Người Việt đọc 4 hay 1 cuốn sách mỗi năm?
Cho dù số sách xuất bản hàng năm đều tăng cao, nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm vẫn xấp xỉ 1 cuốn?
5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, cho dù số sách xuất bản hàng năm đều tăng cao, nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm vẫn xấp xỉ 1 cuốn?
Các hoạt động kỷ niệm 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức tại Hà Nội, cho thấy rất nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ, Bộ, ngành, đoàn thể, cá nhân để tạo một môi trường thuận lợi cho văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển.
Nhưng xung quanh văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó số đầu sách xuấn bản với số sách trung bình đầu người hàng năm đọc vẫn là một khoảng cách rất xa.
Ngày sách Việt Nam
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Geprge 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố.
Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ Thư viện… Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 25/10- 16/11/1995, UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”- World Book and Copyright Day.
Đã có hơn 150 nước, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng quyết định này. Theo đó, vấn đề văn hóa đọc ở Việt Nam được quan tâm chú ý. Hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới”, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao Du Lịch đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động “Ngày Sách và Văn hóa đọc”.
Từ đó đến nay, “Ngày Sách và văn hóa đọc” ở nước ta đã dần đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”.
Quyết định nêu rõ, “Ngày Sách Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Đồng thời, "Ngày Sách Việt Nam" cũng tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Một năm 4 cuốn sách hay 1 cuốn sách?
Theo số liệu được đưa ra tại buổi họp báo chuẩn bị kỷ niệm 5 năm “Ngày Sách Việt Nam”, 5 năm qua, toàn ngành có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỉ bản sách. Như vậy, với số dân hơn 90 triệu, tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam đang được hưởng thụ hơn 4,2 bản sách/năm.
5 năm qua, chỉ tính riêng các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức được hơn 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc, tính trung bình Việt Nam có hơn 60 Hội sách được tổ chức/ năm.
Đồng thời, trong vòng 5 năm qua, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; cả nước xây dựng được trên 30.000 tủ sách phụ huynh; các cấp bộ đoàn trên cả nước đã xây dựng hơn 36.000 tủ sách các loại, với gần 4 triệu cuốn sách; nhiều tủ sách dành cho phạm nhân được xây dựng tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng...
Cả nước hiện nay có thể có hàng triệu thư viện và tủ sách công cộng, chưa tính các tủ sách gia đình; mỗi năm có hàng nghìn hội thi, hội thảo về sách và văn hóa đọc, tưởng chừng sách và văn hóa đọc của người Việt ngày càng phát triển.
Theo tổng kết của Cục Xuất bản, năm 2018, ngành xuất bản tung ra gần 32.000 cuốn sách mới với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017, tổng quát, năm 2018, lượng sách ra thị trường tăng trên 20%. Không chỉ thị trường sách, hoạt động thư viện cũng có vẻ “khởi sắc”, Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” tổ chức tại Thư viện Quốc gia ngày 5/12/2018 cho biết:
Việt Nam hiện có một Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh, 663 thư viện huyện và 3.257 thư viện xã; cùng 16.727 phòng đọc sách làng, thôn, bản; gần 400 thư viện thuộc các trường cao đẳng và đại học; 25.915 thư viện trường phổ thông; 100 thư viện thuộc các bộ ngành, viện nghiên cứu; hơn 500 thư viện và khoảng 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang…
Sách in nhiều và thư viện mọc khắp nơi nhưng người đọc ở đâu? World Culture Score Index có làm thống kê cho biết Ấn Độ là quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay về “chỉ số đọc”, với trung bình 10 giờ 42 phút/ tuần; Thái Lan thứ nhì với trung bình mỗi tuần 9 giờ 24 phút và người Mỹ đọc 5,42 giờ/tuần…
Nếu so với con số trung bình 20 cuốn sách/năm của các nước Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản; hay con số 14 cuốn sách/năm của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan thì ở Việt Nam, Bộ Giáo dục- Đào tạo cho biết trung bình một người dân đọc 4 cuốn/ năm, gồm 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác.
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng cho biết số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 cuốn/ người. Còn Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số còn lại chia đều trên số dân đọc sách chỉ được khoảng 1 cuốn/người/năm.
Làm sao để tăng số cuốn/ người/ năm?
Mỗi năm, một người Việt Nam chỉ chi 2 USD để mua sách, một người Trung Quốc chi 10 USD và ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 200 USD để mua sách.
Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên. Sách chất như núi, các hội chợ sách đông nghịt, nhưng sách vẫn nằm ngoài đường hơn là vào nhà, sách ngủ trên kệ thư viện hơn là trên tay.
Đi hội chợ sách cũng cứ như đi hội chợ hoa, ngắm nhiều hơn mua, đôi khi đến không phải vì sách mà vì có “thần tượng” ở giới showbiz hoạt động ở hội chợ. Khách quan, có thể điểm lại vài nguyên nhân khiến người Việt chỉ thích ngắm, không thích mua.
Vào vài nhà sách lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ thấy “bội thực” với những đầu sách tương tự về nội dung. Từ các sách ngôn tình, kiếm hiệp, thơ ca hò vè, sách văn chương “thượng vàng hạ cám”, đến những sách “khởi nghiệp”, xem phong thủy, sách nghiên cứu, tra cứu…
Sự trùng đề tài khiến độc giả không chỉ khó khăn để chọn lựa mà còn làm họ ngán. Sự “đánh hơi” thị trường của các công ty sách không đủ độc đáo để tạo ra chỗ đứng riêng biệt cho từng công ty và mang lại sức bền để đi đường dài. Sự cạnh tranh khốc liệt còn dẫn đến sự bát nháo, sách “rác” nhiều.
Ngành xuất bản nhiều nơi chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận độc giả, dẫn đến xuất hiện "hàng chợ" trong đời sống văn học Việt Nam, trong khi những sách để nâng cao dân trí rất thưa thớt. Các nhà xuất bản phải sống bằng việc bán giấy phép xuất bản, và vì thế chất lượng sách không bảo đảm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Lê Doãn Hợp khẳng định "không dưới 70% là sách vô bổ". Cuối cùng đưa đến một tâm lý thị trường phổ biến: “Ngắm chứ không mua!”.
Không phải là hiện tượng nhất thời mà là một thực trạng có khuynh hướng kéo dài, liên quan đến rất nhiều vấn đề, cả ở tầm vĩ mô Nhà nước như các chính sách thuế, các “luật” chia lợi nhuận giữa Nhà xuất bản với Công ty phát hành sách. Như năm 2014, trong 64 Nhà xuất bản, chỉ có 4 nhà làm ăn có lời và nộp thuế đầy đủ. Các Nhà xuất bản ở năm 2018- 2019 cũng vẫn vừa xuất bản vừa lo phá sản.
Chất lượng nội dung của sách, và việc nắm rõ nhu cầu thị trường của từng thành phần người đọc có thể là yếu tố quan trọng hàng đầu để sách có thể tiếp cận đến bạn đọc một cách nhanh, nhiều, có ích, sức lan tỏa mạnh.
“Ngày Sách Việt Nam” 5 năm tiếp theo, hy vọng văn hóa đọc của người Việt nâng tầm, không phải 1 cuốn, 4 cuốn mà là 10- 20 cuốn/ năm, để sách thật sự hoàn thành sứ mệnh tri thức của mình, trong quá trình người Việt Nam trên đường hội nhập toàn cầu.
BT: Kiều Trang
Theo Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên