Quốc hội biểu quyết thông qua 3 dự án Luật và 2 Nghị quyết

Ngày đăng: 21/06/2012 - 16:06

Sáng 21/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự án Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quảng cáo với 97,39% số phiếu tán thành.

Luật Quảng cáo gồm 5 Chương, 43 Điều quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; các thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tiếp đến, với 95,79% số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 9 Chương, 79 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Ngay sau đó, với 94,79% số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Quyết nghị nêu rõ, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 777.283 tỷ đồng (bảy trăm bảy mươi bảy nghìn, hai trăm tám mươi ba tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2009, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 850.874 tỷ đồng (tám trăm năm mươi nghìn, tám trăm bảy mươi tư tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011. Bội chi ngân sách nhà nước là 109.191 tỷ đồng (một trăm linh chín nghìn, một trăm chín mươi mốt tỷ đồng), bằng 5,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.

Cũng trong phiên họp sáng nay, với 96,99% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quyết nghị nêu rõ, Quốc hội tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục.

Cũng theo Quyết nghị, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần tập trung thực hiện một số nội dung: Sớm ban hành Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Thú y, Luật Việc làm. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Dạy nghề, Luật Thủy sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo hiểm nông nghiệp, dạy nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, hoạt động giám sát; Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ; cần tập trung cho các mục tiêu ưu tiên; đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, thực hiện đầu tư công.

Kết thúc phiên họp, với 99,2% số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biển Việt Nam.

Luật gồm có 7 Chương, 55 Điều quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Nghị quyết về ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012; Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII./.Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

 

Đỗ Thoa

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận