Nhân dân là người thực hiện và giám sát

Ngày đăng: 20/02/2016 - 12:02

Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của MTTQ Việt Nam...

PVKính thưa đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, năm 2015, đồng chí đã có rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương, gặp gỡ với các tầng lớp nhân dân. Đồng chí cảm nhận như thế nào về cuộc sống của nhân dân và điều gì đồng chí cảm thấy nhớ nhất và ấn tượng nhất?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Xuất phát từ quan điểm mỗi lần đi cơ sở là một lần hiểu thực tiễn sát hơn, khách quan hơn, đồng thời, ý kiến đóng góp của người dân sẽ là những gợi ý cho công việc rất tốt, vì vậy qua các chuyến đi tôi học được rất nhiều. Thông qua các chuyến đi cũng như ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước được Mặt trận phản ánh với Quốc hội qua hai kỳ họp vừa qua, điều đầu tiên thấy được là nhân dân rất mừng như: Về tổng thể năm 2015 kinh tế phát triển tốt hơn, quý sau tăng trưởng tốt hơn quý trước, lạm phát thấp; việc bê tông hóa đường nông thôn phát triển rất mạnh. Kết quả có được đó là nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng có sự tham gia và đóng góp của mọi người dân.

clip image002.jpg

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân

Điểm thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư nước ngoài tăng. Việt Nam có những tiến bộ về giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính là được tổ chức quốc tế thừa nhận. Bầu không khí chung là rất tốt nhưng cũng có nhiều điều phải suy nghĩ, nhiều hộ nông dân vẫn còn nghèo, thiếu sự hỗ trợ tư vấn của các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, điều này cho thấy Mặt trận cũng có trách nhiệm, muốn giảm nghèo phải đến từng các hộ, theo dõi, giúp họ có phương án làm ăn. 

Một sự kiện nổi bật khác trong năm qua đó là việc MTTQ Việt Nam phối hợp cùng 40 tổ chức tôn giáo tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 40 tôn giáo đã ký chương trình phối hợp về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên tất cả các tôn giáo ngồi lại với nhau bàn về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - đó là một hình ảnh đẹp, gắn bó khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PVTrong năm qua, MTTQ Việt Nam đã tổ chức khảo sát về tình hình nông nghiệp và giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 ở cả ba miền đất nước, điều này có ý nghĩa, tác dụng như thế nào đối với xã hội, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Thực tế là trong kế hoạch công tác năm 2015 của Mặt trận không có việc đi khảo sát các Hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng trong 2 năm 2013-2014, báo cáo của cử tri và Nhân dân cả nước trước Quốc hội cho thấy ý kiến của người dân đều liên quan đến việc được mùa mất giá, khó vay vốn, xuất khẩu nông nghiệp bấp bênh... Chính vì vậy, Mặt trận đề ra chương trình bổ sung đi khảo sát nông nghiệp và giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã, với mong muốn qua khảo sát này có thể trả lời được câu hỏi: Có cách nào giải quyết được những băn khoăn, lo lắng của nhân dân? Mặt trận đã mời Liên minh Hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng đi khảo sát. Đồng thời, qua các chuyến khảo sát tại Cộng hòa Liên bang Đức và Italia cho thấy: Nông dân có đặc điểm là muốn giữ đất, ruộng, không muốn mất, tức là muốn làm ăn cá thể. Ngay cả ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy. Nông dân làm ăn cá thể nhưng vẫn liên kết lại thành hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã ở các nước không thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ mạnh hơn. 

Chúng tôi rút ra nhận thức rất quan trọng là không phải nông dân đem đất, đem trâu bò biến thành của chung mà của ai người nấy giữ nhưng khi làm hợp tác xã có phần chung là góp một ít vốn để hình thành Ban quản lý hợp tác xã, có kế hoạch sản xuất chung, điều này rất quan trọng. Dựa trên nghiên cứu nhu cầu thị trường từ đó giúp cho hộ nông dân làm ăn hiệu quả hơn, trong khi họ vẫn là hộ cá thể. Đấy là lý luận và khái quát từ thực tiễn cho thấy. Tuy còn ít nhưng rất nhiều địa phương như: Lào Cai, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ đều có những mô hình hợp tác xã, trong đó, nông dân là những người tự liên kết để làm ăn tốt hơn. Những hợp tác xã này không to, chỉ vài chục hộ nhưng họ hiểu nhau và phối hợp làm ăn có hiệu quả. Điều đáng mừng là mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có, vấn đề làm thế nào để phát huy lên. Trong đó, việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức. Trước hết, vì 95% hộ nông dân không học nghề, nếu ngân hàng cho hộ đơn lẻ vay sẽ không yên tâm vì không biết nông dân sẽ trồng cây gì, nuôi con gì nhưng nếu các hộ cá thể liên kết lại thành hợp tác xã, có phương án làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật, ngân hàng sẽ yên tâm cho vay.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, thực phẩm của Việt Nam có thể rẻ nhưng không có xuất xứ hàng hóa, không có chứng nhận chất lượng, trong khi thực phẩm nước ngoài có thể đắt nhưng an toàn, dẫn đến người tiêu dùng lựa chọn hàng nước ngoài. Nếu liên kết nhiều hợp tác xã sẽ đăng ký được thương hiệu, chứng nhận được xuất xứ hàng hoá. Bên cạnh đó, nếu hợp tác xã đứng ra mua phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi sẽ được giá rẻ, ưu đãi, an toàn. Trong một khối đoàn kết sản xuất hợp tác xã mạnh về đầu ra, rẻ về đầu vào, có uy tín sẽ tương thích với kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

PVMột trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 đó là giới thiệu và giám sát người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng chí có thể cho biết đối với những người tham gia mà cử tri không thấy thuyết phục thì Mặt trận làm như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm trong việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình, mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm thông tin đầy đủ về nhân thân các ứng cử viên, về việc sinh hoạt tại nơi cư trú, quan hệ cộng đồng, tuân thủ pháp luật như thế nào... để cử tri biết. Mặt trận phải góp phần tạo những thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, Hội đồng bầu cử các cấp, từ đó, làm cơ sở để chọn các ứng cử viên phù hợp. Đây là điều rất quan trọng. MTTQ Việt Nam cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc lựa chọn các ứng viên thích hợp, cố gắng không để sai sót xảy ra.

PV: Thưa Chủ tịch, một hoạt động rất nổi bật vừa qua của Mặt trận là công tác giám sát. Tám nội dung giám sát được người dân đánh giá rất cao. Trong năm 2016, hoạt động giám sát sẽ tiếp tục được thực hiện trong trọng tâm như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Trong năm qua, hoạt động giám sát của Mặt trận đã có tiến bộ, đạt được những kết quả bước đầu. Đã có một chương trình giám sát có kết quả, hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, đó là chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015. Nội dung này đã được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn. Qua việc này đã rút ra bài học: có những việc ngắn hạn chính quyền phải làm như tổng giám sát người có công. Các chương trình giám sát còn lại đang triển khai năm đầu tiên, để rút kinh nghiệm, như: việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở... Sang năm 2016, các chương trình này sẽ được chuyển giao cho cơ sở, địa phương làm. Đối với chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, MTTQ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ làm ở nhiều địa phương hơn.

Ngoài ra, trong năm 2016, MTTQ Việt Nam sẽ vận động nhân dân thực hiện và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm từ người sản xuất, từ nơi nhập khẩu đến nơi chế biến và tiêu dùng. Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam. Vấn đề an toàn thực phẩm nó có đặc điểm là ở người sản xuất không an toàn đều nằm ở địa phương, hàng xóm láng giềng đều biết. Tự do kinh doanh để kiếm lợi nhuận nhưng xét về đạo đức là không được. Bởi, bán rau, cây và các con gia súc, gia cầm không an toàn là đang đầu độc người tiêu dùng. Nói một cách chân tình là nếu sản xuất không an toàn, đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam. Điều này trái với văn hoá của người Việt. Người Việt Nam không được đầu độc người Việt Nam bằng việc trồng và bán những hàng không an toàn. Nếu thống nhất, những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với đạo đức là sản xuất không an toàn. MTTQ đã bàn với Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hoá từ nay sẽ có quy định là nếu người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Nếu vi phạm sẽ không công nhận gia đình văn hoá. Đối với hàng nhập khẩu, có thể do nhiều lý do, thiếu phương tiện kỹ thuật kiểm tra hoặc có chỗ trách nhiệm yếu kém để lọt, phải xác định rõ ràng điều này. Có thể chấp nhận là có loại hàng ra ngoài nhiều hơn, giá trị xuất nhập khẩu giảm đi nhưng dân tộc Việt Nam được an toàn, nòi giống được duy trì phát triển. Cần có một cuộc vận động toàn xã hội về nhận thức có thu nhập ngắn hạn hay là tự mình làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt. Khi nhân dân nhận thức được, có cách làm phù hợp, việc này có thể khắc phục được. Nếu Trung ương làm, địa phương đã có những mô hình kết hợp lại sẽ thành cuộc vận động tốt.

PVXin cảm ơn đồng chí!./. 

Theo Báo QĐND

 


Bình luận