Nhân lên lòng yêu nước
Lâu lắm rồi mới lại được thấy những giọt nước mắt thấm đẫm tình người, thấm đẫm văn hóa dân tộc Việt Nam rơi nhiều đến thế. Những dòng lệ được rút ra từ trong gan ruột của người Việt Nam, nghẹn ngào, nức nở tiếc thương một con người, một nhân cách lớn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, đồng bào cả nước, bè bạn quốc tế được chứng kiến rất nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên và cả thiếu niên, nhi đồng - đối tượng mà có lúc, dư luận xã hội cho là có biểu hiện ít hiểu lịch sử dân tộc đã bùng lên tình cảm mãnh liệt. Họ đến để viếng, thắp hương, đưa tiễn Đại tướng trong suốt những ngày qua. Họ tình nguyện trông xe, giữ gìn trật tự, quạt mát cho các cụ già... Điều này có vẻ như mâu thuẫn với kết quả thấp kém của môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vừa qua. Lý giải thế nào về những hành động tốt đẹp này là câu hỏi đau đáu trong nhiều người nhưng chúng tôi cho rằng, đó là truyền thống từ ngàn đời của cha ông để lại, để "mỗi khi Tổ quốc cần" thì tinh thần ấy lại được nhân lên mạnh mẽ...
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ khi ông nằm xuống, Nhà nước tổ chức quốc tang, nhân dân, bầu bạn năm châu mới dành cho ông tình cảm đặc biệt, thuở sinh thời, ông đã giành trọn sự ngưỡng mộ ấy. Nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã gặp nhau ở nhiều điểm khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó, điểm chung cốt lõi ấy là tình cảm yêu nước, thương dân luôn thường trực ở mỗi suy nghĩ, việc làm của Đại tướng. Tình cảm ấy được thể hiện qua những quyết định chính xác, giúp cả dân tộc giành được độc lập, tự do. Là nhà giáo, nhà báo, nhà văn hóa, nhà quân sự lỗi lạc, được nhân dân và bạn bè quốc tế kính trọng, vị nể, nhưng Đại tướng sống giản dị, khiên nhường, bình dị. Chẳng khi nào người ta thấy ông ở vị trí "quyền cao chức trọng" mà lại "lọng xanh, mũ đỏ", xa dân, nặng lời với cấp dưới. Ngược lại, tấm lòng ông luôn bao dung, gần gũi. Khi đã về già, ở tuổi đại đại thọ, mặc dù sức khỏe đã yếu, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn một lòng trung kiên, tinh anh, mẫn tuệ - như ông từng nói "Tôi sống ngày nào là cũng vì đất nước này". Chính Đại tướng là một trong những người đề nghị Đảng ta quyết định đưa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào giáo dục; để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân học và làm theo. Đại tướng coi đây là biện pháp để tăng cường sức mạnh cho Đảng, cho dân tộc; để chống lại những kẻ cơ hội, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và cả những thói hư tật xấu đang ngày càng có xu hướng phát triển trong hệ thống chính trị, trong đất nước ta. Phải chăng, chính những suy nghĩ, hành động hết lòng vì dân, vì nước đã làm lên nhân cách tuyệt vời của Đại tướng và được nhân dân suy tôn là Anh hùng dân tộc - Đại tướng của nhân dân.
|
Cháu Sùng Trần Quốc Mạnh, người dân tộc Mông được Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) bế lên thắp hương trước di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 12-10, em nhỏ này đã theo bố mẹ vượt gần 250km đường đèo dốc, từ TP. Sơn La về TP Điện Biên Phủ tưởng nhớ Đại tướng. |
Các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội đã chứng minh: Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng không tự nhiên mà có. Điều ấy chỉ có được trên nền tình cảm sâu thẳm của mỗi người dựa trên suối nguồn lịch sử truyền thống, đạo đức và văn hóa được nuôi dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước. Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết đã được kiểm chứng sinh động thông qua lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX và cả công cuộc đổi mới đang diễn ra hiện nay.
Động cơ nào đã đưa các học sinh, sinh viên, thiếu niên, nhi đồng, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội đến với Đại tướng trong những ngày đã qua? Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân hết sức cơ bản đó là những gì họ được tiếp nhận, thu nạp về tài năng, nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài sử sách, là từ những câu chuyện truyền miệng tại từng gia đình, từng xóm làng, từng khối phố, từng thôn bản, buôn làng. Dân ta có câu: “Trăm năm bia đá phải mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Các thanh niên, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên, nhi đồng nghe ông bà, cha mẹ nhắc đến Đại tướng với lòng thành kính, biết ơn. Không bia nào vững bền như bia lòng dân, không sự vinh danh nào bằng lòng dân vinh danh nên hình ảnh, tư tưởng, tình cảm và công lao của Đại tướng với toàn dân tộc được ghi nhận trong trái tim của lớp lớp thế hệ đồng bào. Chính thiện tâm ấy đã tác động vào tâm tư tình cảm của thanh niên, học sinh, sinh viên. Như vậy, thêm một thực tế đặt ra, ngoài việc giáo dục, học tập, tuyên truyền, các nhà quản lý xã hội của ta cũng phải tính đến lợi thế này để phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Lòng dân là vô bờ bến, sức dân mạnh hơn hồng thủy. Nhưng tình cảm của dân, lòng dân, sức dân chỉ có được với những người thực sự vì họ, trăn trở với khó khăn của họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điển hình về đức ấy. Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nói: “Vận nước suy hay thịnh, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi vũ khí tinh thần ấy”. Điều đó chẳng thể bao giờ sai.
Bài và ảnh: MẠNH THẮNG
Theo QĐND online
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực