Phối hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy giành chính quyền của nhân dân

Ngày đăng: 29/01/2013 - 10:01

Cuối tháng 12-1967, Tây Nguyên được phổ biến quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân 1968. Quán triệt chủ trương chiến lược của Trung ương, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã thống nhất quyết tâm: Động viên toàn thể lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc nỗ lực vượt bậc, tiến công liên tục, toàn diện và triệt để vào quân địch, thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Đảng, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường và sẵn sàng ứng phó một cách chủ động, mạnh mẽ nếu chiến tranh kéo dài.

Để thống nhất chỉ đạo và chỉ huy, phối hợp giữa hai lực lượng và ba thứ quân trên chiến trường, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận mở hội nghị liên tịch với lãnh đạo các địa phương, bàn bạc biện pháp phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng. Mục tiêu chính được xác định là 3 thị xã: Buôn Ma Thuột, Plei-cu và Kon Tum. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận cũng thành lập Bộ chỉ huy tiền phương ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo địa phương.

Sau hội nghị, Bộ tư lệnh Mặt trận triển khai, điều động lực lượng trên các hướng, thành lập thêm một số đơn vị cần thiết để đảm bảo yêu cầu chiến đấu, bổ sung cho mỗi thị xã đủ một tiểu đoàn đặc công, một đại đội hỏa lực hỗn hợp, tăng cường cho Buôn Ma Thuột hai tiểu đoàn bộ binh, Plei-cu một tiểu đoàn, đưa sang Tân Cảnh một tiểu đoàn, củng cố và mở rộng các tuyến hành lang Đông Tây, đồng thời mở thêm Binh trạm 4 ở Đắc Lắc. Ngoài lực lượng bộ đội địa phương và các phân đội mũi nhọn của Mặt trận tăng cường, lúc này Kon Tum có Trung đoàn 24, Gia Lai có Trung đoàn 95, Đắc Lắc có Trung đoàn 33. Sư đoàn 1 (gồm các Trung đoàn 66, 174, 320) lực lượng cơ động của Mặt trận được tập trung trên hướng đường 18-Plei-cần để đón lõng quân Mỹ ra phản kích và sẵn sàng chuyển sang đánh Đắc Tô - Tân Cảnh.

Các địa phương cũng khẩn trương tiến hành các mặt chuẩn bị để phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Cả ba tỉnh đều nhanh chóng tổ chức các đội công tác và phát động nhân dân chuẩn bị vùng lên giành chính quyền. Chiều 29-1-1968, hàng trăm cán bộ đảng và đội viên biệt động của ba tỉnh đã ém sẵn trong các thị xã, bí mật tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy đấu tranh chính trị, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu. Tỉnh ủy Gia Lai còn huy động hàng nghìn quần chúng vào thị xã Plei-cu sắm hàng Tết rồi ở lại trong thị xã sẵn sàng chờ lệnh hành động.

 Phoi hop chat che giua tien cong voi noi day

Bộ đội ta hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Giữa lúc cả Tây Nguyên đang bừng bừng khí thế cách mạng, chờ lệnh tiến công thì Bộ tư lệnh Mặt trận nhận được lệnh của trên hoãn thời gian nổ súng lại một ngày để phối hợp với toàn Miền. Tin đó được phổ biến xuống. Cả ba tỉnh đều nhất loạt báo về: Bộ đội đã sẵn sàng, quần chúng đã sẵn sàng, không còn cách nào hoãn được, đề nghị cho nổ súng như đã chuẩn bị. Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận kịp thời báo cáo xin cấp trên cho Tây Nguyên được nổ súng theo kế hoạch vào đêm 29 rạng sáng 30-1-1968. Ý kiến đề nghị đó được cấp trên đồng ý.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 30-1-1968 (tức đêm 29 rạng ngày 30 Tết Nguyên đán Mậu Thân), Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên phát lệnh nổ súng. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 1 phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương nhanh chóng đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh. Tiếng súng ở Tân Cảnh được ghi vào lịch sử như tiếng súng khởi đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân trên toàn chiến trường miền Nam.

Trên hướng Đắc Lắc, ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột như Đài phát thanh, trụ sở Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn, Tòa hành chính, Ty cảnh sát và bắn pháo dồn dập vào Trung đoàn 45, sân bay của địch. Sau đó, phát triển đánh chiếm khu cư xá Mỹ, khu cơ giới và pháo binh. Cùng với Quân Giải phóng, bà con trong các khu phố, “ấp chiến lược” cũng nổi mõ, gõ trống nổi dậy chặt rào, phá bốt, diệt ác ôn; học sinh, sinh viên chia nhau ra dẫn đường cho bộ đội chiến đấu. Hàng vạn đồng bào Kinh, Thượng từ các ngả kéo vào thị xã vây chặt căn cứ Trung đoàn 45 của địch, kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Ở hướng Gia Lai, các đơn vị đồng loạt tiến công các mục tiêu chủ yếu của địch khu vực thị xã Plei-cu. Bộ đội Đặc công cùng với các đơn vị bộ đội địa phương dũng cảm đánh địch. Mặc dù bị địch phản công ác liệt, quân ta vẫn bám trụ chiến đấu. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội, hơn 11.000 đồng bào ở thị xã và các huyện xung quanh xuống đường đấu tranh chính trị, dẫn đường, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, cứu chữa, vận chuyển thương binh. Ở Kon Tum, các lực lượng của ta đánh vào các vị trí đã xác định, giải phóng một loạt 7 “ấp chiến lược” với hàng nghìn đồng bào được trở về làng cũ sinh sống…

Bằng sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy giành chính quyền của nhân dân, quân và dân Tây Nguyên đã đồng loạt đánh vào hầu hết cơ quan đầu não và căn cứ quan trọng của địch ở khắp ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, làm chủ nhiều vị trí quan trọng trong nhiều ngày, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn lực lượng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Chiến thắng đó đã đánh dấu bước chuyển biến nhảy vọt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường Tây Nguyên, để lại nhiều bài học quý báu về phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá NGUYỄN HÙNG TẤN

Theo QĐND online


Bình luận