Những cống hiến to lớn của Tôn Đức Thắng cho phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam

Ngày đăng: 17/08/2012 - 11:08

Xuất thân trong một gia đình trung nông lớp khá, có điều kiện ăn học để trở thành thầy giáo và giữ một vị trí xã hội đáng kể, nhưng Tôn Đức Thắng không chọn con đường đó, mà vào trường Bá Nghệ, học kỹ thuật, thợ máy, thợ điện, chọn hướng lao động và cuộc đời người thợ. Khi giai cấp công nhân Việt Nam hình thành chưa được bao lâu, Tôn Đức Thắng đã sớm hoà nhập vào phong trào công nhân, gắn bó suốt đời với giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay từ khi chưa có ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin rọi chiếu, nhưng nhờ thâm nhập và hiểu rõ nỗi đau khổ tận cùng của người công nhân Việt Nam ở một nước thuộc địa dưới ách cai trị của thực dân Pháp, Tôn Đức Thắng đã sớm tổ chức và tham gia vào những cuộc đấu tranh của công nhân.

Những năm tháng hoạt động sôi nổi ở Pháp, Tôn Đức Thắng đã tranh thủ mọi điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp, nhằm tìm ra những hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp cho công nhân Việt Nam.

Sau sự kiện Hắc Hải ngày 19-4-1919, Tôn Đức Thắng trở về nước lại hoà mình ngay vào giai cấp công nhân, gây dựng và tổ chức phong trào cách mạng trong lực lượng tiên tiến nhất của xã hội. Tôn Đức Thắng có đóng góp quan trọng đầu tiên trong việc phát hiện công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn muốn đấu tranh nhưng không có tổ chức, và do đó cần thiết phải có tổ chức của công nhân. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động của mình, Tôn Đức Thắng đã chỉ ra rằng chỉ thông qua tổ chức, công nhân mới ý thức được sức mạnh của mình và đấu tranh mới đem lại lợi ích thiết thực cho giai cấp và dân tộc. Từ nhận thức, Tôn Đức Thắng đã hoạt động thực tế, tổ chức, vận động những người thợ yêu nước tham gia vào tổ chức thích hợp của giai cấp công nhân để vừa đấu tranh, vừa có những hành động thiết thực như quyên góp tiền bạc, lương thực, tỏ tình đoàn kết và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vai trò tổ chức của Tôn Đức Thắng, mầm mống công hội Việt Nam ra đời từ những tổ chức tương tế ái hữu, còn gọi là Uỷ ban bữa cháo cộng sản (Comité de la soup communiete). Trên cơ sở đó, vào khoảng cuối năm 1920, Tôn Đức Thắng đã tập hợp một số người cùng chí hướng thành lập ra Công hội bí mật ở Sài Gòn. Tổ chức Công hội đầu tiên ở Việt Nam ra đời gắn liền với tên tuổi của Tôn Đức Thắng. Từ đó trở đi, Công hội phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng. Công hội đã có tác động tích cực cả về tình cảm và lý tưởng cách mạng, kết hợp cả lý luận và thực tiễn. Hoạt động của Công hội vượt ra ngoài tính chất của một hội tương tế ái hữu thông thường, vì Hội còn có mục đích chống đế quốc, làm chính trị. Công hội do
Tôn Đức Thắng lãnh đạo đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son, tháng 8-1925.

Với cương vị là Hội trưởng, Tôn Đức Thắng đã bí mật tổ chức công hội hoạt động từ địa bàn hẹp đến rộng, từ ít đến nhiều hội viên, từ hoạt động tương tế đến đấu tranh chính trị, bước đầu thể hiện được sứ mệnh lịch sử và tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng, cuộc bãi công Ba Son tháng 8-1925 như một dấu son đánh dấu trình độ tổ chức, ý thức đoàn kết, kỷ luật, sự phối hợp đấu tranh thực hiện cả mục tiêu kinh tế và chính trị. Đây thực chất là giai cấp công nhân Việt Nam đang trong quá trình trưởng thành, đẩy nhanh trình độ “tự giác”, khắc phục tính “tự phát”, để đến khi đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, thì giai cấp công nhân Việt Nam mới hoàn toàn ở trình độ “tự giác”.

Từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu có mặt ở Sài Gòn thì Công hội của Tôn Đức Thắng đã gia nhập Hội này. Từ đây, với cương vị là một trong những người lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, Tôn Đức Thắng tiếp tục cống hiến cho hoạt động của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam.

Trích trong cuốn Tôn Đức  Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả