Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay
Trong những năm qua, công tác bảo hộ quyền tác giả đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong lĩnh vực này có nhiều tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, kết quả thực thi vẫn chưa được như mong muốn, bởi lâu nay, tâm lý sử dụng miễn phí, chưa có ý thức thực hiện pháp lý khi sử dụng xuất bản phẩm đã ăn sâu vào nếp nghĩ, thói quen của đa số bạn đọc.
Sách in lậu vi phạm bản quyền tràn lan là mối lo của nhiều nhà xuất bản. Ảnh: T.L
Thực thi quyền tác giả, khuyến khích lao động sáng tạo
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi công bố, sử dụng tác phẩm; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quyền tài sản gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu; tác phẩm điện ảnh; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu,...
Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân (ngoại trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Riêng đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo hành lang pháp lý khuyến khích lao động sáng tạo và bảo vệ thành quả của lao động sáng tạo; bảo vệ được lợi ích quốc gia, đồng thời tương thích với pháp luật quốc tế, thể hiện được tính minh bạch và khả thi cao; thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Luật Sở hữu trí tuệ cũng thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế về thương mại và đầu tư, góp phần quan trọng kết thúc đàm phán việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và các khối kinh tế, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mối quan hệ giữa Luật Bản quyền và Luật Xuất bản
Ngay từ thuở ban đầu, đối tượng bảo hộ của quyền tác giả là các tác phẩm in văn học và nghệ thuật. Do công nghệ tạo hình ngày càng được cải thiện nên việc bảo hộ được mở rộng tới các bản vẽ kỹ thuật, bản đồ, họa đồ, các tác phẩm ba chiều như điêu khắc, kiến trúc và các tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh. Gần đây, việc bảo hộ quyền tác giả được mở rộng tới các chương trình máy tính, được đối xử như là các tác phẩm văn học.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc bảo hộ quyền tác giả được áp dụng không chỉ đối với các cuốn sách và bài báo học thuật, mà còn đối với các sổ sách ghi chép của phòng thí nghiệm và các báo cáo nghiên cứu, bản mô tả các trình tự gen, ảnh và bản mô tả đồ họa hoặc đồ thị của các kết quả nghiên cứu.
Các quy định pháp luật về bản quyền và bảo hộ quyền tác giả ở mỗi nước có thể có sự khác biệt nhất định về hình thức. Có những nước có Luật Bản quyền độc lập, nhưng cũng có quốc gia như nước ta thì các quy định pháp luật về bản quyền lại nằm trong Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự. Song về nội dung cơ bản thì chúng giống nhau và phù hợp với các Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Một trong những nội dung mang tính nguyên tắc là: tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều 21 Luật Xuất bản Việt Nam (năm 2012) của nước ta quy định Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản: “Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật”. Còn khoản 1, Điều 5 quy định: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan”. Mục c, khoản 2, Điều 7 quy định: “Nhà nước mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”. Luật Xuất bản còn quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.
Như vậy, Luật Xuất bản và Luật Bản quyền có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai cùng hướng tới mục tiêu khuyến khích lao động sáng tạo và nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho công chúng, bảo đảm hài hòa các lợi ích xung quanh việc sáng tạo, sử dụng và hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Một số đặc điểm ảnh hưởng đến thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản hiện nay
Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư có nêu: “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”. Chỉ thị này của Đảng chính là định hướng chiến lược của ngành xuất bản nước ta.
Ngành xuất bản Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc cả về lượng và chất. Các xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng. Ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu văn hóa - tinh thần của nhân dân. Tuy vậy, nếu so sánh với các chỉ số tương ứng của các nước trên thế giới thì ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn đang ở mức thấp, cần phải tăng tốc thì mới đuổi kịp. Tình hình thực thi bảo hộ quyền tác giả hiện nay của ngành xuất bản Việt Nam có các đặc điểm như:
Thứ nhất là số lượng nhà xuất bản chưa nhiều, quy mô chưa lớn. Hiện nay, trên cả nước có 63 nhà xuất bản nhưng phần lớn hoạt động với quy mô nhỏ. Trong số 63 nhà xuất bản, chỉ có 24 nhà xuất bản bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản. Chỉ có khoảng 13% số nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% số nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, số còn lại hoạt động cầm chừng, thiếu ổn định1.
Thứ hai là sức mua thấp. Hiện nay, hằng năm, cả nước xuất bản được khoảng 25-28 nghìn cuốn sách với khoảng 300 triệu bản in (trong đó sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục chiếm tỷ lệ trên 80%). Mức hưởng thụ sách bình quân đầu người đạt hơn 3 bản in. Doanh thu toàn ngành đạt chưa tới 200 triệu USD, tức là chi tiêu cho việc mua sách bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 2,5 USD/năm (chỉ chiếm khoảng 0,1% GDP/người). Mức chi tiêu này là quá thấp nếu so sánh với các nước khác trên thế giới (ở các nước phát triển khoảng 200 USD/người/năm, ở Trung Quốc là 10 USD).
Thứ ba là thiếu gắn kết quyền lợi giữa tác giả và nhà xuất bản. Điều kiện tiên quyết của công tác xuất bản là phải có bản thảo và sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Mạng lưới tác giả và cộng tác viên có vai trò quyết định sự thành bại của hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, sự gắn kết quyền lợi giữa tác giả và nhà xuất bản còn yếu, ví dụ thể hiện ở ngay phương pháp chi trả nhuận bút tính theo số lượng in ghi trên trang xinhê (trong khi các nước khác trên thế giới áp dụng phương pháp tính nhuận bút trên cơ sở số sách thực tế đã tiêu thụ).
Thứ tư là giá cả tùy tiện, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tình trạng giá ảo và bán phá giá rất phổ biến tại thị trường xuất bản phẩm Việt Nam. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả.
Thứ năm là sự không rõ ràng về trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc thực hiện quyền tác giả đối với các xuất bản phẩm liên kết do chưa phân định rõ ràng chức năng giữa nhà xuất bản và đối tác liên kết. Rất nhiều cuốn sách thực chất không phải do nhà xuất bản tự tổ chức bản thảo mà chỉ đứng tên, hợp đồng sử dụng bản thảo được đối tác liên kết ký với chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này đã gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi vi phạm quyền tác giả.
Vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản và giải pháp phòng, chống
Khi quyền tác giả bị xâm phạm sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản. Có rất nhiều loại hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản trong lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm đang tồn tại khá phổ biến, đó là: xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả không chi trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
Trong tất cả các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay thì hành vi in lậu vẫn là phổ biến và nghiêm trọng nhất, được tiến hành với mục đích thương mại. Việc sao chép lậu thường được thực hiện một cách có tổ chức, có quy trình từ hành vi nhân bản trái phép tác phẩm đến việc tiêu thụ tác phẩm bị sao chép trái phép. Vì vậy, giải pháp đầu tiên trong việc phòng, chống xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản là phải kiên quyết và bằng mọi cách ngăn chặn nạn sao chép lậu, bao gồm cả hành vi sao chép lậu trên mạng internet và mạng viễn thông. Việc xử lý vi phạm phải nhằm tới tất cả các đối tượng từ khâu in sách lậu tới khâu tiêu thụ sách lậu mới có thể đẩy được nguồn sách lậu ra khỏi thị trường. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi in và phát hành sách lậu, kể cả xử lý hình sự.
Vấn đề nâng cao nhận thức và ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội là vấn đề trọng tâm và cần thường xuyên quan tâm. Mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ của tổ chức và cá nhân khác cần phải xin phép, trả nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật, các công việc liên quan đến tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của công chúng nói chung, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nói riêng.
Để xây dựng môi trường lành mạnh cho hoạt động xuất bản tại Việt Nam, ngoài việc đấu tranh chống xâm phạm quyền tác giả còn phải cải thiện ý thức và thái độ ứng xử đối với tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Phải coi mạng lưới tác giả và cộng tác viên là hai trong những nhân tố vai trò quyết định thành bại của hoạt động xuất bản. Các quy định và chính sách xuất bản phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và nhà xuất bản, điều này được thể hiện rõ trong việc nhà xuất bản thực hiện chi trả nhuận bút cho tác giả. Trong trường hợp liên kết xuất bản thì nhà xuất bản vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong thực thi quyền tác giả.
Việc tổ chức và tham gia các hội chợ sách cũng góp phần tạo môi trường lành mạnh, công khai, minh bạch về giao dịch bản quyền. Tuy nhiên, cần thay đổi tư duy và cách thức tổ chức và tham gia hội chợ sách theo đúng thông lệ quốc tế để hội chợ sách thực sự là nơi trao đổi, mua bán bản quyền, ký kết hợp đồng kinh doanh sách và đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các nhà xuất bản, các nhà phát hành sách, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và công chúng.
Ngành xuất bản Việt Nam đang tồn tại sự cạch tranh thiếu lành mạnh, thiếu sự hợp tác trong ngành. Thông tin không đầy đủ và ý thức cạnh tranh thiếu lành mạnh nhiều khi dẫn đến hiện tượng tranh giành trong giao dịch thương mại bản quyền sách dịch của nước ngoài, tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài ép giá, gây thiệt hại cho chính các nhà xuất bản Việt Nam. Vì vậy, cần có hình thức để các nhà xuất bản có đầy đủ thông tin và có thể hợp tác với nhau để cùng bảo vệ quyền lợi cho mình, tránh lãng phí hoặc làm thiệt hại đến lợi ích của nhau trong việc mua bản quyền của chủ sở hữu nước ngoài. Để tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực xuất bản rất cần sự vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn nữa của các hiệp hội như Hội Xuất bản Việt Nam và các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam.
Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa và cũng là thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ, các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được pháp luật bảo hộ đều có thể tồn tại trong môi trường kỹ thuật số nên người ta dễ dàng sao chép, phổ biến và dễ dàng lưu trữ chúng. Việc sử dụng internet cùng những công nghệ mới đang buộc người ta phải suy nghĩ lại những cách làm lâu nay liên quan đến tác giả, nhà xuất bản và bạn đọc. Giải pháp bảo hộ quyền tác giả trong thời đại số và internet là phải áp dụng các biện pháp công nghệ để quản lý và thực thi quyền tác giả, đồng thời quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với hành vi vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được chủ sở hữu quyền tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình, đồng thời ngăn chặn các hành vi không được tác giả cho phép.
VŨ NGỌC HOAN
Cục Bản quyền tác giả
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
*****
1. Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực