Ngày Độc lập tại Hà Nội
Ngày 02/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu ấn không thể phai mờ vì bụi thời gian, gắn liền với bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, một áng văn lập quốc vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là ngày đầu tiên ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời, một chính phủ chiến đấu, biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.
Ngày ấy, Hà Nội tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ với các dòng chữ bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”; “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”; “Hoan nghênh phái bộ Đồng minh”... Từng đoàn người tề tựu về Quảng trường Ba Đình để đón chào Chính phủ của Nhân dân và được tận mắt thấy vị Chủ tịch mà họ đã biết tên nhưng chưa từng được gặp là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Dưới tiêu đề “Hôm nay là ngày độc lập! Muôn năm độc lập! Độc lập muôn năm!”, bài báo đăng trên Trung Bắc Tân Văn viết: “Trong thành phố không ai là không lau chùi nhà cửa. Bàn thờ thì đèn nến thắp sáng trưng, hương trầm nghi ngút. Dân Hà Nội cúng bái tổ tiên. Và khi dâng rượu và đồ cúng lên thì những tràng pháo dài thi nhau nổ vang lên khắp phố”. Những người giúp việc trong các gia đình được chủ nhà cho phép nghỉ và hẹn nhau buổi chiều hôm đó “sẽ xếp thành hàng ngũ đi đón vị Chủ tịch của Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. “Kẻ thì dán trên tường những dòng chữ tỏ rõ cái chí hiên ngang của mình: “Sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc”, “Giọt máu cuối cùng, hơi thở sau hết của ta phải dâng lên cho đất nước”. Kẻ thì làm thơ ca tụng nền độc lập bất diệt của nước Việt Nam”. Ở các phố, những cửa hàng mở buổi sáng, đón tiếp khách hàng niềm nở, “dù mua hàng hay không cũng mời nước, hút thuốc”. Các hiệu cao lâu không chỉ giảm giá mà còn “trích ra 50 phần trăm giúp Giải phóng quân”. Những người buôn bán ít vốn cũng “bán rẻ quá ngày thường”. Trong khi những người trẻ tuổi sửa soạn cờ, biển, sắp đoàn ngũ, hoặc tập hát những bản anh hùng ca, thì các ông già bà cả lo làm cơm cúng tổ tiên và mời bạn bè đến uống rượu mừng ngày Độc lập. “Với cái tinh thần cao quý ấy, sáng nay Hà Nội sống trong một làn không khí cực kỳ thân mật! Người người rặt là người! Đông quá! Hàng phố toàn chỉ rặt một hạng người nhanh nhẹn, nụ cười nở trên môi, lòng chứa chan hy vọng”. “Giời đất sáng bừng lên như có thêm lửa cháy”1. L.A. Patti, một người trong phái bộ của Đồng minh trực tiếp quan sát ngày Độc lập tại Hà Nội, đã viết khi cùng những người làm việc trong Cục Công tác chiến lược (OSS) của Mỹ đi khắp các phố phường Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, sự kiện, khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích:
“Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến Quảng trường Ba Đình.
Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.
Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soọc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón.
Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoan nghênh Đồng minh”, "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”…
Từ 12 giờ trưa Chủ nhật, ngày 02/9/1945, từng đoàn người già trẻ, gái trai, có cả những cụ già ngót trăm tuổi cũng chống gậy, sắp hàng ngũ đi dự. Những nhà thờ ở Hà Nội buổi sáng tràn ngập người tham dự thánh lễ. Các linh mục Thiên Chúa giáo mặc áo trắng và xanh đen, cùng những chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ, sau khi làm lễ đã dẫn đoàn con chiên băng qua những con phố tới quảng trường. Những nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam, rồi các chức sắc Cao đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ, từ những ngôi chùa dẫn tăng, ni, phật tử tới Ba Đình dự lễ Độc lập. Những giáo viên trang bị còi hay loa dẫn đầu từng đoàn học sinh hát vang những bài ca cách mạng. Những lá quốc kỳ đỏ rực do những nhóm thiếu nữ giương cao tương phản với những chiếc áo dài trắng tinh khôi…2.
Không khí mừng ngày Độc lập tại Hà Nội
Các tầng lớp nhân dân vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận xếp thành từng đoàn tiến về quảng trường. Nhiều người trong số họ đến với tư cách đại diện cho cộng đồng thôn làng, được dẫn dắt bởi những bậc cao niên, mặc áo dài, đội khăn truyền thống, có những người mang theo những thanh kiếm nghi lễ và những cây gậy bằng đồng từ các miếu thờ và nhà chùa địa phương. Những nhóm người dân tộc thiểu số từ vùng đồi núi cũng hiện diện, họ đội mũ, đeo khăn có màu sắc sặc sỡ, mặc váy và đeo khăn quàng vai3. Từ Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp có mặt ở Hà Nội, quan sát thấy hàng chục nghìn người Việt Nam đi thành từng hàng tiến vào quảng trường. Ông ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông4. Cả Hà Nội ngập tràn màu đỏ. “Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ”5.
Trước cuộc mít tinh, binh lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền cũ đã đặt một số khẩu súng máy chĩa về phía quảng trường. Trong Thành Hà Nội, quân Pháp vẫn đang bị Nhật giam giữ từ sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945. Để bảo đảm an ninh trật tự, Quân Giải phóng Việt Nam đội ngũ chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn, làm hàng rào danh dự cách lễ đài chừng 20 m. “Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các loại vũ khí mới một cách hãnh diện trong tư thế lúc “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”. Các đơn vị tự vệ, dân quân mang theo vũ khí… Những đội tự vệ công nhân, thanh niên, sinh viên có vũ trang xếp hàng ngay ngắn trong những khu vườn gần lễ đài, luôn cảnh giác, sẵn sàng ngăn chặn mọi hoạt động quấy rối6. Ở vòng ngoài, chi đội Vi Dân - tự vệ Thành Hà Nội làm nhiệm vụ canh gác7. Các lực lượng bảo vệ xếp thành hàng rào từ vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) đến trung tâm vườn hoa Ba Đình. Một đội tự vệ mang súng lục đứng chen khít nhau thành một hàng rào chung quanh lễ đài. Một đơn vị Giải phóng quân bồng súng đứng dàn hàng ngang từ lễ đài đến đầu đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Mọi người im lặng, hồi hộp đợi cho đến lúc đoàn xe của Chính phủ có cảnh sát hộ tống tiến vào quảng trường trong tiếng quân nhạc hùng tráng8.
Theo kế hoạch, buổi lễ được cử hành lúc 14 giờ, nhưng xe chở các thành viên Chính phủ lâm thời phải đi qua một đoạn đường có những đoàn người đứng chật ních, nên tới 14 giờ 25 phút buổi lễ mới bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ bước lên lễ đài.
Trong không khí trang nghiêm, cả biển người đứng im phăng phắc làm lễ chào cờ. Bài Tiến quân ca vang lên trầm hùng giữa quảng trường lộng gió, tràn ngập ánh nắng thu dưới bầu trời xanh thẳm. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được nữ sinh Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) và nữ du kích Đàm Thị Loan từ từ kéo lên cột cờ cao vút. Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng - những người dân của nước Việt Nam mới hồi sinh.
Sau khi Nguyễn Hữu Đang, thay mặt Ban Tổ chức công bố chương trình buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giới thiệu Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh. Cả quảng trường rung chuyển với những tiếng hô: “Độc lập! Độc lập!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông”9. Sau những năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình vắng mặt của đế quốc Pháp, qua hàng chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Hồ Chí Minh về đến Hà Nội để ra mắt quốc dân. Quãng đường từ làng Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đến Hà Nội chừng 300 km nhưng Người đã phải đi trong thời gian một phần ba thế kỷ.
Đứng trên lễ đài, Hồ Chí Minh vẫy tay chào đồng bào, chiến sĩ và những người nước ngoài tới dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, rồi giơ hai tay lên cao làm hiệu cho mọi người im lặng. Thay mặt Chính phủ Lâm thời, Hồ Chí Minh đọcTuyên ngôn Độc lập10 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những lời “điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đầy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người”11.
“Hỡi đồng bào cả nước”. Ông ngừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Cả biển người đồng thanh đáp lại: “Rõ”. Từ thời điểm đó trở đi, có một mối liên kết đặc biệt đã hình thành giữa lãnh tụ và quần chúng. Hàng vạn người chăm chú lắng nghe từng lời của Hồ Chí Minh. Ông “cùng với cả biển người đã hòa làm một”12. L.A. Patti tuy không hiểu rõ tiếng Việt, nhưng “cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời” thì cũng hiểu rằng Hồ Chí Minh “đã thấu tới quần chúng”13.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh mở đầu bằng những tư tưởng bất hủ của nhân loại về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp. Với Hồ Chí Minh, mục tiêu phấn đấu của Nhân dân Việt Nam không nằm ngoài lý tưởng chung của toàn nhân loại là các quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp đang hướng tới. Song, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không dừng lại ở quyền con người, mà có sự phát triển và kết hợp nhuần nhuyễn với quyền dân tộc. Hồ Chí Minh đã đi từ một chân lý tự nhiên về quyền con người để suy rộng và nâng cao thành quyền dân tộc, khẳng định quyền dân tộc của các quốc gia trên thế giới là bất khả xâm phạm.
Từ “những lẽ phải không ai chối cãi được”, bản Tuyên ngôn lên án thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước Việt Nam, áp bức đồng bào Việt Nam. Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”, phản bội những lý tưởng cao đẹp của cuộc đại cách mạng Pháp.
Trên cơ sở khái quát lịch sử: “Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị”, Tuyên ngôn Độc lập chỉ rõ: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp”. Điều đó có nghĩa là Pháp hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để trở lại cai trị nước Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn bày tỏ niềm tin, rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran14 và San Francisco15, “quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Từ những lập luận hết sức chặt chẽ trên đây, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Cuối cùng, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới quyết tâm giữ gìn nền tự độc lập của Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm khắc những thế lực xâm lăng đang có mặt trên đất nước Việt Nam:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh “là bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, nêu cao ý chí đấu tranh của toàn dân để giữ vững quyền độc lập tự do, bảo vệ chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam”, “đặt cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”16.
Hồ Chí Minh vừa dứt lời đọc bản Tuyên ngôn, cả quảng trường vang dậy những tiếng vỗ tay và reo hò náo nhiệt của hàng chục vạn người17, bày tỏ ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập.
Khi tiếng vỗ tay và reo hò lắng xuống, các thành viên Chính phủ Lâm thời đứng trang nghiêm tuyên thệ trước Quốc kỳ và quốc dân đồng bào:
“Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên xin thề rằng: Chúng tôi kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”18.
Thay mặt Chính phủ Lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn19, trình bày tình hình trong nước và nhiệm vụ của Chính phủ. Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân thành công của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và sự đoàn kết của nhân dân nhất định chống lại bất cứ một cuộc xâm lăng nào. Bài diễn văn của ông luôn bị công chúng ngắt quãng bằng những tràng vỗ tay hoan hô. Ông khẳng định: Chính phủ Lâm thời “là ý chí của toàn quốc chứ không phải là của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm. Tinh thần của dân ta ngày càng cao, lực lượng của dân ta ngày càng lớn. Trung, Nam, Bắc cùng một lòng. Sĩ, nông, công, thương, binh cùng chung một chí. Cả đến các giáo sĩ đạo Phật và Cơ đốc, cả đến vua Bảo Đại cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng, tình nguyện góp sức đánh quân thù. Chính phủ Lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, phấn đấu ấy sâu, rộng hơn nữa”.
Võ Nguyên Giáp dự báo nước Việt Nam mới sẽ gặp nhiều khó khăn trên các phương diện, nhất là về ngoại giao, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, thống nhất, ủng hộ Chính phủ một cách thiết thực. Ông kết luận:
“Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao nhiêu năm lầm than kiệt quệ.
Noi theo truyền thống của các thế hệ đi trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh “một trận cuối cùng” để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc”.
Hồi 15 giờ 10 phút, Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Lâm thời báo cáo với quốc dân về việc Bảo Đại thoái vị ở Huế. Ông nhấn mạnh điều đặc biệt trong việc thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa là: “thể theo nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hóa của lịch sử, chính ông Vĩnh Thụy đã tự nguyện thoái vị, giao trả quốc quyền cho Chính phủ Lâm thời”. Trần Huy Liệu khẳng định: “Từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hòa, chúng ta chẳng thể thay đổi cái tên của chính thể là đủ, mà còn phải phấn đấu một cách cương quyết và nhẫn nại để thực hiện cho được một nền dân chủ chân chính, triệt để của toàn dân”20.
Nguyễn Lương Bằng, đại biểu Tổng bộ Việt Minh đọc Lời hô hào quốc dân trong ngày độc lập, nhấn mạnh những nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang của mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng và kêu gọi:
“Lúc bình thường cũng như khi nguy biến, nhất định không chia rẽ, phải tỏ cho thế giới biết rằng: dân tộc Việt Nam ta đã thống nhất giành quyền độc lập thì cũng luôn luôn thống nhất liều chết giữ vững quyền độc lập ấy.
Không nên ỷ lại vào ai hết. Tự do, hạnh phúc của dân ta phải tự dân ta vun trồng lấy.
Chúng ta phải một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời, một lòng tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Giặc Pháp ngấp nghé trở lại Đông Dương đè đầu, cưỡi cổ ta một lần nữa. Ta phải chuẩn bị đánh tan kế hoạch xâm lược dã man của chúng. Phải gạt phăng mọi mưu mô lừa phỉnh, hứa hẹn của Pháp. Phải tiêu diệt đến tận chế độ Pháp thực dân”21.
Sau Lời hô hào của Tổng bộ Việt Minh, hàng chục vạn người trên vườn hoa Ba Đình đồng loạt hô vang lời thề độc lập:
- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chúng tôi xin thề: cùng Chính phủ giữ gìn nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có chết cũng cam lòng.
- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:
Không đi lính cho Pháp.
Không làm việc cho Pháp.
Không bán lương thực cho Pháp.
Không đưa đường cho Pháp22.
Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn: “Xin thề!”, tỏ rõ ý chí kiên cường, không gì lay chuyển được của cả một dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.
Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài một lần nữa. Ông căn dặn Nhân dân kiên quyết hy sinh giữ vững nền độc lập vừa mới giành được: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”23.
Độc lập! Độc lập! Tiếng hô trong ngày 02/9/1945 vang lên từ Ba Đình, Hà Nội, vọng tới mọi miền đất nước, từ chợ chí quê.
Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bế mạc, trở thành một cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng của đông đảo quần chúng. Những người dự mít tinh chia thành từng đoàn tuần hành trên các đại lộ dẫn về Hồ Gươm, rồi đem niềm hân hoan tỏa về các phố, đến từng mái nhà. Đêm hôm đó, cả Hà Nội không ngủ. Ở nhiều ngôi đình giữa những phố phường nội thành và các làng lân cận, Nhân dân làm lễ tế thần, thề sẵn lòng hy sinh giữ nền độc lập cho nước. Từng đoàn gái trai, già trẻ đi ngoài phố hát những bài ca cách mạng. “Dân chúng đang đuổi cái óc nô lệ đi, để tiếp đón một thế hệ mới hoàn toàn độc lập”. Những người dân Việt Nam vững tin nhìn về tương lai: “Mai đây, giời sẽ sáng sủa tưng bừng. Nước Việt Nam độc lập sẽ thành một cường quốc. Trước mãnh lực đoàn kết của 25 triệu dân Việt Nam thề sống chết có nhau… Hôm nay là ngày độc lập!”24. “Cuốn sử Việt Nam vừa ghi thêm một trang chói lọi bên cạnh những chiến công oanh liệt của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Hồn đất nước đã trở về một chốn cố đô, một ngày bất diệt, và các tầng lớp xã hội thành Thăng Long vừa nâng cao khí tiết của một dân tộc cương quyết đòi lại quyền sống tự do cho mình”25.
Lịch sử Việt Nam đã sang trang mới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc, chấm dứt chế độ thực dân áp bức và chính thể quân chủ chuyên chế. Một kỷ nguyên mới được mở ra - kỷ nguyên dân chủ cộng hòa, kỷ nguyên độc lập tự do và hướng tới chủ nghĩa xã hội.
1, 24. Tùng Hiệp: “Hôm nay là ngày độc lập! Muôn năm độc lập! Độc lập muôn năm!”, báo Trung Bắc Tân Văn, số 291, ngày 09/9/1945, tr. 5, 27.
2, 9, 13. Archimedes L.A. Patti (Lê Trọng Nghĩa dịch): Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 492-493, 495, 496.
3, 12. Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 25-26, 28.
4. Jean Sainteny: Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947, Amiot-Dumont, Paris, 1953, p. 92-93.
5, 11. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 242, 244.
6. Trần Trung Thành, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Thành: Hà Nội chiến đấu - Tập hồi ký thủ đô kháng chiến, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 17-19.
7. Ngọc Châu, Sơn Tùng, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy, Trần Bạch Đằng: 2-9-1945 qua những trang hồi ức, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 239.
8. “Cuộc mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ ngày Độc lập”, báo Cứu quốc, ngày 03/9/1945.
10. Cho tới nay vẫn chưa tìm thấy bản gốc Tuyên ngôn Độc lập, nhưng có nhiều bản in khác nhau. Chúng tôi căn cứ vào văn bản được công bố sớm nhất trên báo Cứu quốc, số 36, ngày 05/9/1945. Văn bản này được in lại trong Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 1-3.
14. Hội nghị ba cường quốc trụ cột của phe Đồng minh chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (Mỹ, Anh và Liên Xô) họp cuối năm 1943, khi Chiến tranh thế giới thứ hai đã chuyển sang một bước ngoặt căn bản với sự bại trận của các nước phát xít Đức, Italia, Nhật là không thể đảo ngược, và chiến thắng của khối Đồng minh là rõ ràng. Hội nghị Teheran được triệu tập nhằm đẩy mạnh việc phối hợp tác chiến giữa ba cường quốc và bắt đầu thảo luận việc tổ chức lại thế giới sau chiến tranh.
15. Hội nghị 50 nước họp tại San Francisco (Mỹ) đã thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và thành lập Liên hợp quốc, nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
16, 21, 22. Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Chính phủ: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 1, tr. 44, 329-330, 44.
17. Số lượng người đến dự lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình cần được xác minh thêm. Một số tài liệu của Việt Nam viết khoảng 1 triệu người. Theo không ảnh của Mỹ chụp ngày 02/9/1945, ước lượng khoảng 50 đến 60 vạn người (Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam?, Sđd, tr. 976).
18. Xem báo Cứu quốc, số 34, ngày 03/9/1945.
19. Xem báo Cứu quốc, số 36, ngày 05/9/1945.
20. Trang sử mới, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1945, tr. 15-17.
23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 2, tr. 242.
25. Trần Xuân Sơn: “Một ngày lịch sử”, tuần báo Dân mới, số 10, ngày 03/9/1945.
PGS.TS. Vũ Quang Hiển
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực