Cuốn sách do nhóm tác giả Ban Kinh tế phát triển, trực thuộc Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn, giúp bạn đọc có cái nhìn tương đối toàn cảnh về kinh tế dịch vụ ở Việt Nam, cụ thể là vấn đề phát triển ngành kinh tế này trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Nội dung cuốn sách cho thấy, kinh tế dịch vụ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dịch vụ là ngành kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế ở tất cả các quốc gia trên thế giới, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế này là một tất yếu để đưa đất nước tiến lên văn minh, hiện đại. Biểu hiện của việc phát triển kinh tế dịch vụ là việc gia tăng không ngừng về quy mô, cơ cấu, tốc độ, giá trị tăng thêm của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, bên cạnh những kết quả mà ngành kinh tế dịch vụ đã đem lại như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thì phát triển kinh tế dịch vụ trong những năm qua, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, thể hiện qua: tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển ngành dịch vụ chưa cao; năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ còn thấp; mô hình tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ còn đơn điệu, kém hấp dẫn; khả năng hội nhập quốc tế hạn chế…
Những yếu kém trên còn tồn tại do nhiều nguyên nhân, song cơ bản ở: nhận thức, cơ chế chính sách, hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…
Từ những phân tích về thực trạng phát triển kinh tế dịch vụ ở nước ta, các tác giả đã đưa ra những giải pháp đồng bộ gồm:
- Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế dịch vụ trong điều kiện hội nhập quốc tế
- Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ với tầm nhìn dài hạn
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
- Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao
- Đẩy mạnh huy động vốn đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn
- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với ngành kinh tế này
- Đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thể chế phù hợp và tạo điều kiện thúc đẩy ngành kinh tế dịch vụ phát triển
- Chủ động hội nhập phát triển kinh tế dịch vụ ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế dịch vụ thế giới.
Giao Linh