Vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm một vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp, hóa hiện hóa. Là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm và có những biến đổi sâu sắc. Nông nghiệp phát triển tương đối ổn định và có xu hướng tái sản xuất theo chiều sâu. Đời sống nông dân được cải thiện. Diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định của đất nước, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Khẳng định vai trò to lớn của nông nghiệp, nông thôn cũng đồng thời là khẳng định vai trò to lớn của người nông dân trong xã hội. Nông dân không chỉ là nguồn nhân lực chủ yếu và quyết định quá trình phát triển sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra của cải vật chất để duy trì sự tồn tại và phát triển kinh tế xã hội khác của cả nước, nhất là trong việc cung cấp nguồn lao động cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Vai trò quan trọng của người nông dân Việt Nam không chỉ được thể hiện trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, mà còn trong toàn bộ tiến trình đổi mới, phát triển, hiện đại hóa xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt với tư cách là thành viên của WTO, thì đây là cơ hội lớn để Việt Nam khai thác các lợi thế phát triển nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đặc biệt, tác động bên ngoài là lực kéo quan trọng để giúp Việt Nam cải tổ khu vực nông nghiệp nông thôn.
Trên cơ sở phân tích lý luận và đánh giá khách quan thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam, cuốn sách Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới giai đoạn 2011-2020 do TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (Chủ biên) sẽ chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cũng như xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới giai đoạn 2011-2020, đồng thời đề xuất một số chính sách nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại đang đặt ra trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tống Việt Hạnh