Sôi động thị trường truyện tranh cũ

Ngày đăng: 03/10/2018 - 09:10

Cùng với sách cũ nói chung, những bộ truyện tranh từng gắn bó với nhiều người cách đây từ 20 - 30 năm, đang có một thị trường sôi động, nhất là trên các trang mạng xã hội bán hàng qua online. 

Tìm về kỷ niệm tuổi thơ 

Trước khi Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng hợp tác mang Doraemon về Việt Nam vào năm 1992, thì thị trường trong nước gần như chưa có “khái niệm truyện tranh”, chỉ có truyện tranh kiểu liên hoàn họa các bộ truyện của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký... Thực tế đó là tranh truyện chứ không phải truyện tranh. Còn truyện tranh hay manga Nhật Bản bắt đầu du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu 90. Thế hệ đọc truyện tranh hồi đó chủ đạo là 8X và 9X đời đầu, nay cũng xấp xỉ 30, 40 tuổi. 

Bùi Tuyền, một “tín đồ” đến từ Hà Nội, có 5 năm sưu tầm truyện tranh và hiện đang sở hữu bộ sưu tập với trị giá gần 100 triệu đồng, kể: “Thế hệ 8X và 9X đời đầu là thế hệ rất đặc biệt. Họ đang đi qua giai đoạn phát triển cực thịnh của đất nước và bây giờ là lúc họ bắt đầu có sự nghiệp, muốn tìm lại những cuốn sách của tuổi thơ. Bản thân tôi cũng vậy, khi ra trường rồi đi làm và bây giờ muốn tìm về kỷ niệm của tuổi thơ. Ngoài truyện tranh cũ, tôi còn sưu tầm cả sách giáo khoa thời đó. Ngày xưa làm gì có tivi màu hay internet. Tôi thích đọc mọi thứ sách, báo và dĩ nhiên khi gặp truyện tranh là thích ngay. Hồi đó giống như các bạn đồng lứa, tôi cũng tiết kiệm nhịn ăn sáng để dành tiền đi thuê truyện, mua truyện. Nhà tôi ở ngoại thành Hà Nội, không có truyện mới mà toàn truyện rách bìa, thiếu trang nhưng quý lắm”. 

Theo tìm hiểu, khoảng 2 năm trước, thị trường truyện tranh tại 2 con đường nổi tiếng về sách cũ là Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) và Trần Nhân Tôn (quận 5) diễn ra còn khá sôi động. Tuy nhiên, quãng 1 năm trở lại đây, cùng với việc thu hẹp thị trường sách cũ, thể loại truyện tranh cũng không còn sôi nổi như trước. Nhiều chủ cửa hàng chỉ nhập cho có, bán vài cuốn qua ngày, không còn xem đây là mặt hàng chủ đạo. 

Anh Thái Long, chủ nhà sách Khải Vinh trên đường Trần Nhân Tôn, lý giải: “2 năm trước, truyện tranh còn bán rất được, nhưng gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Một phần vì những bộ truyện tranh cũ, từ 130 tập trở lên, đã trở nên kham hiếm hơn. Chưa kể, thời gian để ráp đủ thành bộ truyện lâu lắm, có khi cả năm trời. Một số người đặt hàng nhưng tôi không dám nhận, chừng nào có đủ bộ tôi mới nhận lời. Bây giờ thị trường truyện tranh chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, những người đó có thời gian đi tuyển chọn, họ gom thành bộ rồi bán lại cho giới sưu tầm”. 

Tại các cửa hàng sách cũ, việc mua bán truyện tranh không sôi động như trên mạng xã hội

 Đúng như chia sẻ của anh Thái Long, trên internet hiện nay đang có hàng loạt diễn đàn, nhóm được thành lập, là nơi mua bán, trao đổi truyện tranh cũ như “Mua bán truyện tranh cũ TPHCM”, “Mua bán truyện tranh”, “Bán truyện cũ trọn bộ giá rẻ”, “Mua bán truyện tranh đủ bộ”, “Ve chai sách xưa”…

Mấy năm trước có diễn đàn  trực tuyến (forum) thegioimanga, quy tụ rất nhiều “cao thủ” hàng đầu trong giới sưu tầm truyện tranh. Tuy nhiên, hiện forum này đã bị đánh sập và những “cao thủ” kia cũng không hoạt động thêm. Còn những người đang chơi thì tập trung trên facebook là chủ yếu. Ở Hà Nội, có một nhóm khoảng 20 người thỉnh thoảng gặp gỡ và trao đổi với nhau về truyện tranh. Không sôi động như Hà Nội, nhưng ở TPHCM lại tập trung khá nhiều “cao thủ” truyện tranh. Có những người sở hữu bộ sưu tập trị giá hàng tỷ đồng, gần như đủ hết tất cả tựa truyện tranh từng xuất bản ở Việt Nam. 

Theo Bùi Tuyền, sự xuất hiện đúng lúc của mạng xã hội ngay lập tức được lan rộng và đánh đúng vào tiềm thức “tìm lại tuổi thơ” của những người thích hoài niệm và họ đi tìm mua. Điều này tạo nên một thị trường truyện tranh cũ đầy tiềm năng. Năm 2018, giá truyện bị đẩy lên một cách chóng mặt, gấp 2 - 3 lần năm ngoái, thậm chỉ gấp 5 - 7 lần so với 4 - 5 năm trước. Theo một số người, để làm giàu từ việc buôn bán truyện tranh hơi khó, nhưng để có thêm đồng ra đồng vào thì dư sức.  

Cẩn thận để không bị “hớ” 

Về thông tin bộ truyện Dũng sĩ Hesman có giá bán gần 30 triệu đồng xuất hiện trên mạng gần đây, hầu hết mọi người đều cho rằng đó là “giá ảo”. “Nếu chỉ tính manga cũ đời đầu thì Dũng sĩ Hesman của họa sĩ Hùng Lân đang là bộ có giá trị cao nhất, khoảng 8 - 10 triệu đồng”, Bùi Tuyền cho biết. 

Các bộ truyện như Doraemon xuất bản năm 1992 có giá khoảng 5 - 6 triệu đồng, 7 viên ngọc rồng xuất bản năm 1995, Teppi… đều có giá khoảng 1 - 2 triệu đồng, trong khi năm ngoái chỉ từ 600 - 700 ngàn đồng. Thủy thủ mặt trăng năm 1992 có giá 3 triệu đồng, Nhóc Maruko với 14 tập do NXB Kim Đồng in năm 1992 có giá 1,5 triệu đồng… Giá trên áp dụng cho cả bộ, riêng với sách lẻ thường phổ biến từ 10.000 - 20.000 đồng/cuốn. 

Cá biệt, trên trang “Mua bán truyện tranh cũ TPHCM”, tài khoản Thuan Dinh - người được xem là “cao thủ” số 1 truyện tranh Việt Nam - đang sẵn sàng bỏ ra 1 triệu đồng cho 1 cuốn Truy tìm hoàng tử hay Điện thoại Xì trum. “Tôi cũng từng bỏ ra 200 - 300 ngàn đồng để mua 1 cuốn sách nào đó là bình thường. Với những người đam mê thật sự, gặp cuốn sách mình thích thì giá cả đôi khi không phải là vấn đề. Tuy nhiên, đây chỉ là những cuốn sách hay, những bộ truyện cực hiếm chứ không phải dạng truyện phổ thông”, Bùi Truyền cho biết.

Hiện thị trường truyện tranh cũ sôi động là vậy nhưng vẫn còn thả nổi, không có giá niêm yết nên ai thích “hét” giá lên bao nhiêu cũng được. “Thị trường đang có khá nhiều kẻ lợi dụng, đánh vào đam mê của khách hàng để bán với giá cao. Chính vì vậy, nếu muốn mua truyện tranh nên tìm hiểu nhiều nơi khác nhau để tham khảo giá”, một bạn đọc nhắn nhủ.

HỒ SƠN

Theo Sggp.vn

Bình luận