Đồng chí Xuân Thủy - Tấm gương về một trí tuệ và một nhân cách lớn (*)
Đồng chí Xuân Thủy sinh ngày 2-9-1912, tại thôn Hòa Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đồng chí Xuân Thủy giác ngộ cách mạng từ rất sớm, đúng vào lúc phong trào cách mạng nước ta vừa trải qua cơn khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp. Bị địch bắt và tù đày, đồng chí vẫn luôn tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng và tích cực hoạt động nên năm 1941 đã được kết nạp vào Đảng và được công nhận ngay là đảng viên chính thức. Năm 1944, ở nhà tù ra, đồng chí hoạt động bí mật, được giao phụ trách Báo Cứu Quốc do Bác Hồ sáng lập của Tổng Bộ Việt Minh và tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Đồng chí Xuân Thủy. Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, Trưởng Ban Tuyên truyền của Tổng Bộ Việt Minh, chủ bút Báo Cứu Quốc hằng ngày.
Ngay sau khi cách mạng nước ta vừa giành thắng lợi trong những năm 1945-1946, Báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là tờ báo hằng ngày duy nhất của cách mạng, là cơ quan ngôn luận hằng ngày của Mặt trận và của Đảng, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chính trị, vạch trần mọi âm mưu của bọn đế quốc và phản động, cổ động quần chúng đứng lên bảo vệ cách mạng, chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị sẵn sàng tham gia cuộc kháng chiến quốc tế. Báo Cứu Quốc là tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này. Đồng chí Xuân Thủy là một nhà ngoại giao lớn của Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX. Đồng chí đã hoạt động xuất sắc trong cả ba binh chủng đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngay từ đầu cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí Xuân Thủy đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm công tác ngoại giao. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện sách lược “hòa để tiến” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Bác Hồ đã đề ra, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài những ngày đầu lập nước.
Thời kỳ đồng chí Xuân Thủy giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương là lúc tình hình quốc tế hết sức phức tạp. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị phân hóa sâu sắc; mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc bộc lộ công khai và dẫn đến phân liệt. Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đối ngoại, tiếp xúc nhằm củng cố đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, hạn chế tối đa những tác động bất lợi của mâu thuẫn Xô - Trung, nhờ đó, ngoại giao Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc cũng như các nước XHCN khác. Đồng chí từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung (1960) và sau đó là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô (1980). Những nỗ lực và hoạt động ngoại giao của đồng chí đã giúp gắn kết, phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, nhờ đó, mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta không ngừng được củng cố và mở rộng.
Cuộc đàm phán Pa-ri về Việt Nam từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973 là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX; là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Trên cương vị Trưởng đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pa-ri, đồng chí Xuân Thủy trong suốt quá trình đàm phán luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, kiên định về nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược. Đặc biệt, đồng chí đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Suốt quá trình đàm phán “ma-ra-tông” tại Pa-ri, trong khi Mỹ đã phải 4 lần thay đổi Trưởng đoàn, đồng chí Xuân Thủy được Đảng và Nhà nước tín nhiệm trao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối cuộc đàm phán. Thắng lợi của đàm phán Pa-ri và Hiệp định Pa-ri đã buộc quân Mỹ rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Quá trình đàm phán ở Pa-ri và Hiệp định Pa-ri là chiến thắng của một nền ngoại giao tuy non trẻ nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, trong đó ghi đậm dấu ấn của đồng chí Xuân Thủy.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Xuân Thủy là một tấm gương về một trí tuệ và một nhân cách lớn với những cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Với tư cách là một nhà ngoại giao, tài năng, đức độ và uy tín của đồng chí Xuân Thủy đã có sức lôi cuốn, thuyết phục lớn đối với các đồng chí, đồng nghiệp và mang tính cảm hóa cao đối với cả những người đứng bên kia chiến tuyến.
Ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Xuân Thủy đối với Tổ quốc, với ngành ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí những phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
(*) Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Xuân Thủy (2-9-1912/2-9-2012)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực