Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự án Luật
Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, chiều 20/6, các đại Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án Luật gồm: Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật công đoàn (sửa đổi).
Mở đầu phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật giá, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật giá với 95,39% số phiếu tán thành.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh: TTXVN |
Luật giá gồm có 5 Chương, 48 Điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
Theo quy định của Luật, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường....
Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Bãi bỏ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật giám định tư pháp.
Với 92,99% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật giám định tư pháp. Luật này gồm có 8 Chương, 46 Điều quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
Luật giám định tư pháp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về giám định tư pháp có nội dung khác với Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.
Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Với 93,79% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gồm có 5 Chương, 41 Điều quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Cũng trong chiều nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật này với 85,77% số phiếu tán thành.
Luật xử lý vi phạm hành chính gồm 6 Chương, 142 Điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Kết thúc phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi). Với 90,18% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật công đoàn (sửa đổi).
Luật này gồm có 6 Chương, 33 Điều quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; chức năng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn; quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Theo Chương trình, ngày mai (21/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội...Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, kết thúc Kỳ họp thứ 3./.
Đỗ Thoa
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực
- Xuất bản ấn phẩm đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris