Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên EU, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của các nước trong EU. Khởi phát từ Hy Lạp, kéo theo hàng loạt các nước thành viên như Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và hiện nay là Síp, các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang lún sâu vào nợ công, thâm hụt ngân sách nặng nề. Các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nợ công cao xấp xỉ 100% GDP, thâm hụt ngân sách cao gấp 3-4 lần mức trần cho phép. Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và các nước trong EU làm dấy lên tình trạng lo ngại Liên minh tiền tệ châu Âu bị phá vỡ. Đến thời điểm hiện nay, có thể nói, khủng hoảng nợ công vẫn chưa được giải quyết và tình trạng bất ổn trong khu vực đang gây ra những lo ngại cho các nước khác. EU đối phó với “cơn bão” này ra sao? Việt Nam có thể và cần rút ra những bài học gì?
Để góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Nợ công Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm châu Âu của PGS. TS. Đinh Công Tuấn. Cuốn sách là chủ đề chính của cuộc Hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 25-4-2013 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.01.09/11-15 “Khủng hoảng nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do PGS. TS. Đinh Công Tuấn làm Chủ nhiệm đề tài.
Đây là công trình nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Nội dung sách gồm các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu nghiên cứu sâu về lĩnh vực tài chính - kinh tế. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn mới, đầy đủ và rõ nét hơn về nợ công ở một số nước thuộc Liên minh châu Âu và liên hệ với nền kinh tế Việt Nam.