"Mặt trận" báo chí tại Hội nghị Paris 1973

Ngày đăng: 24/01/2013 - 15:01

Hội nghị Paris về Việt Nam được mở tại Thủ đô Paris của Pháp (bắt đầu từ ngày 15-5-1968 và kết thúc vào ngày 27-1-1973). Đây là sự kiện quốc tế hàng đầu, là chủ đề chính của báo chí và dư luận thế giới thời kỳ đó. “Mặt trận” báo chí và vận động dư luận đã góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc đàm phán lịch sử của dân tộc.

"Đưa cuộc chiến tranh Việt Nam vào phòng ngủ của người Mỹ"

Nói như ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc lựa chọn Paris là nơi đàm phán đã tạo thuận lợi lớn cho phái đoàn đàm phán Việt Nam. Bởi lẽ đây là địa điểm khá thuận lợi, có tác động mạnh, kịp thời, sức lan tỏa nhanh chóng đến dư luận xã hội Mỹ, phương Tây và thế giới. Khi đó, phong trào nhân dân thế giới lên án Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh lên cao chưa từng có. Trong dư luận Mỹ, tinh thần chán ghét chiến tranh, đòi phải đàm phán để đưa lính Mỹ về nước cũng ngày càng mạnh mẽ. Như các nhân chứng lịch sử và nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, chính các phương tiện thông tin đại chúng đã “đưa cuộc chiến tranh Việt Nam vào phòng ngủ của mọi người Mỹ” và làm thức tỉnh lương tri họ.

Mat tran bao chi tai Hoi nghi Paris

Trưởng đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn báo chí báo chí ở Paris. Ảnh: UPI

Cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris còn nhận được sự ủng hộ hoàn toàn tự nguyện của bạn bè quốc tế, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc, Đức… và đặc biệt là Chính phủ và nhân dân Pháp. Đảng Cộng sản Pháp đã cho Việt Nam mượn Trường Đảng làm trụ sở của đoàn trong gần 5 năm; cho mượn một số cơ sở làm nơi gặp riêng với Mỹ; cử nhiều người đến giúp đỡ đoàn Việt Nam trong việc đi lại, ăn ở. Nhiều công nhân Pháp, kể cả những người về hưu đã tình nguyện làm công tác bảo vệ suốt ngày đêm cho hai đoàn Việt Nam. Bà con Việt kiều thuộc nhiều thế hệ và ngành nghề khác nhau đã ủng hộ và tích cực phục vụ cuộc đấu tranh của hai đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ Cố vấn Lê Đức Thọ, các trưởng đoàn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, cho đến các đoàn viên đều tích cực làm công tác vận động dư luận, đi khắp các địa phương trên nước Pháp và các nước khác trên thế giới, dự các cuộc mít tinh, biểu tình, hội nghị, hội thảo về Việt Nam để giới thiệu tình hình và lập trường của Việt Nam. Thông qua các hoạt động vận động quốc tế, chúng ta đã đưa tiếng nói chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đến với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, bày tỏ lập trường, nguyện vọng, quan điểm để vận động nhân dân thế giới phản đối Mỹ, ủng hộ Việt Nam đấu tranh tại Hội nghị Paris, để đi tới kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thua ngay trên mặt trận báo chí

Tại bàn đàm phán Paris, công tác tuyên truyền đối ngoại, vận động báo chí đóng vai trò quan trọng. Phối hợp chặt chẽ với cuộc đàm phán, lực lượng tuyên truyền của hai đoàn Việt Nam đã tiến hành hàng trăm cuộc họp báo, hàng nghìn cuộc tiếp xúc báo chí và gặp gỡ đại diện các tổ chức quần chúng, nhân sĩ, trí thức, cá nhân người Pháp, người nước ngoài, Việt kiều… để tuyên truyền, đấu tranh dư luận và ngoại giao nhân dân ngay bên ngoài Hội nghị Paris, trên nhiều vùng của nước Pháp và các nước láng giềng của Pháp như Italia, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan…

Theo cuốn sách Cuộc đàm phán lịch sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phát hành năm 2009, hàng nghìn nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, điện ảnh, quay phim truyền hình của rất nhiều nước trên thế giới đổ về thủ đô Paris theo dõi, đưa tin, bình luận cuộc đàm phán Việt Nam - Mỹ, mà trong lịch sử chưa có hội nghị quốc tế nào (kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) có mặt đội ngũ các nhà báo hùng hậu đến thế.

Riêng ở Paris, bên cạnh 28 cuộc họp công khai với 12 cuộc họp bí mật trong giai đoạn hội nghị bốn bên, còn có đến gần 500 cuộc họp báo của hai đoàn, hàng nghìn cuộc tiếp xúc với bạn bè Pháp và quốc tế, kể cả những đồng bào từ miền Nam sang. Hội nghị Paris về Việt Nam kéo dài, lúc sôi nổi, lúc không tiến triển, giậm chân tại chỗ. Vì thế các nhà báo quốc tế đến theo dõi Hội nghị cũng lúc đông đảo, náo nhiệt, lúc vắng vẻ, buồn tẻ. Các nhà báo của Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, giao lưu với các nhà báo quốc tế, thu thập thông tin, tìm hiểu tình hình dư luận, giới thiệu đường lối, chính sách, lập trường của Việt Nam.

Các cán bộ trong đoàn đàm phán cũng tranh thủ đến các địa phương ở Pháp và các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi dự các cuộc mít tinh, biểu tình, diễu hành, hội thảo, hội nghị chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng hoàn toàn chủ động tổ chức các cuộc hội họp, gặp gỡ với Việt kiều ở Pháp và nhiều nước, với bà con đồng bào từ miền Nam đến tiếp nhận thông tin để gây ảnh hưởng đến dư luận.

Trụ sở của phái đoàn Việt Nam ở Paris cũng thường xuyên tiếp nhiều đại biểu nhân dân Mỹ, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, nhiều nhà văn, nhà báo, luật gia Mỹ và các nước khác đến Paris để bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Việt Nam, phê phán chính sách hiếu chiến của chính quyền Mỹ.

Có thể nói rằng, vai trò báo chí của các nước hằng ngày, hằng tuần, suốt nhiều năm đưa tin về chiến tranh, đưa những bình luận sắc bén, cổ vũ Việt Nam, truyền đạt ý chí của nhân dân các nước với nhau, đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc ta đánh Mỹ và thắng Mỹ, nó khiến cho chính người Mỹ cũng phải thừa nhận “nước Mỹ thua trong cuộc chiến tranh trước hết là thua ngay trên mặt trận báo chí”.

BÌNH NGUYÊN 

Theo QĐND online


Bình luận