Tác giả: Hữu Thọ
Số trang: 300 trang
Giá: 50.000đ
Mở đầu cuốn sách là những dòng nhà báo Hữu Thọ “tự răn mình trong nghề nghiệp làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, và chắc chắn cũng sẽ là những lời răn hữu ích đối với bất cứ người làm báo nào, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy lớn của báo chí cách mạng Việt Nam, không chỉ thông qua những lời dạy của Người mà qua những khối lượng đồ sộ tác phẩm báo chí của Người. Hữu Thọ viết: “Bác Hồ vốn là nhà báo, Người rất quan tâm tới vấn đề nội dung, nhưng Người luôn luôn dặn dò phải cải tiến cách viết cho hấp dẫn dân chúng… Đúng và hay luôn luôn là một thể thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Quả thật, những lời này vẫn và sẽ mãi là một “chân lý” không thể xa rời đối với mọi thế hệ những người làm báo, viết báo.
Đọc cuốn sách, sẽ “thấm” được những suy nghĩ của ông về văn hóa báo chí, cụ thể là văn hóa của cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo. Ông cho rằng, cơ quan báo chí phải luôn giữ vững định hướng chính trị của tờ báo, đồng thời tôn trọng tự do tư tưởng, khuyến khích độc lập suy nghĩ của phóng viên; tờ báo phải mở rộng cửa, không bao giờ có thái độ cửa quyền đối với bạn đọc và cộng tác viên - đó là văn hóa. Còn văn hóa đối với người làm báo, trước hết là người có bản lĩnh, đạo đức, lương tâm, đồng thời phải rất quan tâm tới văn hóa ứng xử: “Khiêm tốn, tự trọng, chân thành, tất cả vì công việc là thái độ đúng đắn nhất của một nhà báo có văn hóa… Khúm núm, nịnh bợ không phải là nhà báo có văn hóa. Lợi dụng xin xỏ trong khi giao tiếp là người kém văn hóa, bị coi thường. Kênh kiệu, cố chấp, tỏ vẻ hơn người, coi thường người đối thoại không phải là nhà báo có văn hóa”. Những dòng viết trên của Hữu Thọ thực sự là bài học sâu sắc cho những người đang làm báo và là hành trang cho những người sắp bước vào nghề báo.
Là một nhà báo lão thành, ông rất cảm thông với anh chị em làm báo vì đó là nghề phải xông pha vào nơi khó khăn, gian khổ, không có bài báo hay nào sinh ra từ sự nhàn nhã, ấm áp, không có nhà báo nổi tiếng nào mà không đổ mồ hôi, có khi cả máu. Cảm thông đấy, nên ông phải nhắc nhở để những người làm báo luôn giữ gìn được tình yêu lâu bền với nghề: “viết khen hay chê một ai thì chúng ta cũng nên làm một phép hoán vị, đặt mình vào vị trí người đó, ngòi bút sẽ đằm hơn. Khen thì hãy chân thành… Chê ai cũng đừng vùi dập, mạt sát… Cái tâm, sự chân thành, lòng trung thực giúp cho nhà báo định hướng ngòi bút. Trong nghề buôn, đừng bao giờ đi buôn chữ! Khi viết về cái ác, lòng ta phải đầy thiện, văn chương chữ nghĩa phải sống với đời bằng tình yêu thì mới lâu bền!”.