Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam
Hồi ký “Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam” của tác giả Claude Blanchemaison được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ra mắt vào tháng 3-2016 là một cuốn sách được nhiều độc giả chờ đón. Cuốn sách thú vị và hấp dẫn bởi lối kể chuyện giản dị, chân thành và lôi cuốn. Dưới góc nhìn của tác giả, người từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ Pháp tại Việt Nam trong giai đoạn 1989-1993, đồng thời cũng là một nhà ngoại giao phương Tây đầy kinh nghiệm, đất nước Việt Nam hiện ra thật vô cùng xinh đẹp, sinh động và mới mẻ. Cuốn Hồi ký đã ghi lại nhiều biến động trong những năm tháng cả dân tộc chúng ta đang dốc sức chuyển mình đổi mới để vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Hồi ký Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam bao gồm “những câu chuyện nhỏ mà qua đó chúng ta hiểu được những biến động lịch sử của một dân tộc”[1]. Những câu chuyện xoay quanh các chủ đề: làm phim, hợp tác về nông học, âm nhạc và ngoại giao, đón Hồng y,... được thể hiện rất sinh động qua góc nhìn và cảm quan của tác giả. Bốn năm sống và làm việc tại Việt Nam, nơi được Claude Blanchemaison đánh giá là “một điểm đến khá phiêu lưu trong thời kỳ đó”, đã cho ông những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống đời thường trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của một nước xã hội chủ nghĩa. Và đặc biệt hơn, Việt Nam và Pháp đã từng trải qua một cuộc chiến đầy đau thương, nên có thể nói tại thời điểm đó mối quan hệ giữa người Việt và người Pháp vẫn còn nhiều e ngại. Nhưng với mong muốn được trải nghiệm phiêu lưu, thách thức mới mẻ nên Claude Blanchemaison chọn việc đến Việt Nam trên cương vị Tân Đại sứ như một “ván bài” may rủi cho sự nghiệp làm công tác ngoại giao của mình. Hai câu chuyện mở đầu của cuốn Hồi ký sẽ là lời lý giải và những tâm sự, băn khoăn trước quyết định “táo bạo” nhưng cũng hứa hẹn đầy thú vị của chính tác giả.
Cuốn Hồi ký tập hợp 23 câu chuyện, trong đó 22 câu chuyện là những mảnh ghép rất phong phú để tái hiện nên một Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, thực hiện chính sách mở cửa hội nhập. Và câu chuyện thứ 23 là về một Việt Nam của “Hai mươi năm sau”, ghi lại chuyến viếng thăm đầy cảm xúc, thăng hoa mà tác giả đã dùng làm câu chuyện kết thúc cho cuốn Hồi ký của mình.
Phải nói rằng, khi đọc Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam mặc dù những biến cố của lịch sử được nhắc đến khá nhiều nhưng độc giả sẽ không hề thấy cứng nhắc hay khô khan, trái lại, lại cảm thấy rất bình dị và dễ dàng đón nhận nhờ một lối kể chuyện chân thành, giàu cảm xúc của tác giả. Bởi có lẽ đúng như tác giả đã đề tựa ở đầu cuốn sách: “Thân tặng tất cả những ai đã khiến tôi yêu mến đất nước Việt Nam”, ông viết cuốn Hồi ký này bằng chính tình cảm trìu mến của một người ngoại quốc, một vị Đại sứ Pháp dành cho đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy Tổ quốc mình hiện ra trong từng cảm nhận sâu sắc của một người ngoại quốc, ông đã vẽ lại một Việt Nam từ góc nhìn khách quan, chân thực nhất, “bởi vậy, câu chuyện sẽ được kể theo hướng khách quan, sự khách quan của một nhà quan sát, mà theo sự phân công công tác, đã cập bến một thế giới chẳng mấy giống với những gì người ta từng miêu tả cho ông ta nghe trước đây, đồng thời cùng được kể theo một số hướng chủ quan của một Đại sứ Pháp, nhân vật mà người ta luôn đòi hỏi phải có những phân tích tình hình một cách chính xác nhất và đưa ra những kiến nghị về cách thức hoạt động khả quan nhất, để có thể đem lại những kết quả cho thời kỳ ngắn và trung hạn”[2].
Bên cạnh đó, cuốn Hồi ký cũng ghi lại ấn tượng của ông về những chính khách Việt Nam bình dị mà đầy kính mến như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình,... Có thể nói, với Claude Blanchemaison thì việc được gặp gỡ và trò chuyện cùng những con người Việt Nam đặc biệt ưu tú chính là những trải nghiệm thú vị nhất mà ông muốn lưu giữ. Ông rất kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người đã lãnh đạo toàn thắng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng cũng đồng thời là một người yêu nước Pháp và nền văn hóa Pháp. Có lẽ chính vì thế mà tác giả, trong quãng thời gian đảm nhiệm vị trí của mình, đã gặp Tướng Giáp chừng mười lăm lần. Mỗi lần gặp đều để lại trong ông rất nhiều ấn tượng và cảm xúc. Hai con người có sự cách biệt về tuổi tác, khác biệt về văn hóa và từng ở hai phe đối lập lại trở nên thân thiện, gắn bó đến lạ thường. Đây chính là sức mạnh của tình cảm, tinh thần Việt Nam mà theo tác giả thì hầu hết mọi người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cong cong hình chữ S này đều thân thiện và chân thành như thế.
Mở đầu cuốn Hồi ký là những thắc mắc, phân vân của tác giả trước việc được phân công đến Việt Nam công tác, một đất nước có nhiều điều thú vị nhưng cũng ẩn chứa nhiều thăng trầm: “Tôi đến Hà Nội mùa xuân năm 1989, trong bầu không khí của thủ đô một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, và tháng 3 năm 1993, tức bốn năm sau đó tôi rời khỏi đất nước đang thay đổi nhờ ý chí phát triển và mong muốn hội nhập quốc tế, họ cũng muốn nâng cao vai trò của mình trong những hoạt động của cộng đồng các quốc gia trên thế giới”[3]. Mặc dù, phân vân và cũng có đôi phần lo lắng khi chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong lộ trình sự nghiệp của mình, nhưng Claude Blanchemison sau khi đặt chân đến lại tìm thấy và có nhiều cơ hội trải nghiệm những điểm hấp dẫn và thú vị của đất nước và con người nơi đây. Ông ghi chép lại những biến động lịch sử thông qua góc nhìn và sự ảnh hưởng ở từng giai đoạn, sự kiện đối với Việt Nam, đó là sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống rất đời thường ở những nơi ông đã đi qua. Mọi chủ đề ông nêu ra trong các câu chuyện của mình, đều là những hoạt động góp phần tăng cường xây dựng và củng cố tình hữu nghị Pháp - Việt giai đoạn 1989 - 1993 cũng như sau này. Bốn năm công tác tại Việt Nam đã thực sự là những trải nghiệm khó quên của tác giả, để ông luôn phải nhấn mạnh rằng: “Tôi trên hết muốn bày tỏ lòng kính trọng tới những người dân Việt Nam, mà cùng với họ, tôi đã trải qua bốn năm, rồi khám phá họ trong một bầu không khí đầy xáo động. Một dân tộc đáng ngưỡng mộ và đầy sức thu hút”[4]. Ông còn rất dí dỏm và vô cùng chân thành khi khẳng định rằng: “Tôi thực sự say mê trí thông minh, vẻ đẹp và sự nhạy cảm của phụ nữ Việt Nam”[5].
Phải nói rằng, cuốn Hồi ký Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam của Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison thực sự là những dòng hồi ký mang đầy tính chân thực, cảm mến của ông dành cho đất nước Việt Nam. Tình cảm và sự trân trọng, kính phục mà tác giả đã ghi lại qua từng câu chuyện sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về Việt Nam trong con mắt nhà ngoại giao phương Tây. Hơn hết, cuốn sách chính là một góc nhìn khác dành cho những người muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Vì vậy, sẽ chẳng thể nào dễ dàng đọc cuốn Hồi ký này một cách hời hợt, bởi những trang sách này luôn khiến độc giả “đắm chìm” trong đó. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ra mắt cuốn sách với mong muốn đem đến cho bạn đọc thêm một món ăn tinh thần mới với hành trình đầy thú vị về một giai đoạn của đất nước qua một góc nhìn khác so với nhiều cuốn sách cùng chủ đề, thể loại.
Cù Thị Thúy Lan
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Claude Blanchemaison: Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 11, 13, 12, 13-14, 151.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực