Phát triển kinh tế biển trong "thế kỷ của đại dương"
Thế kỷ XXI được mệnh danh là “thế kỷ của đại dương”, trong bối cảnh biển ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại; nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng phát triển kinh tế hướng ra biển cũng như đặt ra mục tiêu trở thành cường quốc biển. Ở Việt Nam, cùng với việc mở ra không gian hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cũng đã mở ra một định hướng và tầm nhìn mới về kinh tế biển.
Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng và tài nguyên phát triển kinh tế biển với diện tích bờ biển hơn 3.260 km, nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến các đảo). Đặc biệt, bờ biển mở ra cả ba hướng đông, nam và tây nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay, đó là châu Á - Thái Bình Dương.
Lợi thế chưa được khai thác
Với tiềm năng biển nêu trên, Việt Nam đang có một vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù có bờ biển dài và tiềm năng lớn, song hiện nay Việt Nam vẫn chưa được coi là một quốc gia biển theo nghĩa sống dựa nhiều vào biển và lấy biển làm động lực phát triển quốc gia. Thậm chí, chúng ta còn đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về khai thác tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển và bảo vệ biển, đảo...
Chỉ cần so sánh với các nước láng giềng, cũng có thể thấy rõ điều này. Ở Đông Nam Á, cả Thái Lan, Xingapo, Malaixia… đều đã khai thác rất tốt lợi thế biển để phát triển du lịch, cảng biển, thương mại… Nhìn sang Trung Quốc, việc “khai thác mặt tiền” cũng rất hiệu quả. Vùng duyên hải của Trung Quốc, từ đảo Hải Nam đến tận vùng Đông Bắc đã mọc lên chi chít các trung tâm kinh tế mạnh.
Những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng hơn việc khai thác lợi thế biển để phát triển kinh tế. Cùng với tuyến đường 5 mới (Hà Nội - Hải Phòng), quốc lộ 51, các tuyến đường hành lang Đông - Tây…, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đường bộ ven biển, kéo dài khoảng 3.041 km từ cảng Núi Đỏ (Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), góp phần hình thành nên trục kinh tế biển. Các mũi nhọn kinh tế biển cũng đã được hình thành. Theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển đến năm 2020 đã có 18 khu với tổng diện tích đất và mặt nước là 721.782 ha. Tính đến năm 2011, các khu kinh tế trong cả nước đã thu hút được gần 700 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 27 nghìn lao động.
Tuy nhiên, những con số và sự kiện kể trên là chưa tương xứng với tiềm năng. So sánh với một số nước có biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản. Việc tận dụng lợi thế vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược đặc biệt của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chưa tận dụng lợi thế hàng hải, nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á.
Một hạn chế nữa là, mặc dù chiếm tỷ trọng lớn, phát triển kinh tế biển của Việt Nam lâu nay vẫn dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tĩnh từ Biển Đông. Đó là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như thủy sản, dầu khí và nhiều loại khoáng sản khác... Trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua, ngành dầu khí đã vươn lên thành một trụ cột kinh tế quan trọng của đất nước. Chỉ trong 10 năm gần đây, thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với doanh số xuất khẩu tăng lên gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6 tỷ USD năm 2011. Nhưng, trong kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải.
Bên cạnh đó, việc tận dụng lợi thế tĩnh của Việt Nam chủ yếu vẫn theo hình thức khai thác tài nguyên thô, trình độ công nghệ thấp, chưa tạo được giá trị gia tăng lớn cho những ngành kinh tế từ biển. Khai thác hàng hải, cảng biển và du lịch nhìn chung vẫn ở trình độ thấp, sức cạnh tranh còn kém.
Những "nút nghẽn" trong kinh tế biển
Việt Nam dù là một quốc gia có vùng biển rộng lớn gấp nhiều lần lục địa, nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định rõ một chiến lược xây dựng và phát triển “thương hiệu biển” của mình với bản sắc riêng. Theo giới chuyên gia thì thương hiệu biển Việt Nam phải được xác định là một bộ phận quan trọng cấu thành “thương hiệu quốc gia”. Một khi quảng bá với thế giới “thương hiệu biển Việt Nam” cũng đồng nghĩa với quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được quan tâm.
Trong mấy năm gần đây, hàng loạt các hội thảo, diễn đàn về kinh tế biển, chiến lược biển đã được tổ chức tại nhiều địa phương của Việt Nam. Tại các diễn đàn này, các nhà kinh tế đã chỉ ra các “nút nghẽn” trong tư duy phát triển kinh tế biển hiện nay. GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương từng chỉ ra rằng: Thể chế hành chính và thể chế kinh tế bất cập của chúng ta là hai điểm nghẽn.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay có hai thiếu sót lớn. Một là, xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Nghĩa là mang tư duy “làm ruộng” ra khai thác biển, chinh phục đại dương vốn khác căn bản về tính chất, về các điều kiện khai thác và mức độ rủi ro. Hai là, chúng ta mới chỉ khai thác biển theo lối “đánh bắt ven bờ”, thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức hiện đại.
Cùng với những hạn chế trong tư duy, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức thiếu nguồn lực phát triển kinh tế biển. Khai thác tiềm năng kinh tế biển đòi hỏi một trình độ công nghệ cao, tiềm lực tài chính mạnh, với phương thức tổ chức hoạt động đặc thù. Nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nghèo, trình độ phát triển còn kém xa các nước trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, thì khó có cơ hội để phát triển công nghệ cao, khai thác kinh tế biển ở quy mô lớn và chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh Biển Đông gần đây xấu đi, cũng tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế biển của nước ta.
Đột phá để tiến vào "thế kỷ của đại dương"
Để có thể tiến vào “thế kỷ của đại dương”, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, cần có bước “đột phá” trong cả tư duy kinh tế và hành động. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về "Chiến lược" biển Việt Nam đến năm 2020, theo đó, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Cụ thể là, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển...
Tuy nhiên, để Nghị quyết trên đi vào cuộc sống, triển khai tinh thần của Nghị quyết thành các giải pháp cụ thể, biến nhận thức thành hành động, còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, việc định hình chiến lược kinh tế biển theo tư duy mới cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện: khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối. Ba phương diện này hình thành mối liên kết phát triển chặt chẽ cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào.
Mặt khác, trong phát triển kinh tế biển, cùng với cách tiếp cận hệ thống tổng thể, cần chú ý nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế trong phát triển. Với nguồn lực có hạn của Việt Nam như đã nói ở trên, việc lựa chọn lĩnh vực, các dự án trọng điểm để đầu tư phát triển có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều. Chủ trương đầu tư phát triển phải nhất quán và xuất phát từ lợi ích quốc gia, phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể, chứ không phải vì lợi ích của từng địa phương hay lợi ích nhóm.
Trên thực tế tại Việt Nam những năm qua đã xảy ra tình trạng các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển nước sâu, nhà máy điện, nhà máy thép... đã không được tính toán để có sự chia sẻ trong quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư tràn lan các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay ven biển đã gây lãng phí nguồn lực và làm giảm sút hiệu quả kinh tế.
Để khắc phục hạn chế về công nghệ, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế hơn nữa, tạo môi trường thuận lợi và có chính sách ưu đãi hợp lý cho các nhà đầu tư phát triển kinh tế biển.
Có thể nói, đến thời điểm này, trở thành “cường quốc biển” không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một kế hoạch cụ thể, một tư duy đột phá, một chương trình hành động nhanh, một tầm nhìn dài hạn... là những điều phải thực hiện ngay để nước ta sớm trở thành “cường quốc biển” như khát vọng của hàng chục triệu người dân Việt Nam.
Bùi Thị Hảo
Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực