Phát huy trách nhiệm xã hội của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày đăng: 19/03/2013 - 10:03

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Tính đến năm 2011, thanh niên Việt Nam (nằm trong độ tuổi 16-30) hiện có khoảng 22.590.500 người, chiếm 26% dân số; 33,7% lực lượng lao động xã hội. "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trên cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên"1.

Thanh nien tinh nguyen 1

Ảnh minh họa

Trách nhiệm xã hội của thanh niên được hiểu là bổn phận và nghĩa vụ của mỗi thanh niên với xã hội trên các phương diện của đời sống xã hội nhưng được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Ngoài ý nghĩa là bổn phận thì trách nhiệm xã hội của thanh niên còn mang ý nghĩa đạo đức, tức là sự tự nguyện, tự giác trong thực hiện nghĩa vụ công dân. Trách nhiệm xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy vào quan hệ, tính chất và thời điểm lịch sử. Xét về mặt quan hệ, trách nhiệm xã hội có thể là trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình, với tập thể, với Tổ quốc, với nhân dân... Dựa theo tính chất thì trách nhiệm xã hội của cá nhân thể hiện trong các phương diện của đời sống xã hội như: học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất, chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Ý thức và làm tốt điều đó được gọi là có trách nhiệm xã hội và ngược lại. Ở mỗi thời điểm khác nhau, trách nhiệm xã hội cũng thể hiện khác nhau.

Trách nhiệm xã hội của thanh niên được phát huy khi cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện. Cơ chế, chính sách hợp lý tác động vào nhu cầu và lợi ích tạo ra động lực để thanh niên phát huy, cống hiến, song điều quan trọng của trách nhiệm xã hội là sự tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân với xã hội của mỗi người.

Thực tế hiện nay cho thấy, các tổ chức làm công tác quản lý thanh niên và công tác quản lý nhà nước về thanh niên hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự tạo ra môi trường xã hội tốt đẹp để thanh niên tu dưỡng, rèn luyện nên hoạt động của thanh niên còn mang tính tự phát, chất lượng hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý và giáo dục thanh niên còn nhiều hạn chế. Một bộ phận thanh niên “sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp”2. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”3,đòi hỏi phải phát huy hơn nữa trách nhiệm xã hội của thanh niên. Để phát huy trách nhiệm xã hội của thanh niên cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ hội và động lực để thanh niên phát huy trách nhiệm xã hội. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một mặt làm tăng nhu cầu về lao động, phong phú các ngành nghề, các lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội, nhằm tăng cơ hội cho thanh niên tiếp cận, tham gia và thể hiện mình qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất và tham gia các hoạt động xã hội khác. Ngoài ra, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thực chất là phát triển kinh tế đất nước, nền tảng để giải quyết vấn đề lợi ích. Thông qua sự phát triển kinh tế của đất nước, sự phân công lao động và phân phối lợi ích bảo đảm công bằng và bình đẳng hơn, để thanh niên có điều kiện thực hiện lợi ích chính đáng từ đó phát huy trách nhiệm xã hội của mình.

Đi đôi với đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải thực hiện tốt dân chủ hóa và công bằng xã hội. Trách nhiệm xã hội phản ánh mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, để phát huy trách nhiệm của cá nhân cần đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống xã hội. Dân chủ hóa đời sống xã hội không chỉ là một đòi hỏi của mọi công dân nói chung mà còn là đòi hỏi của thanh niên nói riêng. Nó là cơ sở, là môi trường để thanh niên phát huy trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội. Có thể nói, dân chủ hóa đời sống xã hội là cơ chế để mỗi thanh niên tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời họ được tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội của người khác. Tuy nhiên, dân chủ hóa đời sống xã hội phải đi liền với thực hiện công bằng xã hội mới thực sự tạo ra động lực để thanh niên thực hiện và phát huy trách nhiệm xã hội. Trong việc thực hiện công bằng xã hội phải tập trung thực hiện công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, công bằng về cơ hội trong tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vì thực hiện điều này giải quyết trực tiếp vấn đề lợi ích của mỗi cá nhân. Do vậy, cần phải tạo cơ chế, chính sách công bằng, thuận lợi để mọi tài năng trẻ đều được tham gia phát triển đất nước. Tạo bước đột phá trong việc bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ trong độ tuổi thanh niên ở tất cả các cấp, coi đây là một nội dung quan trọng về công tác cán bộ của Đảng để lựa chọn cán bộ lãnh đạo cho tương lai. Có chính sách sử dụng và đãi ngộ hợp lý để thu hút tài năng trẻ tham gia phát triển đất nước.

Hai là, tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức về trách nhiệm công dân, để thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách, có nhận thức, tình cảm, quyết tâm và hành động đúng. Giáo dục là biện pháp tác động vào nhận thức của thanh niên nhằm hình thành và bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống qua đó định hướng và điều chỉnh hành vi của họ. Giáo dục trang bị tri thức, kỹ năng và phương pháp hành động - điều kiện cần để phát huy trách nhiệm xã hội. Giáo dục cũng đồng thời bồi dưỡng về đạo đức, lối sống, phẩm chất, nhân cách con người - điều kiện đủ để trách nhiệm xã hội được phát huy. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, cá biệt còn một số ít chưa được giáo dục chu đáo nên thanh niên cần được sự giáo dục, giúp đỡ và định hướng để có nhận thức về trách nhiệm, quyết tâm và hành động đúng. Do đó, nội dung giáo dục cần tập trung vào: giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc, lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Coi trọng giáo dục thanh niên trong hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phát huy vai trò của tự giáo dục. Lồng ghép các hình thức giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn, tránh khô khan, giáo điều tạo sự nhàm chán trong tiếp thu. Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi người được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới.

Ba là, mỗi người thanh niên cần nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân quyết định trực tiếp đến quá trình nhận thức và lĩnh hội các chuẩn mực giá trị đạo đức và lối sống, ý thức được điều mình phải làm cho xã hội từ đó biến thành hành động trực tiếp, thực sự trở thành những công dân tốt sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi nhận thức và hành động có trách nhiệm trở thành ý thức tự giác trong hoạt động của mỗi cá nhân sẽ dẫn đến trách nhiệm đạo đức. Có trách nhiệm đạo đức, họ sẽ tự giác hành động, làm theo lẽ phải, biết lựa chọn đúng sai, nhận thức được cái nên làm, phải làm vì sự phát triển chung của cả cộng đồng. Đồng thời, khi thực hiện trách nhiệm đạo đức một cách tự nguyện, tự giác, con người sẽ luôn cảm thấy được sự thanh thản trong tâm hồn, cảm thấy hạnh phúc. Chính điều này càng thôi thúc con người hành động tốt hơn, hướng đến điều thiện nhiều hơn và mong muốn đem lại hạnh phúc cho những người khác, cho cộng đồng nhiều hơn. Do đó, mỗi người thanh niên phải luôn rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống; nhận thức rõ vị trí, vai trò, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của thanh niên với Tổ quốc. Luôn chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Thanh niên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc; có thái độ và hành vi ứng xử cao đẹp

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức trong công tác giáo dục, quản lý thanh niên, tạo môi trường xã hội tốt để thanh niên hoàn thiện nhân cách. Các tổ chức làm công tác quản lý, giáo dục thanh niên góp phần trực tiếp tạo ra môi trường xã hội để hoàn thiện nhân cách thanh niên, đồng thời là cầu nối để thanh niên thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Bất kỳ cá nhân nào cũng ít nhiều tham gia vào một tổ chức xã hội nhất định và chịu sự tác động của tổ chức đó, vì vậy tổ chức xã hội vững mạnh là điều kiện để tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, trước hết phải xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng. Tạo mọi điều kiện để Đoàn huy động, tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức quản lý thanh niên cần đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' gắn với xử lý nghiêm các cá nhân thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật, tạo môi trường chính trị và đạo đức lành mạnh, củng cố niềm tin cho thanh niên. Ngoài ra còn phải đề cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục, quản lý thanh niên, tạo điều kiện, động viên con em là thanh niên tham gia hoạt động xã hội và cống hiến cho đất nước

Phát huy trách nhiệm xã hội của thanh niên cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội làm công tác quản lý thanh niên để giáo dục, rèn luyện phát triển thanh niên cả về thể lực, trí lực, trí tuệ, trình độ, đạo đức, phẩm chất, năng lực... qua đó bồi dưỡng lý tưởng, hoài bão, nhiệt huyết, kỹ năng, phương pháp làm cơ sở để thể hiện trách nhiệm với các vấn đề của xã hội đang đặt ra. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để thanh niên có cơ hội và động lực thể hiện mình trong gánh vác trách nhiệm chung.

 Nguyễn Hồng Điệp

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.52, tr.538-539.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 38, 41-42.

 

Bình luận