Nghệ thuật lãnh đạo

Ngày đăng: 07/04/2016 - 09:04

nghe thuat lanh dao1Có quan niệm cho rằng, lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của những con người bình thường để đạt được những kết quả phi thường. Do vậy, để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi là việc không hề dễ dàng. Bên cạnh một phần rất nhỏ của yếu tố bẩm sinh, người lãnh đạo cần trau dồi, học tập không ngừng để đạt đến trình độ “nghệ thuật”. Hiện nay, chúng ta đã có những chuyên ngành đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và rất nhiều tài liệu hay, giá trị liên quan đến lĩnh vực này. Cuốn sách Nghệ thuật lãnh đạo của tác giả Trần Long Văn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành là một trong những cuốn sách hay và giá trị đó.

Ngay trong lời tựa của cuốn sách đã có đoạn viết: “Một người lãnh đạo ưu tú tất phải là một người có tình cảm cao thượng và phong phú, đồng thời có thể biểu hiện và thể hiện tình cảm bản thân một cách xuất sắc, cũng là người biết nhận biết, quan sát tình cảm của người khác, hiểu được thế nào để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của quần chúng, thông qua việc vận dụng các phương thức truyền dẫn tình cảm để lay động tính tích cực của người khác” (tr.12). Nói như vậy, cũng đủ thấy, để trở thành một người lãnh đạo giỏi thì bản thân người cán bộ lãnh đạo cần phải nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo cũng như trong cuộc sống thường ngày của mình. Sự nỗ lực ấy sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, nếu người cán bộ biết trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo vô cùng phong phú, đa dạng. Cuốn sách Nghệ thuật lãnh đạo mặc dù nói về thực tiễn hoạt động lãnh đạo ở Trung Quốc, nhưng khi đọc nội dung, bạn đọc Việt Nam sẽ thấy những vấn đề mà cuốn sách đề cập cũng chính là thực trạng hoạt động và đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay. Với dung lượng 500 trang, chia làm mười chương, nội dung cuốn sách cung cấp cho những ai đã, đang và sẽ tham gia công tác lãnh đạo những kỹ năng, phương pháp lãnh đạo thiết thực nhất, từ những người mới được đề bạt làm lãnh đạo, cho đến những người làm lãnh đạo lâu năm.

Một cẩm nang cầm tay chỉ việc

Sẽ là không quá khi nói cuốn sách Nghệ thuật lãnh đạo giống như một cuốn cẩm nang cầm tay chỉ việc dành cho những người đã, đang và sẽ làm công tác lãnh đạo. Bởi, cuốn sách cung cấp cho người đọc những tri thức rất sát với thực tiễn hoạt động lãnh đạo hiện nay, từ vấn đề làm sao để lãnh đạo mới nhậm chức xây dựng được hình tượng tốt, cách sử dụng quyền lực, phát triển tư duy sáng tạo, đến việc đưa ra quyết sách mưu lược, lãnh đạo cấp phó và quần chúng, v.v. giúp cho người lãnh đạo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Tác giả cuốn sách đã nêu lên thực tế mà bất cứ ai mới được đề bạt khi đọc sẽ đều thấy một phần mình ở trong đó: “Lãnh đạo mới nhậm chức đều có khí thế “hăng hái”, đều muốn chứng tỏ năng lực với một diện mạo mới, một trạng thái tinh thần mới, từ đó xây dựng cục diện công tác mới. Lãnh đạo mới nhậm chức gánh trên vai trọng trách do tổ chức giao phó và kỳ vọng của đông đảo cán bộ, quần chúng nên thực sự cần phải có lối tư duy, năng lực và phương pháp mới để giải quyết vấn đề, để không phụ sự tín nhiệm của tổ chức và quần chúng” (tr.18). Sự kỳ vọng đối với một cán bộ mới được bổ nhiệm là rất lớn, chính vì vậy mà người mới nhậm chức phải chịu áp nhiều lực, họ phải làm sao duy trì được sự ổn định của cục diện, xây dựng cây cầu nối đến cơ sở, đặc biệt không được nóng vội trong việc đưa ra quyết định, sách lược, nói một cách hình tượng là “không vội vàng “đốt lửa” (theo cách nói của tác giả). Cuốn sách cũng đã “mách nước” những người mới nhậm chức một cách cụ thể, dễ thực hiện: “Người được đề bạt nên chủ động trao đổi, tâm sự với đồng nghiệp cũ, trưng cầu ý kiến về sự thay đổi nhân sự lần này, để đồng nghiệp cũ có thể nói ra hết những cảm nhận trong lòng, cho dù hai bên không thể đạt được nhận thức chung, thì chí ít cũng khiến cho đồng nghiệp có thể bày tỏ hết những khúc mắc, không bàn tán sau lưng nữa, đồng thời thể hiện sự tôn trọng, thân thiết của lãnh đạo mới đối với anh ta… để giảm bớt tình trạng xung đột mâu thuẫn, tạm thời “mềm dẻo” một chút là biểu hiện của người có tầm nhìn xa trông rộng. Sau khi anh đã đứng vững, thì có thể mạnh dạn quản lý, vì lúc đó cấp dưới đã thừa nhận anh (tr.21).

Để minh họa cho những lập luận của mình, tác giả cuốn sách đưa ra một ví dụ rất điển hình về cách làm việc của một lãnh đạo mới nhậm chức, mà chắc chắn sẽ giúp bạn đọc rút ra được nhiều bài học có giá trị. Đó là trường hợp của Lý Thìn, một nghiên cứu sinh, thạc sĩ 38 tuổi, bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng. Cấp trên đã cử Lý Thìn về nhận chức vụ viện trưởng, bí thư đảng ủy của một bệnh viện mà kỷ luật lao động đang bị buông lỏng, thỉnh thoảng xuất hiện sự cố trong việc điều trị. Các nhà lãnh đạo cấp trên đã rất hy vọng sau khi Lý Thìn nhậm chức sẽ có thể mạnh dạn công tác, dám cải cách, mở ra được cục diện mới cho bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. Chính vì vậy mà quyết tâm của Lý Thìn rất lớn, thể hiện sự kỳ vọng không phụ lòng tổ chức. Tuy nhiên, do chưa thực hiện tốt các bước cơ bản đối với người mới nhậm chức trong nghệ thuật lãnh đạo, Lý Thần đã nóng vội “đốt lửa”, đưa ra những quyết định chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả phải xin từ chức, mà trong lòng không ngừng tự vấn: “Tôi vẫn là tôi, tại sao lúc tôi làm một bác sĩ, nỗ lực của tôi lại đạt được hiệu quả tốt như vậy, mà kể từ khi làm lãnh đạo, nỗ lực của tôi còn nhiều hơn lúc làm bác sĩ, tại sao lại không có hiệu quả tốt???”. Chương I- Lãnh đạo mới nhậm chức - với hơn 60 trang sách (từ tr.17 đến tr.73), tác giả sẽ luận giải đầy đủ những lý do thất bại của người lãnh đạo mới mà hình tượng tiêu biểu là bác sĩ Lý Thìn, qua đó giúp những người mới nhậm chức hình dung được các bước đi vững chắc để xây dựng cục diện mới và đưa công tác lãnh đạo của mình đạt đến hiệu quả cao nhất.

Sau khi xây dựng được cục diện công tác mới, người lãnh đạo cần phải nắm giữ và thực thi được quyền lực của mình. Chương II- Quyền uy lãnh đạo sẽ cung cấp cho bạn đọc những phương pháp sử dụng quyền lực một cách phù hợp và chính xác, cũng như cách giành được quyền uy (quyền lực và uy tín) trong nghệ thuật lãnh đạo.

Với cách trình bày mạch lạc, khúc chiết, tác giả cuốn sách đã lý giải những vấn đề lý luận liên quan đến quyền lực lãnh đạo (nội hàm, đặc trưng của quyền lực lãnh đạo,…) một cách dễ hiểu và thiết thực. Ở chương này, bạn đọc sẽ tiếp cận một khái niệm khá mới trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo, đó là “giá trị quan quyền lực”. Tác giả cuốn sách định nghĩa như sau: “Giá trị quan quyền lực là nhận thức và đánh giá chủ quan của người lãnh đạo đối với các giá trị quyền lực, là bộ lọc giữa giá trị quyền lực và hành vi, nó phán đoán tiêu chuẩn giá trị, quy định nguyên tắc chọn lọc, quyết định phương hướng sử dụng quyền lực. Giá trị quan quyền lực của người lãnh đạo là điều kiện lịch sử xã hội tất yếu và sản phẩm của quan hệ xã hội, chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa xã hội” (tr.87). Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc cũng giống như ở Việt Nam, đều xác lập toàn bộ quyền lực đến từ nhân dân, người lãnh đạo là dùng quyền lực mà nhân dân giao cho phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong đội ngũ lãnh đạo của xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn còn một bộ phận không nhỏ lãnh đạo mà trong đầu vẫn tồn tại các giá trị lạc hậu, trì trệ, dần biến thành lãnh đạo thoái hóa, biến chất, gây hại cho dân, cho nước. Nội dung chương II sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về mặt trái của quyền lực trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Giúp hoạt động lãnh đạo thực sự trở thành một nghệ thuật

Để nắm giữ và sử dụng quyền lực một cách chính xác, hiệu quả là cả một “nghệ thuật” đối với người lãnh đạo. Bạn đọc sẽ dễ hình dung và vận dụng các tri thức, kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý khi đọc kỹ và hiểu sâu về những nội dung trong cuốn sách này. Tác giả sẽ gợi mở cho bạn đọc những quy tắc và phương pháp nắm quyền, ủy quyền, khống chế quyền lực - một trong những vấn đề quan trọng trong nghệ thuật lãnh đạo. Chỉ cần đọc những luận chứng về “ủy quyền” và “ủy quyền ngược” mà tác giả đưa ra, chúng ta cũng sẽ thấy thật sự thuyết phục. Thông thường, khi đã có quyền lực, chắc chắn sẽ có lúc chúng ta phải ủy quyền cho một người khác thực hiện công tác lãnh đạo của mình trong một vấn đề hoặc lĩnh vực với khoảng thời gian nhất định. Việc ủy quyền không đơn giản là việc đưa bút để họ ký giúp ta một văn bản hay đưa ra một mệnh lệnh,… mà nó gồm những việc làm cần thiết để thúc đẩy cấp dưới chủ động, độc lập hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế và mong muốn đôi khi lại không giống nhau, do vậy mà bên cạnh việc ủy quyền sẽ gặp phải vấn đề “ủy quyền ngược”. Đó chính là hiện tượng cấp dưới đem những quyền và trách nhiệm của mình giao ngược lại cho cấp trên, đem công việc và các vấn đề trong phạm vi chức quyền của mình đẩy cho cấp trên. Khi đó, người có quyền hạn ủy quyền là cấp trên lại bị cấp dưới “dắt mũi”, phải xử lý những việc đáng ra cấp dưới phải làm. Mục III, chương II của cuốn sách sẽ phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đồng thời gợi ý cho người lãnh đạo cách thức tránh “ủy quyền ngược” và làm sao để khống chế quyền lực một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

leadership

Ảnh minh họa

Gác vấn đề sử dụng quyền lực sang một bên, nhìn lại lịch sử phát triển của các nền văn minh nhân loại, chúng ta thấy sự đổi mới phương thức tư duy là động lực cơ bản để thúc đẩy xã hội tiến bộ của nhân loại. Mỗi cuộc cách mạng về đổi mới tư duy đều đem lại sự thay đổi sâu sắc về sức lao động cũng như bước tiến triển dài lớn cho nhân loại. Trong mọi hoạt động, muốn phát triển thì phải không ngừng đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy, trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng vậy. Tư duy cũ kỹ, cố hữu, chậm đổi mới sẽ đưa ra những quyết định, hành động thiếu hiệu quả. Ngược lại, nếu có tư duy sáng tạo, mạnh dạn đổi mới sẽ có hành động sáng tạo, hiệu quả cao. Ở Chương III - Tư duy sáng tạo, tác giả đi sâu phân tích những đặc trưng cơ bản của tư duy sáng tạo; cách thức để duy trì và phát huy lối tư duy sáng tạo đó trong thực tiễn. Cái hay trong phân tích, đánh giá của tác giả chính là ở chỗ cho rằng tư duy sáng tạo phải có tính mạo hiểm. Sự mạo hiểm trong tư duy sáng tạo thể hiện ở chỗ nó có thể xung đột với truyền thống, thành kiến, với trình độ nhận thức và năng lực các cá nhân. Tuy nhiên, theo tác giả, chúng ta không thể vì thấy khó khăn đó mà không đổi mới, sáng tạo trong tư duy, bởi hoạt động tư duy sáng tạo dù có mạo hiểm nhất định, nhưng thành công, hiệu quả mà nó mang lại lại có thể bù đắp được những tổn thất do mạo hiểm gây ra, đồng thời đem đến cho mọi người những hy vọng mới, sự khởi đầu mới và thúc đẩy quá trình phát triển mới. Vì thế, người lãnh đạo cần phải có tư duy sáng tạo phù hợp với thời đại.

Từ tư duy sáng tạo, người lãnh đạo sẽ đưa ra được những quyết sách mưu lược trong hoạt động lãnh đạo của mình. Quyết sách mưu lược đó như thế nào, làm sao để đưa ra và thực hiện hiệu quả những quyết sách đó. Bạn đọc sẽ tìm câu trả lời những vấn đề này một cách cụ thể và dễ hiểu nhất trong Chương IV - Quyết sách mưu lược. Đây là phần nội dung rất hữu ích cho những ai đang làm công tác lãnh đạo. Bởi trước sự biến đổi không ngừng của xã hội, đòi hỏi của công việc, người lãnh đạo cần áp dụng hành vi, quyết sách như thế nào để có thể đáp ứng được sự phát triển của thực tiễn là một câu hỏi khó đối với những ai chưa hiểu về các vấn đề liên quan đến quyết sách mưu lược trong công tác lãnh đạo. Ở chương IV của cuốn sách, tác giả xuất phát từ nội hàm của quyết sách mưu lược, đi sâu luận giải về các chuẩn tắc, phương pháp và trình tự hành vi quyết sách mưu lược. Theo đó, với bốn chuẩn tắc cơ bản nhất: chính xác, ưu hóa, giá trị và trách nhiệm, người lãnh đạo sẽ đưa ra được những quyết sách phù hợp, quyết định sự thành công trong hoạt động lãnh đạo của mình. Nhằm giúp bạn đọc dễ hình dung, tác giả đã trình bày các chuẩn tắc một cách chi tiết, cụ thể, kết hợp dẫn chứng sinh động, hấp dẫn như: Định hướng ưu hóa: “tránh lựa chọn Hobson” - dẫn câu chuyện nực cười về việc bán ngựa của Hobson (tr.175); hay Định vị trách nhiệm: tránh hiện tượng “ba vỗ”- tức là: vỗ đầu quyết sách, nghĩ là đương nhiên; vỗ ngực bảo đảm, thề thốt hứa hẹn; nhưng khi xảy ra chuyện thì quay lưng đi, không có trách nhiệm. Qua đó để châm biếm hiện tượng một số nhà lãnh đạo đưa ra quyết sách một cách vô trách nhiệm, gây tổn thất, lãng phí trong công việc… Tóm lại, nội dung chương IV của cuốn sách sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo có phương pháp nhìn nhận sự việc chính xác, từ đó có những quyết sách “đúng và trúng”, đem lại hiệu quả cao.

Ở các chương tiếp theo (chương V-X), tác giả gợi mở những phương pháp làm việc, quy luật lãnh đạo, các điều kiện người lãnh đạo cần có để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, giúp cho hoạt động lãnh đạo đạt đến trình độ “nghệ thuật”. Từ những “chiêu thức” rất đơn giản, dễ áp dụng như: biết “thả cá nhỏ, bắt cá lớn” - nắm bắt cái lớn, bỏ qua cái nhỏ; giỏi “mượn” - biết kịp thời nắm bắt thời cơ, biết dựa vào sức mạnh của các bên để tạo ra hợp lực, làm tốt công việc… đến việc giải quyết ổn thỏa ý kiến trái chiều của cấp phó; nắm vững nguyên tắc và linh hoạt…Qua những cách giải quyết vấn đề mà tác giả gợi mở, bạn đọc sẽ có cho mình những nhận định, đánh giá riêng, để từ đó liên hệ, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn vị trí công tác của đơn vị, bản thân mình.

Đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách chắc chắn những người đã, đang và sẽ làm công tác lãnh đạo sẽ rút ra cho mình được nhiều bài học sâu sắc. Giá trị của cuốn sách nằm ở chỗ nó không chỉ giúp nâng tầm của người lãnh đạo về tư duy mà nó còn giúp cho họ thực hiện công tác lãnh đạo của mình một cách khoa học, chính xác, đạt đến trình độ “nghệ thuật”.

 Nguyễn Thúy

 

 

Bình luận