Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở

Ngày đăng: 27/12/2018 - 14:12

Nắm giữ vị trí hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới mỗi hộ gia đình, mỗi người dân; vậy nhưng, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở lại đang bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng hoạt động. Làm sao nâng cao năng lực lãnh đạo, tạo đột phá trong công tác cán bộ, để mắt xích then chốt của bộ máy Nhà nước này thật sự phát huy hiệu quả đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay.


Người đứng đầu mỗi địa phương cần sâu sát thực tế, để nắm bắt tâm tư quần chúng, tìm hướng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc. Trong ảnh: Cán bộ xã Phúc Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuống đồng tìm hiểu thực tế sản xuất. Ảnh: ANH SƠN

Đòi hỏi đổi mới cấp thiết

Cấp cơ sở mà chúng ta bàn đến ở đây là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) - cấp chính quyền gần dân nhất, sát dân nhất, gắn bó với dân nhất, là “túi việc” mỗi địa phương. Ở đấy, người cán bộ chủ chốt giữ vị trí rất quan trọng trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế ở cơ sở; là người chủ trì, hoạch định chiến lược phát triển, xác định mục tiêu, phương thức tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ đề ra hoặc được giao; kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý những hiện tượng lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, giải pháp nếu thấy cần thiết.

Bởi tầm quan trọng đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách cần thiết. Đó là, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn, đặt ra nhiệm vụ phải “chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”; Hiến pháp năm 2013; Luật Cán bộ, công chức năm 2008 hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018) cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, trong nhiều vụ việc cụ thể cho thấy năng lực lãnh đạo của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ động giải quyết công việc; thậm chí, có nơi vẫn để tồn tại tình trạng thiếu dân chủ, không sâu sát thực tế, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân… Vẫn còn không ít cán bộ, công chức cấp xã mới chỉ dừng lại ở trình độ “cầm tay chỉ việc”. Nhiều cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ không đúng chuyên ngành nên chưa am hiểu nhiều về lĩnh vực chuyên môn.

Theo “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, do Viện Khoa học tổ chức nhà nước, thực hiện năm 2016, nguyên nhân của tình trạng này là do: Có ít cơ hội thăng tiến trong công việc (70,7%); Công tác bầu cử, tuyển dụng chưa khách quan, minh bạch (68%); Chưa bố trí công việc, sử dụng hợp lý (58,4%); Chưa đánh giá đúng về vị trí, vai trò của cấp cơ sở (55%); Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa theo nhu cầu thực tế công việc (49,2%); Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng (26,9%).

Hướng đến tính chuyên nghiệp

Trong xã hội hiện đại, tính chuyên nghiệp của các hoạt động công vụ càng phải được coi trọng. Theo các nhà nghiên cứu, ở mỗi nước phát triển đang có các mô hình quản lý nhân sự khác nhau, song vẫn dựa trên “năng lực lãnh đạo” là chủ yếu. Thí dụ: Ở Anh áp dụng mô hình ASK, tập trung ba yếu tố chính: phẩm chất/thái độ (attitudes), kỹ năng (skill) và kiến thức (knowledge). Mỹ lại chú trọng các nhóm năng lực cốt lõi như: “năng lực tư duy” (IQ), “năng lực cảm xúc” (EQ) và “năng lực văn hóa” (CQ). Chính phủ Mỹ rất quan tâm phát triển mô hình “42 năng lực” của Đại học Harvard. Còn Xin-ga-po quan tâm đầu tư ba giải pháp: thu hút nhân tài; phát triển nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn và năng lực kinh doanh; lựa chọn nhân sự lãnh đạo tài năng và trong sạch (ưu tiên lựa chọn các nhân tố “xuất sắc nhất” trong số những người xuất sắc để làm việc tại các vị trí lãnh đạo khu vực công)...

Tóm lại, quản lý nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng dựa trên lý thuyết về “năng lực” chủ yếu tập trung vào bốn nhóm: “Năng lực theo vai trò” (năng lực lãnh đạo, tư duy chiến lược); “Năng lực cốt lõi” (kỹ năng ra quyết định, giải quyết vấn đề); “Năng lực chuyên môn” (kiến thức chuyên môn) và “Năng lực hành vi” (kỹ năng giao tiếp).

Minh bạch trong đánh giá và giám sát

Công tác cán bộ gồm rất nhiều khâu, nhưng đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến tất cả các khâu của công tác cán bộ. Bởi chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm... cán bộ được chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá thiên lệch, thiếu chính xác về phẩm chất, năng lực cán bộ thì hậu quả khôn lường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thi tuyển sẽ là phương thức khả thi nhất để đánh giá, tuyển dụng được những cán bộ chất lượng ngay ở khâu “đầu vào”; song, cùng với đó, nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá của cấp trên, tham mưu của cấp dưới và sự giám sát của nhân dân sẽ đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình công tác của cán bộ lãnh đạo tại cơ sở.

Người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị cần sâu sát thực tế, để nắm bắt tâm tư quần chúng, tìm hướng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc.

Cùng với ý thức trách nhiệm tự thân ở mỗi cán bộ cần được khuyến khích phát huy, thực tiễn cho thấy, Đảng và Nhà nước cần sớm đổi mới cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, đánh giá cán bộ; cân bằng giữa định tính và định lượng để làm rõ hơn, minh bạch hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, những ý kiến, phản hồi của người dân với từng cán bộ, công chức cũng sẽ là một kênh tham khảo quan trọng để công tác cán bộ được công bằng, dân chủ. Qua đó, cũng tạo động lực cho mỗi cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.

Cuối cùng, cũng bởi đây là cấp chính quyền gần dân nhất, sát dân nhất nên càng đòi hỏi người đứng đầu, cụ thể là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, trong phạm vi quyền hạn của mình, có thêm sáng kiến phù hợp với tình hình thực tiễn, nỗ lực giải quyết rốt ráo những vấn đề tại địa phương, tránh ùn tắc đơn thư, kiến nghị, hạn chế tối đa việc người dân phải khiếu kiện vượt cấp… Việc lắng nghe người dân và hiểu rõ địa bàn sẽ không ai làm tốt hơn cán bộ chính quyền, đoàn thể ở đó. Vì thế, cán bộ cấp xã phải tích cực tương tác với dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân để làm tốt vai trò cầu nối giữa cơ sở và các cấp, góp phần đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Theo Nhân dân cuối tuần

Bình luận