Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 05/04/2016 - 10:04

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi đây là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế trong điều kiện nước ta chủ động hội nhập quốc tế và cũng là giải pháp chiến lược nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

nhan luc hoi nhap2323

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là cụm từ chúng ta đã nhắc đến khá nhiều trong văn kiện các Đại hội Đảng gần đây. Đến Đại hội XII của Đảng, tình hình trong nước, quốc tế có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Đặc biệt là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập (ngày 31-12-2015) và việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cần phải thấy cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta sẽ được gia tăng mạnh mẽ, nhưng đồng thời áp lực cạnh tranh cũng tăng gấp bội cùng nhiều thử thách về an ninh-quốc phòng. Để tận dụng được thuận lợi, giảm tác động tiêu cực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tri thức trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao là một tất yếu. Cho nên, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” thì trọng tâm và chủ yếu phải là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi hội nhập quốc tế sâu rộng, chỉ với lực lượng lao động có trí tuệ và kỹ năng bậc cao mới có thể tạo ra giá trị gia tăng nhiều cho các sản phẩm, qua đó tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh, tận dụng được những lợi thế của thời kỳ hội nhập mới và giảm được những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đánh giá: “Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa thật hợp lý và thiếu đồng bộ. Công tác phân luồng và hướng nghiệp còn hạn chế. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục còn chậm. Cơ chế, chính sách có mặt chưa phù hợp; xã hội hóa còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển giáo dục, đào tạo. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Khoa học, công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…”. Đánh giá như vậy là thẳng thắn, cho chúng ta biết rõ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã đề cập nhiều nội dung, mục tiêu và biện pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ nhất là việc đề ra mục tiêu trong 5 năm tới: “Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4-5%/năm”; “tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%-26%”…

Trong thực tế, để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững thì vấn đề không chỉ đơn thuần cần một lực lượng đông đảo nguồn nhân lực đã qua đào tạo, mà hơn thế đó phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. Một vấn đề khác, quan niệm nguồn nhân lực chất lượng cao không đồng nhất với nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao như thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế hội nhập phải là những người có tay nghề cao, tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, có đủ năng lực tự đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao và giải quyết những vấn đề kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực của mình nhằm giải bài toán năng suất - chất lượng - hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh. Nhân lực chất lượng cao là những người có năng lực hành động, luôn hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc nhất, sáng tạo và có đóng góp thực sự hữu ích cho công việc của xã hội, chứ không phải bằng cấp, chứng chỉ, thành tích.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ “đặt hàng” của nền kinh tế trong quá trình tái cấu trúc, cơ chế, chính sách sử dụng nhân lực chất lượng cao của các địa phương và doanh nghiệp; trình độ “đầu vào” của người lao động; trình độ của các cơ sở đào tạo trong nước… Trong các yếu tố trên, tốc độ và chất lượng tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao như nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nghề trình độ cao… thì sẽ tạo ra môi trường thuận lợi vừa đòi hỏi, thôi thúc người lao động vươn lên đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời cũng tạo ra các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc “tự đào tạo” của người lao động. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và quá trình tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng phải luôn song hành, tương hỗ với nhau. Trên thực tế đã có những nguồn nhân lực chất lượng cao không được sử dụng trong nước, “chảy máu chất xám” diễn ra ngay trong điều kiện nhiều doanh nghiệp, địa phương “đốt đuốc” tìm nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng không có. Vì vậy, chính sách, kế hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi địa phương, doanh nghiệp cần cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch ngay từ đầu; tạo ra nhu cầu sát thực để người lao động vươn lên đáp ứng.

 Sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao là điểm mấu chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, chúng ta đã thấy tình trạng nhiều địa phương, doanh nghiệp “trải thảm đỏ” mời nhân tài về rồi nhân tài lại bỏ đi do không được sử dụng hợp lý. Sử dụng nhân lực chất lượng cao không hợp lý chính là một lực cản to lớn đối với quá trình phát triển. Người giỏi, năng lực chuyên môn cao thường luôn cần môi trường làm việc có chất lượng cao tương ứng để phát huy tối đa năng lực. Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần rà soát việc thực hiện cơ chế tuyển dụng và sử dụng đặc thù cũng như các chính sách hiện hành về sử dụng công chức, viên chức để tạo ra môi trường làm việc mang tính khuyến khích phát huy tối đa năng lực, thu hút được các tài năng và thực sự hiệu quả.

Một vấn đề khác là mỗi cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cần đánh giá lại nhu cầu nhân lực trình độ cao với các nhóm ngành nghề để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Có thể chia thành các nhóm ngành nghề như nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan công quyền; nhóm lãnh đạo quản lý doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư; nhóm công chức, viên chức thực thi, nhóm cán bộ khoa học, kỹ thuật-công nghệ… Cần xác định các nhóm với tiêu chí về năng lực, phẩm chất mà đội ngũ nhân lực trình độ cao cần có thì công tác đào tạo gắn với sử dụng mới thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt với nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan công quyền, là “then chốt của then chốt” trong nguồn nhân lực thì phải đặc biệt quan tâm. Nhóm đối tượng này cần chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo quản lý hiện đại, gắn liền với đó là quá trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh, lập trường cùng tinh thần “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người lãnh đạo, quản lý không nhất thiết phải đào tạo theo các chương trình đào tạo sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ.

Đối với đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cùng với quá trình đẩy mạnh việc đào tạo ra các nhà khoa học, phải coi trọng phát triển đội ngũ có khả năng ứng dụng hiệu quả các kiến thức, thành tựu khoa học. Đội ngũ này cần đề cao khả năng, kỹ năng thực hiện các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ. Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần tạo cơ hội cho các nhà khoa học tiếp cận với các nguồn đầu tư, với hệ thống các đề tài, dự án; cần “đặt hàng”, đặt yêu cầu cụ thể cho các nhà khoa học nhiều hơn nữa và tạo điều kiện triển khai thực hiện. Việc phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ một cách phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi địa phương sẽ là cơ sở để phát triển đội ngũ này một cách nhanh chóng, hiệu quả.  

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định, động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế chính là từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập mới hay không một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp. Đội ngũ này cũng cần được rà soát để đào tạo bồi dưỡng. Cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực hội nhập, kinh doanh và quản trị kinh doanh hiện đại. Với nhóm đối tượng này cần triển khai mạnh các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Đặc biệt là các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng này cần được quan tâm đầu tư chứ không chỉ trông chờ vào sự tự chủ của mỗi doanh nghiệp, nhất là về mặt chính sách. Cần có cơ chế hỗ trợ về thông tin, gắn trách nhiệm doanh nhân với các chương trình phát triển trên nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Đa dạng hóa phương thức đào tạo và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề phải triển khai một cách dân chủ và mạnh mẽ. Các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp chỉ nên đặt ra tiêu chí về năng lực, phẩm chất của nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho tất cả các cơ sở, loại hình đào tạo có khả năng tham gia đào tạo thì sẽ giảm được chi phí và tiêu cực. Đây cũng là một khâu đổi mới rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay.

Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG

Học viện Chính trị

Theo Báo Quân đội nhân dân


Bình luận