Ngoại giao cường quốc tầm trung: Lý thuyết, thực tiễn quốc tế và hàm ý cho Việt Nam

Ngày đăng: 22/07/2021 - 16:07

Cường quốc tầm trung là một quốc gia có tầm vóc, khả năng và vị thế ở mức trung bình cao, có lợi ích quốc gia trong việc duy trì sự ổn định và điều chỉnh có trật tự của hệ thống quốc tế thông qua việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng như là người xúc tác, điều phối và quản lý trong quan hệ quốc tế. Xét cả về năng lực và hành vi, các cường quốc tầm trung là nhóm đối tượng nghiên cứu khác biệt so với các nước lớn và nước nhỏ. Về năng lực, nước tầm trung nằm giữa thang bảng sức mạnh. Về hành vi, nước tầm trung tuy không tham vọng cạnh tranh với các siêu cường nhưng đồng thời cũng không chịu đóng vai nạn nhân của chính trị cường quyền. Cường quốc tầm trung áp dụng các chính sách đối ngoại vừa tích cực, vừa cẩn trọng để tối đa hóa lợi ích quốc gia, chủ yếu tập trung vào củng cố, mở rộng ngoại giao đa phương, các chuẩn tắc quốc tế và mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng rãi.

Với Việt Nam, do đã đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về năng lực và hành vi, ngày càng có nhiều nghiên cứu về nước ta như một quốc gia tầm trung. Việc Việt Nam tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo đan xen lợi ích chiến lược, coi trọng chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đã thể hiện những điểm tương đồng với một nước tầm trung mới nổi ở khu vực. 

Cuốn sách Ngoại giao cường quốc tầm trung: Lý thuyết, thực tiễn quốc tế và hàm ý cho Việt Nam 

 Cuốn sách Ngoại giao cường quốc tầm trung: Lý thuyết, thực tiễn quốc tế và hàm ý cho Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy, Học viện Ngoại giao làm chủ biên đã nêu rõ khung lý thuyết về khái niệm, tiêu chí xác định cường quốc tầm trung và phân tích nền ngoại giao cường quốc tầm trung trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay; đánh giá thực tiễn quốc tế về nền ngoại giao cường quốc tầm trung của các cường quốc tầm trung điển hình trên thế giới và khu vực, từ đó khái quát hóa thành những đặc điểm và công cụ của ngoại giao cường quốc tầm trung; từ khung lý luận và thực tiễn quốc tế đối chiếu với trường hợp Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phục vụ quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới (đến năm 2030).

Nội dung cuốn sách góp phần quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương và song phương liên quan đến các cường quốc tầm trung và ngoại giao cường quốc tầm trung, đưa ra các gợi ý chính sách, đặc biệt là trong quan hệ với các cường quốc tầm trung cùng sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc…; đề xuất những kiến nghị nhằm thực hiện ngoại giao song phương và đa phương với các cường quốc tầm trung tại các diễn đàn khu vực và quốc tế một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Đây còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế.

Bình luận