Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”. Công tác kiểm tra, giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính cấp Trung ương, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở quan trọng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng.
Ở nước ta hiện nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương; trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kểm tra các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực chưa được phát hiện kịp thời để kiểm tra nên tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn còn hạn chế; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự coi công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là chức năng lãnh đạo; sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
Cuốn sách Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng của TS. Trần Văn Tĩnh
Cuốn sách Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng của TS. Trần Văn Tĩnh được cấu trúc thành 03 chương, chương 1, tác giả đề cập cơ sở lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; nêu bật các yếu tố tác động và điều kiện bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương; đồng thời nêu lên những kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Chương 2, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; nêu bật những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chương 3, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban Kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích, giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, quản lý, cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và bạn đọc nhận thức sâu sắc hơn đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây” như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, sẽ không những không làm ảnh hưởng mà còn tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ để đánh thắng “giặc nội xâm”.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên