Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

Ngày đăng: 29/11/2013 - 14:11

Sáng 28-11-2013, với 97,59% số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị nước ta đã tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với 486/488 đại biểu tán thành (chiếm 97,59% tổng số đại biểu), 2 đại biểu không biểu quyết, bản Hiến pháp sửa đổi gồm 11 chương với 120 điều đã được Quốc hội thông qua.

cac dai bieu an nut thong qua HP 2

 Các đại biểu ấn nút thông qua Hiến pháp

So với bản Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua có những nội dung thay đổi cơ bản sau:

Thứ nhất, Hiến pháp sửa đổi kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung quy định về bản chất của Đảng, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, Hiến pháp sửa đổi cũng đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, Hiến pháp sửa đổi khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp sửa đổi cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, Hiến pháp sửa đổi quy định việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng. Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp sửa đổi đã quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Thứ tư, Hiến pháp sửa đổi tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước, đồng thời bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bổ sung vào khoản 2 Điều 110 nội dung: Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là sự kiện trọng đại, có tính chất lịch sử, góp phần đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

PV

Bình luận