Đồng chí Võ Văn Kiệt – Nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo
Tôi và anh Kiệt giống nhau về hoàn cảnh gia đình cũng như quá trình hoạt động cách mạng, cả hai chúng tôi cùng xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, lúc nhỏ phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống và giúp đỡ gia đình; đều sớm tham gia cách mạng. Tôi được nghe nhiều về anh Kiệt, nhưng chúng tôi không có điều kiện gặp nhau, vì địa bàn hoạt động của mỗi người ở hai đầu đất nước. Những năm tháng hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi hoạt động ở chiến trường Bắc Bộ, còn anh Kiệt thì ở chiến trường Nam Bộ. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tôi được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó, anh Kiệt là một trong những lãnh đạo cao cấp của Đảng tại miền Nam.
Mãi đến khi hòa bình, đất nước thống nhất, anh Kiệt được Trung ương điều ra công tác ở Chính phủ, giữ chức Phó Thủ tướng và Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch nhà nước, thì chúng tôi mới gần nhau và có nhiều thời gian làm việc với nhau.
Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội hay đối ngoại, thì anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để. Anh là người lãnh đạo rất năng động và đầy nhiệt huyết, cả cuộc đời gắn bó với dân, gắn bó với phong trào. Anh kinh qua nhiều lĩnh vực: công tác Đảng, đoàn thể, chính quyền, quân đội,... Những môi trường này đã giúp anh tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo trong công việc. Trên cương vị lãnh đạo, với bất cứ công việc gì, anh luôn trăn trở suy nghĩ, tìm tòi, chỉ đạo sâu sát, đôn đốc tận nơi để công việc có hiệu quả. Có thể nói, anh là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.
Đại hội VI (1986) của Đảng mở ra công cuộc đổi mới toàn diện, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Có một việc hết sức nan giải ở thời kỳ này là chống lạm phát. Đất nước ta đứng trước thực trạng rất khó khăn, kinh tế kiệt quệ, cung không đủ cầu, tiền nhiều, hàng ít, lạm phát đến 774%, khủng hoảng nghiêm trọng. Đây cũng là lúc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cắt hoàn toàn viện trợ. Trung Quốc chưa bình thường hóa, Mỹ thì bao vây cấm vận Việt Nam.
Lúc đó có nhiều ý kiến, IMF (Tổ chức Tiền tệ quốc tế) tính toán phải có ba tỷ đôla mới giải quyết được lạm phát. Ba tỷ đôla lúc bấy giờ lấy đâu ra! Tôi là Thủ tướng, anh Kiệt là Phó Thủ tướng phụ trách kế hoạch, tôi bàn với anh về những giải pháp chống lạm phát, anh Kiệt đồng ý với tôi: Chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới, đó cũng là tư tưởng của Bác Hồ: "Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong". Chúng tôi thống nhất mấy vấn đề cần phải tập trung giải quyết và báo cáo Bộ Chính trị.
Trước hết, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ. Kết quả làm cho sản xuất bung ra, giải quyết được căn bản vấn đề lương thực.
Hai là, khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước. Lúc bấy giờ, ai ra nước ngoài thì khuyến khích mang hàng về. Nhà nước không đánh thuế. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, dân mình mang hàng về rất nhiều. Sau một năm, tình hình hàng tiêu dùng đã đỡ căng thẳng, nhưng chúng tôi cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn giải quyết tận gốc nạn khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, phải tăng cường vận động nhân dân sản xuất, Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất.
Ba là, thu hút tiền ở trong dân. Chúng tôi chủ trương nâng lãi suất tiết kiệm từ 3% lên 9% ngang với mức giá của hàng hóa. Nếu ai gửi ba tháng thì thêm 3% nữa là 12%. Vậy là dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng, tạo ra nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Như vậy, hàng thiếu thì dân chạy hàng, tiền của dân nhiều thì gửi vào Nhà nước. Còn Đảng và Nhà nước thì bảo đảm lợi ích cho dân: quy định nghiêm ngặt ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền. Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số (774%) giảm xuống còn hai con số, chỉ mấy chục phần trăm.
Trong quá trình làm việc với anh Kiệt, càng ngày tôi càng hiểu, càng quý mến anh, tuy không có điều kiện được học tập và tốt nghiệp ở các trường, lớp một cách bài bản, nhưng anh là người có năng lực hấp thụ kiến thức thực tiễn, chịu nghe, chịu học từ cuộc sống và thực tế công tác. Đặc biệt, anh biết khai thác trí tuệ trong dân, trong cán bộ, trong giới trí thức, các nhà khoa học... Từ đó mà tham khảo, chắt lọc tri thức, vận dụng vào thực tiễn, đưa ra những quyết định táo bạo, chính xác. Điều này thể hiện rất rõ khi làm Thủ tướng, anh đã chỉ đạo hình thành các tổng công ty mạnh, thể hiện quan điểm kinh tế nhà nước phải luôn giữ vai trò chủ đạo, nhưng cho phép mở rộng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác hoạt động, kể cả các đơn vị quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, qua đó phát huy mọi nguồn lực xã hội phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Khi xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam, tôi lên thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhà máy đã lắp được 4/8 tổ máy, mà chỉ mới tải điện được ba tổ. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam đang thiếu điện sản xuất và sinh hoạt. Tôi và anh bàn với nhau phải tập trung xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc -Namtheo sơ đồ mạng lưới điện quốc gia. Mặc dù vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, khó khăn nhiều phía, nhưng anh là người đứng ra chịu trách nhiệm, kiên quyết tổ chức triển khai, hạ quyết tâm làm bằng được công trình quan trọng và mới mẻ này.
Trong việc chỉ đạo thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa vùng Tứ giác Long Xuyên, anh là người lăn lội với thực tế, thấu hiểu được lòng dân. Khi đã thấy đây là vấn đề hữu ích, anh dám làm và chỉ đạo làm một cách quyết liệt. Nhờ kết quả của các công trình thủy lợi quan trọng đó, sản xuất lương thực và đời sống của nhân dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện đáng kể. Nước ta từ một nước thiếu lương thực hàng năm, trở thành nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới. Thành công đó ghi đậm dấu ấn của anh Kiệt. Trong sinh hoạt Chính phủ, hay sinh hoạt Bộ Chính trị, anh là người thẳng thắn, dám đấu tranh phê bình và tự phê bình.
Trên lĩnh vực ngoại giao, anh Kiệt cũng tỏ rõ là một nhà lãnh đạo có tài. Tình hình thế giới và trong nước vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX có nhiều sự kiện quan trọng và diễn biến phức tạp. Nước ta khi đó còn bị cô lập do chính sách bao vây, cấm vận, do đó vấn đề mở rộng quan hệ đối ngoại, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, tham gia ASEAN... là những vấn đề hết sức quan trọng và bức thiết phải tập trung giải quyết.
Về việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Bộ Chính trị đã họp bàn, thống nhất chủ trương tiến hành từng bước. Trước hết là việc thống nhất quan điểm giữa lãnh đạo hai nước, những vấn đề cơ bản để bình thường hóa quan hệ Việt - Trung được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị cấp cao ở Thành Đô (Trung Quốc). Tiếp đến, từ ngày 5 đến 10-11-1991, tôi và anh Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên ra Thông cáo chung đánh dấu quan hệ hai Đảng, hai nước ViệtNamvà Trung Quốc được bình thường hóa hoàn toàn. Chuyến thăm này có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ Việt - Trung, "khép lại quá khứ, mở ra tương lai". Cuộc gặp này còn đặt ra nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, trong đó có vấn đề phân định biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, vấn đề hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật.
Về việc Việt Nam gia nhập ASEAN, khó khăn thách thức càng lớn hơn khi Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, Việt Nam mất chỗ dựa về an ninh, quân sự, ngoại giao, kinh tế... mất nguồn viện trợ chủ yếu. Lợi ích của Việt Nam lúc này là hòa bình, ổn định và phát triển. Do đó, chúng ta phải tìm mọi cách phá vỡ thế bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Vì vậy, chính sách hợp tác khu vực mà trước hết là gia nhập tổ chức ASEAN sẽ khai thông và bắc cầu cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tận dụng mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Có thể nói, việc quyết định gia nhập ASEAN có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách khu vực của Việt Nam. Đó là một quyết sách chiến lược kịp thời và đúng đắn của Bộ Chính trị. Trong quá trình ta tham gia ASEAN, vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều đóng góp quan trọng. Anh đã thay mặt Chính phủ đi dự nhiều cuộc họp các nguyên thủ trong khối ASEAN, tiếp nhiều đoàn khách quốc tế trong khu vực và thế giới.
Về việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bàn luận nhiều lần. Cá nhân tôi và anh Kiệt trực tiếp chỉ đạo cả về mục tiêu và phương châm chiến lược lớn cũng như trong việc xử lý các vấn đề cụ thể với Mỹ (như vấn đề MIA, Campuchia, tài sản, lập cơ quan liên lạc, trao đổi đại sứ,...) và trực tiếp gửi đến Chính phủ, nhân dân Mỹ nhiều thông điệp hết sức quan trọng liên quan đến thiện chí và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với nhiều bộ, ngành và các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước, buộc Mỹ bình thường hóa với ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong quá trình công tác, tôi và anh Kiệt phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Kể từ khi tôi công tác bên Chính phủ cũng như khi về bên Đảng làm Tổng Bí thư, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, có khi đang đêm cũng gọi điện, có khi gặp tại sân bóng. Anh Kiệt là vị Thủ tướng giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tài năng, một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo.
Đỗ Mười
Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Trích trong cuốn: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực