Đón Bính Thân tinh thần năng động, trí tuệ sáng suốt

Ngày đăng: 05/02/2016 - 07:02

 

Xa luan Tet Hạ thủy tàu ra biển lớn - TTXVN

Hạ thủy tàu, ra biển lớn. Ảnh: TTXVN.

Nhìn toàn cảnh thế giới: Lạc quan cùng với bất an

Chính trường ngoại giao đã nhận tín hiệu tốt từ đầu năm với việc nối lại quan hệ bình thường giữa Mỹ và Cuba sau 53 năm. Những bước đi cần thiết trong lộ trình đó được cả hai nước xúc tiến nhanh chóng đã làm ấm lại quan hệ quốc tế vùng Mỹ Latinh - Caribê. Mianma bắt đầu có nền dân chủ sau nhiều thập kỷ quân sự nắm quyền. Kinh tế thế giới đã có sự hồi phục. Nền kinh tế số 1 thế giới tuyên bố đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế bằng hành động tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau gần một thập kỷ lãi suất bằng 0%. Giá dầu, giá vàng giảm tạo ra những kích thích cho nhiều nền kinh tế. Nhiều hiệp ước kinh tế đa phương lớn và quan trọng đã được ký giữa các quốc gia đưa lại những cơ hội làm ăn mới, v.v..

Khi đến thăm và chủ trì một thánh lễ tại sân vận động Olympic ở Sarajevo (Bôxnia), ngày 6-6-2015, Giáo hoàng Francis kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh nữa”. Và theo Giáo hoàng: “Việc biến gươm giáo thành lưỡi cày không phải chỉ là chuyện thi ca trong Thánh Kinh, mà là một mục tiêu có thể thực hiện được trong thế giới chính trị hiện thực ngày nay”. Có thể thấy rõ, không phải ngẫu nhiên mà Giáo hoàng Francis chọn Sarajevo, thủ đô của Bôxxia - Hédegôvina, là điểm đến thăm và đưa ra thông điệp hòa bình này. Sarajevo là thành phố điển hình để thấy rõ tác hại của chiến tranh cũng như ý nghĩa to lớn của hòa bình. Đây là nơi hội tụ của nhiều văn hóa tôn giáo và sắc tộc khác nhau, là thành phố lớn duy nhất ở châu Âu có tín đồ của cả bốn tôn giáo lớn (Hồi giáo, Chính thống giáo, Do Thái giáo và Công giáo) cùng chung sống từ nhiều thế kỷ qua. Thông điệp kêu gọi hòa bình của Giáo hoàng đã được hoan nghênh khi chiến tranh và khủng bố vẫn đang bao phủ thế giới.

Tuy vậy, dù các quốc gia đã có nhiều nỗ lực, nhưng tín hiệu lạc quan và lời kêu gọi hòa bình vẫn không đẩy lùi được đám mây đen u ám lo lắng vẫn đè nặng thế giới vì bất ổn, chiến tranh và nghèo đói. Thế giới năm qua vẫn phải chứng kiến - đối phó với nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo. Lửa chiến tranh đã có lúc bùng lên dữ dội ở nhiều nơi như: Xyri, Irắc, Yêmen, châu Phi. Việc có thêm “yếu tố Nga” trong cuộc chiến chống IS đã gây ra nhiều biến động trên bàn cờ địa - chính trị Trung Đông cũng như cả thế giới. Chiến tranh đã trực tiếp dẫn tới cuộc nhập cư trái phép ồ ạt đổ vào châu Âu như một cơn sóng thần. Hình ảnh em bé xấu số ba tuổi người Xyri phải “nằm ngủ” vĩnh viễn trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong hành trình nhập cư bất thành (ngày 2 tháng 9) ám ảnh lương tri của loài người trên toàn thế giới. Châu Âu đã phải gồng mình giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và các giá trị bị thách thức của mình.

Năm 2015 cũng có thể được coi là “năm đau thương” của nước Pháp với hàng loạt vụ khủng bố chấn động và đẫm máu. Bắt đầu từ vụ tàn sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (ngày 7 tháng 1), cuộc tấn công và giết người man rợ tại nhà máy khí đốt ở Lion (ngày 26 tháng 6) cho đến loạt khủng bố đẫm máu ở Paris (ngày 13 tháng 11); hay với Liên bang Nga khi máy bay của nước này bị đặt bom khủng bố (ngày 31 tháng 10) với con số thương vong không hề nhỏ;... Tất cả các vụ việc đó đều là những “gam màu nóng” trong bức tranh toàn cảnh thế giới, gây ấn tượng bất an đến nhức nhối cho tất cả chúng ta. Thông điệp của bức tranh nóng và tối ấy gửi đến nhân loại là: chúng ta cần phải sát cánh chung tay với nhau chặt chẽ hơn để vượt qua những nỗi đau và đề phòng, ngăn chặn không cho chúng tiếp tục xảy ra.

Nhìn ra khu vực: Hy vọng xen lẫn ưu tư

Năm 2016, Việt Nam đứng trước “biển lớn” với Hiệp định TPP vừa được ký. Nhìn tổng thể và dài hạn, TPP sẽ là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển và trưởng thành hơn trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Tuy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả lời một cách riết róng câu hỏi: mạnh mẽ để cạnh tranh hay là bị “nuốt chửng”? Những “vị đắng” này của liều thuốc quý TPP có thể giúp “dã tật” - cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách định chế, luật pháp và mô hình tăng trưởng của nước ta...?

Ngày kết thúc năm 2015, cũng đánh dấu sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các quốc gia Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Việt Nam đã và sẽ tham gia sâu, rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN; chủ động tham gia xây dựng phương hướng phát triển và thảo luận để thông qua các quyết sách lớn của ASEAN; tích cực cùng các nước thành viên triển khai các nội dung ưu tiên hợp tác của ASEAN, nhất là triển khai hiệu quả, đúng hạn lộ trình xây dựng Cộng đồng.

Sự tăng cường liên kết nội khối đã tạo ra sức mạnh để cả khối cũng như mỗi nước thành viên đối phó hiệu quả với những sức ép từ bên ngoài. Dù vẫn còn phải hợp tác giải quyết với các nước Đông Nam Á lục địa (những vấn đề về tài nguyên nước, về môi trường, về bảo tồn sự đa dạng văn hóa dọc sông Mê Công, v.v.), và những nước Đông Nam Á hải đảo (những vấn đề về tài nguyên biển, về chủ quyền biển đảo, về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển), nhưng Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong Hiệp hội với những đóng góp quan trọng trên ba trụ cột: an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội cũng như trong nhiều lĩnh vực hợp tác chuyên ngành. Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở Biển Đông thời gian qua, Việt Nam đã kiên trì trao đổi cùng các quốc gia trong khu vực để tăng đồng thuận; cùng nhau bày tỏ lo ngại chung đối với những diễn biến đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực; kêu gọi sự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường chính nghĩa và hòa bình của Việt Nam đã được sự ủng hộ của nhiều đối tác, trên nhiều diễn đàn quốc tế - trong phạm vi ASEAN và cả thế giới.

Năm qua nhìn lại, đan xen cả tự hào, hy vọng và lo lắng. Thêm một năm nền kinh tế vượt khó khăn, chúng ta đã có thêm kinh nghiệm và tự tin để tiếp tục những nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tái cấu trúc ngân hàng, giải quyết nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo đời sống nhân dân. Nhìn ra khu vực và thế giới, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng, trường quốc tế vẫn còn nhiều biến động khó lường đòi hỏi chúng ta phải có những đối sách khôn khéo và kịp thời. Việt Nam tiếp tục chặng đường mới với những cố gắng mới trên cơ sở nỗ lực tăng cường nội lực, phối hợp ngoại lực để đón được thời cơ, đồng thời phát huy tất cả những gì mình có để ứng phó hiệu quả với các thử thách gặp phải.

Nhìn “từ bên trong”, năm mới 2016 bắt đầu bằng sự kiện lớn: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của đảng sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng cho chặng đường phát triển mới của đất nước. Năm mới phía trước vẫn còn bộn bề công việc. Nhiệm vụ trọng tâm ổn định và cải cách kinh tế vĩ mô vẫn xuyên suốt với nhiều yêu cầu nóng bỏng. Nhiệm vụ xây dựng Đảng vẫn là then chốt. Đấu tranh phòng và chống tham nhũng vẫn là việc vừa cấp bách vừa lâu dài, cần giải quyết triệt để có thể có được lòng tin của nhân dân.

Nhìn “ra bên ngoài”, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng vẫn đang hiện hữu (và cả tiềm tàng) nhiều nguy cơ bất ổn và khó dự đoán về an ninh, chính trị. Hướng tới tương lai trong cái nhìn chiến lược toàn diện và dài hạn, vị trí địa - chính trị đặc biệt là ưu thế “trời cho” mà Việt Nam chúng ta cần khai thác hiệu quả để phát triển đất nước bằng một chiến lược ngoại giao khôn khéo.

Năm Ất Mùi đã qua, năm Bính Thân sắp đến. Trong mười thiên can của năm, Bính thuộc hành hỏa. Tượng của hành hỏa là ngọn lửa - thăng phát và mang nhiều năng lượng, năng động. Hình Tượng địa chi của năm Thân là chú khỉ thông minh, tinh nghịch, tượng trưng cho trí tuệ thông minh, hành động nhanh nhẹn, ứng biến nhanh nhạy trước biến động. Với mỗi thời cơ và nguy cơ, tinh thần đó cần được nâng cao, sự năng động cần được nhấn mạnh, trí tuệ sáng suốt cần được đề cao. Tinh thần năng động và trí tuệ sáng suốt cũng là tiền đề quan trọng để gặt hái được nhiều thành công mới hơn.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

 

 

Bình luận