Những năm Tỵ ghi dấu ấn thế kỷ XX
Một trăm năm cuối của Thiên niên kỷ thứ hai vừa qua đối với dân tộc Việt Nam ta là một thế kỷ hào hùng, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn của thời đại. Bởi chính thế kỷ XX đã mở ra một kỷ nguyên mới và một thời đại mới cho dân tộc ta: đó là Thời đại Hồ Chí Minh và Kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và thời gian, dù chỉ luôn hiện hữu như một khách thể của vũ trụ bao la thì vẫn là một minh chứng hùng hồn, ghi dấu son đậm nét với những sự kiện trọng đại trong tiến trình cách mạng của đất nước. Những mốc thời gian: 1911, 1930, 1941, 1945, 1954, 1975, 1986... đã và sẽ mãi trở thành những năm tháng không thể nào quên đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Điểm lại suốt chặng đường dài của thế kỷ XX, ta chợt nhận ra một điều: có những năm Tỵ có ý nghĩa vô cùng to lớn với cuộc trường chinh lâu dài và anh dũng của dân tộc. Nhân buổi đầu xuân Quý Tỵ 2013, xin được điểm qua đôi nét về những mốc son năm Tỵ đó.
Nửa cuối thế kỷ XIX của lịch sử dân tộc ta là một trang sử bi hùng, đầy đau thương uất hận, khi những thước đất cuối cùng của Tổ quốc dần dần bị rơi vào tay bọn xâm lược thực dân, thì những người con kiên trung bất khất vẫn phất cao ngọn cờ yêu nước, đứng lên đấu tranh. Và khi những tờ lịch cuối cùng của thế kỷ XIX đã được bóc đi thì thực dân Pháp, về cơ bản đã bình định xong Việt Nam và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam bắt đầu thế kỷ XX trong đêm tối nô lệ dưới ách thực dân.
Năm Tỵ đầu tiên 1905 của thế kỷ XX đã chứng kiến một phong trào yêu nước và cách mạng mới rầm rộ nổ ra dưới sự lãnh đạo của các nhà ái quốc là những sĩ phu yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Hồ Tá Bang… Phong trào có tên là Cuộc vận động Duy tân. Trong vòng gần 10 năm trời (1905-1912) cùng với các phong trào yêu nước khác như Phong trào Đông Du... Cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ đã thu hút sức chú ý và lôi kéo hàng chục vạn nhân dân ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam hưởng ứng, tham gia. Thực chất của Phong trào Duy tân không chỉ là cổ súy cho cái mới, cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ, mà còn công khai phê phán xã hội phong kiến, tính bảo thủ của Nho Giáo và những phong tục, tập quán lạc hậu; và dẫu rằng cuối cùng thất bại, nhưng Phong trào Duy Tân cũng đã đi vào lịch sử dân tộc như là một cuộc vận động xã hội - chính trị rộng lớn, một quá trình chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc - dân chủ trong thời đại mới.
12 năm sau, Đinh Tỵ 1917, khi mà ở nước Nga xa xôi đã nổ ra cuộc cách mạng long trời lở đất, đó là Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, thì ở Việt Nam cũng đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn). Mặc dù cuộc khởi nghĩa Thái nguyên chỉ tồn tại chưa đầy nửa năm trời, song những nghĩa sĩ dưới ngọn cờ “Nam binh phục Quốc” cũng đã làm cho thực dân Pháp phải đau đầu, mất ăn, mất ngủ
Năm Kỷ Tỵ tiếp theo 1929 là năm có nhiều sự kiện thật đặc biệt. Phong trào cách mạng ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã phát triển lên một cao trào mới. Giai cấp công nhân Việt Nam đã đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình. Vào tháng 3-1929, những người con ưu tú nhất của giai cấp công nhân Việt Nam đã đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số 5D Hàm Long, Hà Nội. Không bao lâu sau, ngày 17-06-1929, Đông Dương cộng sản Đảng thành lập, rồi tháng 8 năm ấy thành lập An Nam cộng sản Đảng và tháng 9-1929, Tuyên đạt thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Để rồi vào ngày 3-2-1930, ba tổ chức cách mạng Việt Nam nói trên đã họp tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân năm Tân Tỵ 1941 đã chứng kiến một sự kiện trọng đại: đó là ngày 8-2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài, đã trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Cột mốc 108 và núi rừng biên giới Việt - Trung là những chứng nhân đầu tiên chứng kiến bước chân của một người con xa quê mẹ đã 30 năm để “đi tìm hình của nước”. Cuộc hành trình đã dài 3 thập kỷ - từ khi anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - là một cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy, song cũng đầy ắp những câu chuyện đẹp như những huyền thoại. Và sự ra đời của mặt trận Việt Minh (tháng 5-1941) cũng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cách mạng ViệtNam, mở đầu cho một cao trào mới: “đánh Pháp, đuổi Nhật”, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân.
12 năm sau, Quý tỵ 1953 đã mở màn cho Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Quân và dân ta đã tiến nhanh về Tây Bắc, bao vây và cô lập thực dân Pháp ở Lai Châu, buộc chúng phải co cụm về Điện Biên Phủ, để rồi mùa hè năm 1954, quân và dân ta đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ làm lên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Mùa xuân Ất tỵ 1965, cả nước bước vào cuộc chiến tranh không cân sức chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đầu năm đó, những phong trào yêu nước sôi nổi đã được phát động thu hút hang vạn, hàng triệu người tham gia; đó là phong trào: “Ba sẵn sàng” và phong trào “Ba đảm đang”. Nó cũng đã mở đầu cho một ý chí, một quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam.
Năm Đinh Tỵ 1977, hai năm sau khi Tổ quốc ta được thống nhất, cả nước ca khúc khải hoàn, bắt đầu thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 20-9 năm ấy, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hiệp Quốc.
12 năm sau, Xuân Kỷ Tỵ 1989 là những tháng năm đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nền kinh tế nước ta đã, đang đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách, vậy mà Đảng ta đã vững tay chèo lái, đưa con thuyền dân tộc ta vượt qua sóng gió, hiểm nguy tưởng chừng không sao vượt qua nổi; để cho đến hôm nay, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đã tạo ra được thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam vững bước đi lên.
Giờ đây bình tâm mà xem xét, chắc mỗi chúng ta ai cũng có chung một nhận định là: thế kỷ XX đối với đất nước ta là một thế kỷ đầy biến động dữ dội và cũng đầy ắp những sự kiện thật lớn lao. Có phải ngẫu nhiên hay không mà lịch sử dân tộc ta mở đầu thế kỷ XX là Phòng trào Duy tân và kết thúc lại là Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên cả ở hai định danh đó, con người và xã hội đã thay đổi rất nhiều để phù hợp với những quy luật khách quan của sự vận động xã hội. Thêm vào đó, thế kỷ XX, phần cuối của nó lại tiếp cận với một cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 3, sản phẩm của văn minh trí tuệ và kỷ nguyên thông tin, đó là nền kinh tế tri thức của nhân loại. Nhận biết để mà sớm hòa nhập được với nó quả là không ít khó khăn và đòi hỏi cả một dân tộc phải cố gắng và nỗ lực phi thường.
Những năm Tỵ trong thế kỷ XX quả là có nhiều sự kiện thật trọng đại và có ý nghĩa hết sức to lớn, đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Bước sang Xuân năm Tân Tỵ của thế kỷ 21, năm 2001 đã đánh dấu một sự kiện lớn lao, đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX. Đại hội đã vạch kế sách, đường lối, chiến lược xây dựng nước nhà trong giai đoạn cách mạng mới: Giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển.
Tự hào về truyền thống của cha ông, về những gì đã đạt được trong thế kỷ XX, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì một ngày mai tươi sáng.
Nguyễn Hữu Giới
(Vụ Thư viện)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực