Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch

Ngày đăng: 10/10/2017 - 08:10

nhung mau chuyen 10102017Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, chí công vô tư, hết lòng vì dân vì nước và vì nhân loại cần lao bị áp bức. Người đã bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, tìm ra “ánh sáng” vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch kể lại một số sự kiện trong chuyến hành trình bôn ba đó của Người.

Cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948 tại Trung Quốc, sau đó là tại Paris (Pháp); năm 1955 sách được dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Hà Nội và sau đó được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản nhiều lần, liên tục cho đến nay.

Bằng lối văn phong bình dị, mộc mạc, dễ hiểu, cuốn sách với độ dày vừa phải, cung cấp cho bạn đọc những thông tin quý báu về thân thế, tuổi thơ, quê hương, gia đình và về cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Có thể khẳng định rằng: Trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương đạo đức cách mạng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, quyết tâm cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Từ một người thanh niên trẻ tuổi chứng kiến nước nhà trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, với lòng yêu nước thương dân sâu sắc đã dũng cảm ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Để rồi, Người bôn ba từ đất nước này đến đất nước khác, làm đủ thứ nghề, chịu đủ gian khổ, khó nhọc nhưng bằng nghị lực phi thường và nỗi lo lắng cho vận mệnh dân tộc luôn đè nặng trong tim, Người đã tự tìm tòi, tự học hỏi và từng bước tiếp cận với con đường chính trị tưởng chừng vô cùng lạ lẫm ấy.

Người đến Pháp - quê hương của chính bọn thực dân xâm lược, áp bức dân mình và nhận thấy rằng: “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ độ hơn người Pháp ở Đông Dương” (tr.22). Tại đây, Người gửi bản yêu sách 8 điểm đến Hội nghị Vécxây; truyền đơn trong các cuộc mít tinh; viết bài gửi báo Dân chúng, Đời sống thợ thuyền để nói về những bất công xảy ra ở Việt Nam; Người viết Bản án chế độ thực dân Pháp để tố cáo âm mưu và tội ác của bọn thực dân đê hèn; ra báo Người cùng khổ nhằm vào thực dân Pháp xâm lược,…Trong bất cứ buổi nói chuyện hay cuộc mít tinh nào, Người luôn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam, Người tuyên bố đanh thép: “Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi” (tr. 52). Đó là những bước đi đầu tiên trên con đường làm cách mạng của Hồ Chủ tịch, là bàn đạp cho những bước đi tiếp theo của Người trên những miền đất khác - nơi mà các dân tộc thuộc địa bị áp bức, nơi mà cách mạng đang sục sôi như: Liên Xô, Xiêm, Trung Quốc,...Cuối cùng, sau 30 năm bôn ba, Người đã thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu của mình, đó là “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập” (tr.70).

Có rất nhiều chi tiết quan trọng được đề cập đến trong cuốn sách này, trong đó nhiều chi tiết, sự kiện là tư liệu gốc hoặc duy nhất. Bạn đọc có thể nhận thấy nội dung chủ yếu của những sự kiện đó gồm 6 phần: 1) Thân thế và lý tưởng yêu nước của người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh nước nhà bị áp bức; Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. 2) Những hoạt động tuyên truyền đầu tiên của Người trên đất Pháp, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. 3) Quê hương của Lênin và những ấn tượng đầu tiên của người về “thiên đường” nơi đây; Những hoạt động của Người tại Trung Quốc và Xiêm. 4) Hai tầng xiềng xích Pháp, Nhật tại Việt Nam và sự chống trả của Việt Minh; Sau giai đoạn tù ải, Người trở về nước, lời dự đoán của Người trở thành sự thật: Nhật “hất cẳng” Pháp. 5) Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Người đề ra 6 vấn đề cấp bách phải giải quyết sau khi nước nhà giành được độc lập, tự do. 6) Pháp trở lại Việt Nam; Những sách lược với Pháp và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Có thể nói, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch là một trong những tác phẩm quan trọng về Hồ Chí Minh. Đây là cuốn tiểu sử sớm nhất viết về Hồ Chủ tịch (xuất bản lần đầu năm 1948; ba năm sau khi nước ta giành độc lập). Cuốn sách không chỉ liệt kê những sự kiện đơn thuần, mà hơn thế, đây là “cuốn nhật ký hành trình” chi tiết và hấp dẫn về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Đây cũng là một trong những tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét, có thể trở thành nguồn tư liệu tham khảo cho rất nhiều công trình quan trọng nghiên cứu về Hồ Chí Minh như: Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh toàn tập,...Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận định về cuốn sách như sau: “Cuốn sách ấy không thể nói là đã “làm thay đổi cuộc đời tôi”, song đã tạo một cái hích nhẹ và hướng tôi bước vào ngả đường nghề nghiệp mà vào thời điểm đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuốn sách “không phải là sử” ấy thật sự gây ấn tượng với tôi. Sau này khi đã thâm niên trong nghề nghiệp, tôi có nhiều cơ hội đọc và gặp nhiều người nước ngoài, có người thuần túy là nhà nghiên cứu, có người là nhân chứng lịch sử, cũng có người là cả hai. Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều cách tiếp cận, đánh giá khác nhau về cuốn sách này và nhân vật của sách. Cuốn sách nhỏ thật sự đã “dẫn tôi vào đời” nghề nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt thật đã tạo nên một lịch sử thật”1. Rõ ràng, giá trị của cuốn sách còn nằm ở sức mạnh củng cố sự kiên định và quyết tâm trong tư tưởng, lập trường của con người.

Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì việc đọc, nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm viết về Người, từ đó ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách làm việc của Người, là một nhu cầu, một yêu cầu bức thiết và có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Phạm Hương

  1. http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=631&;sitepageid=417#sthash.2flA7vEq.fhKOccp5.dpbs
Bình luận