Có thể nói rằng, việc huy động được tốt nhất các nguồn lực cũng như tạo ra và duy trì được cao nhất và liên tục động lực để phát triển là những vấn đề then chốt trong các chính sách phát triển kinh tế của mọi quốc gia, mọi thời đại. Đối với mỗi quốc gia, các nguồn lực bao giờ cũng hữu hạn, ở trong tình trạng “khan hiếm”; động lực luôn tồn tại, hiện hữu trong mọi xã hội nhưng không ổn định và nhất quán. Vì vậy, trong bối cảnh mới với những xu hướng phát triển chủ yếu là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức, hình thái phân công lao động quốc tế mới thì quan niệm thế nào về nguồn lực, động lực; vai trò của các yếu tố nguồn lực truyền thống, “phi truyền thống”; làm thế nào để tạo ra và phát huy có hiệu quả nguồn lực, động lực cho phát triển một cách lâu bền nhất, luôn là vấn đề được đặt ra cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà chính sách. Đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề nêu trên, trong khi thực tiễn phát triển đất nước đòi hỏi phải có nhận thức mới và đúng đắn về nguồn lực và động lực cho phát triển. Vì vậy, việc xuất bản cuốn sách này là rất kịp thời và có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào việc luận giải những căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách đối với các nguồn lực và động lực cho chiến lược phát triển đất nước.
Cuốn sách được hình thành trên cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học KX.04.08/06-10. Nội dung cuốn sách đề cập những vấn đề liên quan đến nguồn lực và động lực cho sự phát triển như: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, vốn, khoa học - công nghệ, văn hóa, cơ chế thị trường, cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, cơ chế kích thích lợi ích kinh tế, cơ chế cạnh tranh…; đồng thời, cuốn sách cũng phân tích các nội dung về nhận thức, chủ trương, các biện pháp đã thực thi và kết quả huy động, sử dụng đối với mỗi loại nguồn lực; làm rõ những nguyên nhân chủ yếu của những thành tựu và hạn chế, những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công… Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến một vấn đề quan trọng là phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong tương quan với sử dụng các nguồn lực và tạo dựng, duy trì động lực của Việt Nam đến năm 2020 cũng như có những định hướng trong việc huy động và sử dụng nguồn lực. Từ đó, đề xuất các giải pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành những phần chính như sau:
Phần I: Tổng quan nghiên cứu về nguồn lực, động lực cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế
Phần II: Nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế
Phần III: Động lực cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế
Phần IV: Các kiến nghị bảo đảm nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020