Đạo làm quan

Ngày đăng: 18/05/2016 - 12:05

dao lam quanCâu nói "Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, làm quan mà không lấy dân làm đầu, chẳng thà về bán khoai lang" của Phạm Trọng Yêm tuy rất ngắn gọn nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa to lớn. Hiện thực xã hội đã từng đặt ra câu hỏi làm quan để làm gì? Câu trả lời chỉ có thể là: một là, làm quan vì mình, hai là, làm quan vì dân. Người làm quan vì mình, trong tâm trí họ luôn cho rằng làm quan để có tiền tài, địa vị và quyền thế. Người làm quan vì dân thì cho rằng, làm quan là để gánh vác trách nhiệm phục vụ nhân dân. Vậy làm quan thì phải làm như thế nào? Để giúp độc giả có thêm tài liệu tham khảo, nghiên cứu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn Đạo làm quan của học giả nổi tiếng Trung Quốc Hồ Thành Quốc. Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Trung, do Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô ấn hành năm 2008.

Cuốn sách được viết với nhiều quan điểm khá mới mẻ, độc đáo, từ đó, đưa ra được những nhận định có tính bao quát, hàm súc với lý lẽ sắc bén. Ngoài việc trả lời cho câu hỏi "Làm quan phải làm thế nào?", cuốn sách còn trình bày một cách sâu sắc về nhiều vấn đề như: bản lĩnh cầm quyền vì dân của người làm quan ra sao; những khó khăn, lúng túng của cán bộ liêm chính, trong sạch; việc tăng cường tu dưỡng đạo đức, nâng cao tố chất bản thân và năng lực cầm quyền; kiên trì phòng, chống thoái hóa, biến chất, xây dựng vững chắc mặt trận tư tưởng; làm tốt công tác xây dựng tác phong, đạo đức liêm chính, kiên quyết trừng trị hiện tượng thối nát. Đồng thời cuốn sách cũng phân tích tâm lý tác phong, đạo đức của cán bộ các cấp khi xây dựng tác phong, đạo đức liêm chính; mổ xẻ tâm lý thối nát của quan chức trong đảng và chính quyền cũng như những biểu hiện không tốt và trở ngại tâm lý của cán bộ lãnh đạo trong công tác xây dựng tác phong, đạo đức liêm chính; thiết thực tăng cường giám sát, kiên trì chống hiện tượng thối nát, đề phòng diễn biến hòa bình…

Cuốn sách góp phần phát huy được vai trò tích cực và sự ảnh hưởng sâu rộng đối với việc thúc đẩy xây dựng và sáng tạo lý luận khoa học về tác phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghiêm túc nghiên cứu, tăng cường tính kỷ luật và sự trong sạch của các cán bộ lãnh đạo, đẩy mạnh chế độ sáng tạo chống tham nhũng và làm trong sạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc; tăng cường kiểm tra, đôn đốc đối với sự vận hành của quyền lực, mở rộng lĩnh vực công tác phòng, chống tham nhũng từ gốc, thúc đẩy công tác xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sạch, không ngừng có những bước tiến mới để có thể chịu đựng và vượt qua được mọi thử thách trong quá trình lãnh đạo thực hiện cải cách mở cửa của Trung Quốc… Cuốn sách được đánh giá là một tác phẩm hiếm có, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các mặt: tri thức, giáo dục, nghệ thuật.

Cuốn sách dày hơn 900 được chia thành 5 chương:

Chương I: Trăm vẻ quan trường;

Chương II: Tu dưỡng đạo đức làm quan;

Chương III: Tố chất lãnh đạo;

Chương IV: Tâm lý cán bộ;

Chương V: Ràng buộc quyền lực.

Với tư cách một đảng viên đảng cộng sản, với tinh thần trách nhiệm cao đối với sự nghiệp của Đảng và nhân dân, tác giả Hồ Thành Quốc đã không ngại đối mặt với quan trường và vạch ra những tật xấu tệ hại của nó, vén lên cho độc giả thấy được bức màn muôn vàn bí hiểm trong chốn quan trường, bóc trần vô vàn những sai trái mê hoặc lòng người trong môi trường đó với thái độ thẳng thắn, lời lẽ điềm tĩnh. Trong cuốn sách Đạo làm quan, tác giả đã nêu ra vấn đề cán bộ lãnh đạo nhất thiết phải hết sức thận trọng, dùng quyền phải có cảm giác như bước trên lớp băng mỏng, đứng trên bờ vực sâu. Làm quan càng to, càng phải tỉnh táo, sáng suốt, càng phải thận trọng khi sử dụng quyền lực; quyền trong tay càng lớn, khi xét duyệt công việc càng phải cẩn thận, không được để cuồng vọng, cám dỗ sai khiến, không để lợi lộc trói buộc, không gây ra tai họa khi sử dụng quyền lực. Ngược lại, người cầm quyền cũng phải luôn luôn nghĩ tới cái hại của cuồng vọng, phải luôn luôn tự khép mình, tu dưỡng đạo đức. Từng giờ từng phút, luôn phải tự răn mình, khi nắm quyền trong tay, cách lựa chọn duy nhất là vì dân; khi làm quan điều đầu tiên phải nghĩ tới là làm người. Về quyền lực, phải tính đến chữ "dân"; về chức vị phải nghĩ tới phẩm cách của "con người". Để nhắm tới những mục đích chân chính đó, trong mỗi chương tác giả đều có những lý luận phân tích sâu sắc, cặn kẽ, đầy đủ, đặc biệt có nhiều nội dung tác giả đưa ra được khắc họa khá sinh động. Chẳng hạn trong chương I của cuốn sách, tác giả đã phân tích khá sinh động hình tượng bộ mặt đáng ghét của những nhân vật trong chốn quan trường mà ông gọi là "kẻ hai mặt". Đây là những kẻ miệng nói và lòng dạ bất nhất, biểu hiện bên ngoài và bên trong không giống nhau, được ông phân tích một cách sâu sắc, triệt để đặc trưng xảo quyệt, trên cơ sở đó, đề ra một số đối đối sách hữu hiệu để nhận biết và quy phục những "kẻ hai mặt" cũng như những kẻ "mắc bệnh" trong chốn quan trường. Theo ông, để quy phục được những kẻ như thế, cần phải đối diện với sự thật và "bốc thuốc" đúng bệnh. Có thể nói, đọc tác phẩm của ông, nhiều lúc người có cảm giác giống như đang được xem thầy lang bắt mạch, chỗ nào cũng thể hiện tinh thần "trị bệnh cứu người". Để trị "căn bệnh"  này của cán bộ lãnh đạo ông đã đưa ra các phương thuốc như: Bài thứ nhất: "cao đại bổ" - hấp thụ dinh dưỡng, tăng năng lực miễn dịch; Bài thứ hai: "cường tinh tráng cốt hoàn" - tăng cường tu dưỡng, nâng cao đức hạnh cao thượng; Bài thứ ba: "dung dịch tẩy não" - bắn tên có đích, giáo dục tăng cường tư tưởng; Bài thứ tư: "thuốc tẩy uế, chống thối nát" - giữ nghiêm cửa ải, chọn đúng, dùng đúng cán bộ; Bài thứ năm: "tiêu phù diệt trùng" - đi sâu cải cách, thực hiện tinh giản biên chế quan chức;… Ứng với mỗi bài thuốc, là những phân tích cụ thể, cũng là chỉ dẫn quan trọng để điều trị căn bệnh thường thấy của cán bộ lãnh đạo.

Toàn bộ những thói hư tật xấu, đặc biệt là 20 tâm lý thối nát của cán bộ lãnh đạo được phân tích một cách kỹ lưỡng và khá hấp dẫn trong cuốn sách như: tâm lý tham lam, hám quyền, hám danh, tham ăn; tâm lý sùng tiền - "có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược không xong"; tâm lý ngạo mạn; tâm lý so đo; tâm lý mạo hiểm - "chỉ cần thăng quan phát tài, việc gì tôi cũng dám làm", tâm lý cầu may; tâm lý lợi dụng - "tôi đưa cho anh cái chân giò, anh thò cho tôi chai rượu", tâm lý cơ hội - "hết nhiệm kỳ thì không còn cơ hội kiếm tiền nữa"; tâm lý "việc nhỏ vô hại" - "kiếm chác chút đỉnh, chẳng có gì ghê gớm lắm", tâm lý theo đuôi - "người sao ta vậy",…

Với sự nhạy bén, sâu sắc, tác giả cũng đã nắm bắt và phản ánh đúng thực tế hiện tượng xã hội như hiện tượng "người đi, trà nguội". Khi nắm quyền lớn trong tay, thì người ra vào đông vui, ngựa xe tấp nập, khi quyền lớn không còn thì vắng vẻ, xe thưa người ít. Trong lời cảnh báo cán bộ lãnh đạo về hiện tượng "người đi, trà nguội", tác giả Hồ Thành Quốc chỉ ra rằng: đương nhiên đây là một phần nguyên nhân. Nhưng tạo ra cái kết quả xấu cũng có một phần trách nhiệm của bản thân họ. Nếu như khi làm quan mà họ ít hống hách hơn, ít lo "thành tích trước mắt hơn", tìm cách mang lại lợi ích cho đông đảo nhân dân hơn thì sẽ không có tình cảnh "người đi, trà nguội" như vậy. Do đó, trong cuốn sách, ông khuyến cáo cán bộ lãnh đạo phải sử dụng đúng đắn quyền lực của mình để mang lại hạnh phúc cho đông đảo nhân dân, phải làm người giản dị dễ gần, không lấy thịt đè người; phải có lòng nhân ái, quan tâm đến cấp dưới; phải mở tấm lòng độ lượng, kiên trì đối đãi, khoan dung… Cũng theo ông, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, cán bộ lãnh đạo các cấp phải thiết thực tăng cường tu dưỡng và rèn luyện tính đảng, tự khép mình, liêm khiết, đặc biệt ông cũng cho rằng: dùng người có đức, có tài là biểu hiện quan trọng nhất trong việc cán bộ lãnh đạo nâng cao chất lượng cầm quyền: "… Chức năng mấu chốt nhất của cán bộ lãnh đạo là ở chỗ dùng người, người lãnh đạo có tài năng và trí tuệ cao nhất chẳng qua cũng là ở chỗ dùng người có đức, có tài, nhận biết, sử dụng và bồi dưỡng các loại nhân tài, đó là yêu cầu mấu chốt đối với cán bộ lãnh đạo hiện đại, nhất là người đứng đầu các cấp lại càng phải như thế. (...) Dùng người thích đáng thì sự nghiệp phát triển, được lòng dân, dùng người không thích đáng thì sự nghiệp sẽ suy vong, lòng dân phẫn nộ"[1].

Cuốn sách đã cố gắng vạch rõ những thói hư tật xấu trên quan trường, bàn về vấn đề trau dồi các mặt đạo đức, năng lực của người làm quan, đưa ra những chỉ dẫn cũng như những hướng đi đúng đắn để người làm quan biết cách tránh xa các cạm bẫy, mang lại những điều tốt đẹp nhất đến cho nhân dân. Cuốn sách không những thể hiện sự trung thành, yêu mến của tác giả đối với sự nghiệp của Đảng và nhân dân Trung Quốc mà còn thể hiện sự tích cực, lòng nhiệt tình hết mình với sự nghiệp nghiên cứu lý luận xây dựng đảng. Trong mỗi cẫu chữ đều toát lên sự quan sát tinh tế và suy nghĩ sâu sắc, tư duy nhạy bén của ông về con người và hiện tượng trong đời sống chính trị hiện thực.

Ở đâu và bất cứ lúc nào, đọc cuốn sách, độc giả cũng thấy Đạo làm quan luôn sáng chói một tinh thần phê phán, đầy ắp triết lý tư duy biện chứng sâu sắc cùng lối viết sống động. Lật từng trang và suy nghĩ từng câu chữ, người đọc lại càng thấy cái hay, cái độc đáo của mỗi nội dung trong đó. Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, mà còn cho đông đảo bạn đọc quan tâm tới tư tưởng "làm quan vì dân"; nhất là khi nước ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Bùi Thu



[1]. Hồ Thành Quốc: Đạo làm quan, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 393-394. 

 

Bình luận