội của Diệm không đến từ các giá trị truyền thống của Việt Nam. Thay vào đó, chúng được hình thành qua các lần tiếp xúc với châu Âu giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và các bài diễn thuyết của người Việt Nam về thế giới hiện đại, tiến bộ và cách mạng…”[1].

Quan hệ đồng minh Mỹ - Diệm đã tốn không ít giấy mực của giới nghiên cứu, phân tích lịch sử. Tác giả cuốn sách trên cơ sở tổng hợp các nguồn tư liệu, đã nêu ra ba cách giải thích phổ biến nhất về mối quan hệ đồng minh này. Cụ thể là: cách giải thích thứ nhất cho rằng, “đây là sản phẩm của tính toán địa - chính trị của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mỹ ủng hộ Diệm chỉ là bước tiếp theo trong chiến lược ngăn chặn cộng sản mà Washington đã theo đuổi tại Đông Dương từ năm 1950…”; cách giải thích thứ hai cho rằng, mối quan hệ đó là một thành tố trong các mục tiêu kinh tế của Mỹ, bởi trong con mắt chiến lược của các nhà lãnh đạo Mỹ, Đông Nam Á vẫn là một mắt xích quan trọng để Mỹ hiện thực hóa mục tiêu thiết lập trật tự kinh tế tự do quốc tế; cách giải thích thứ ba cho rằng, mối quan hệ đồng minh này có sự hiện diện của yếu tố địa - chính trị và kinh tế, tuy nhiên, vẫn cần chú trọng hơn tới vấn đề sắc tộc và tôn giáo.

Tác giả cuốn sách cho rằng, chính xung đột giữa vô số tầm nhìn và chiến lược khác nhau của người Mỹ và Ngô Đình Diệm về vận mệnh của Nam Việt Nam thời kỳ hậu thực dân như: giữa hình dung của Diệm về sự chuyển biến của Nam Việt Nam với những ý tưởng phát triển mà các cố vấn Mỹ thúc đẩy, giữa nội bộ những nhà lãnh đạo Mỹ xung quanh các phương tiện và mục đích xây dựng quốc gia tại Nam Việt Nam,… là tác nhân gây ra mối quan hệ đầy thăng trầm Mỹ - Diệm và cả số phận chính quyền Việt Nam Cộng hòa, dẫn đến sự sụp đổ của liên minh Mỹ - Diệm vào năm 1963.

Là một công trình nghiên cứu mang tính khoa học với các tư liệu lịch sử nhưng cuốn sách lại được trình bày theo một hình thức mới, không khô khan, nặng nề với các chi tiết, số liệu… mà gần giống một tác phẩm văn học, thể hiện được đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tâm trạng của nhiều tuyến nhân vật. Chính cách khai thác, tiếp cận và nhìn nhận vấn đề lịch sử hết sức mới mẻ này đã mang lại nét riêng biệt, độc đáo, khiến cho tác phẩm trở nên sinh động, dễ đọc ngay cả với bạn đọc không chuyên.

Cuốn sách sẽ cung cấp thêm kênh thông tin tham khảo để giúp các nhà học giả, các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chuyên ngành lịch sử, chính trị và bạn đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà có nhiều hơn góc nhìn, cách khai thác, tiếp cận, phân tích vấn đề và nhân vật lịch sử, đặc biệt là có thêm tư liệu và hiểu biết về phong cách, thành quả nghiên cứu của giới học giả nước ngoài.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

THS. CÙ THỊ THÚY LAN

Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật

 

Chú thích:

1, 2, 3. Edward Miller: Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 27-28, 19.

 

 

 

Bình luận