Sôi nổi cộng đồng đọc sách trên mạng
Bên cạnh các thư viện hay dự án cộng đồng đọc sách tại chỗ, hiện tại, việc khuyến đọc còn được cộng hưởng bởi rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội. Các hội, nhóm này hoạt động sôi nổi, tạo thành những cộng đồng riêng, qua đó khơi gợi và lan tỏa tình yêu sách đến đông đảo người đọc.
Một trong những bức ảnh đồng giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi “Xếp sách theo màu” lần 2 do “Hội yêu sách” tổ chức
Tính kết nối mạnh
Được thành lập vào tháng 8/2016, đến nay “Hội yêu sách” đang có 108.000 thành viên, các quản trị viên (Admin) sống và làm việc ở nhiều nơi khác nhau như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên… Nhóm lập ra nhằm kết nối những người yêu mến sách ở khắp mọi nơi, có thể cùng nhau chia sẻ những cuốn sách mà bản thân tâm đắc. “Có rất nhiều group khác như hội thích trinh thám, hội yêu văn học kinh điển, nhưng “Hội yêu sách” thì yêu gì cũng được, miễn là yêu sách”, Thiên Tư, một trong những Admin “Hội yêu sách” cho biết.
Chỉ sau hơn một năm thành lập, đến nay “Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển” đã có hơn 25.000 thành viên. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hoài Cửu Đức (24 tuổi, Huế) - Admin của nhóm, mục đích thành lập hội đơn thuần chỉ là muốn tạo ra một nơi để mọi người yêu thích văn học có thể cùng nhau giao lưu, chia sẻ, bàn luận... về những chủ đề xoay quanh văn học, từ đó lan tỏa sự đam mê, niềm yêu thích văn học đến với tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Ngoài fanpage và một số nền tảng như Instagram, Twitter, Tumblr, YouTube, Tiktok, Nhã Nam thành lập nhóm “Nhã Nam Reading Club” (hiện đang có gần 100.000 thành viên). Mặc dù là nhóm do Nhã Nam thành lập, nhưng bạn đọc vẫn có thể trao đổi và giới thiệu sách do các đơn vị khác xuất bản. “Cách đây mấy năm, Nhã Nam có ý định xây dựng một loạt các nền tảng để kết nối với bạn đọc ngoài fanpage chính. Từ đầu năm 2020, chúng tôi mới bắt đầu có đội ngũ quản lý sát sao đối với “Nhã Nam Reading Club”. Tính kết nối với độc giả của “Nhã Nam Reading Club” còn tỏ ra mạnh hơn cả fanpage Nhã Nam”, chị Đào Phương Thu, Phó phòng Truyền thông Nhã Nam cho biết.
Ngoài những hội nhóm trên, bạn đọc hay người quan tâm dễ dàng tham gia vào những cộng đồng đọc sách khác, đang hoạt động sôi nổi không kém. Có thể kể đến như: “Hội mê sách văn học” (hơn 8.000 thành viên), “Cộng đồng đọc sách tinh hoa” (72.000 thành viên), “Hội thích truyện trinh thám” (gần 33.000 thành viên)… Theo chị Đào Phương Thu, việc ra đời nhiều group đọc sách với các nhóm đối tượng khác nhau là một điều đáng mừng, bạn đọc có không gian để chia sẻ kiến thức, trao đổi những điều thú vị. Sự lan tỏa của các group sách chắc chắn góp một phần không nhỏ vào việc khuyến khích đọc sách.
Tác động tích cực
Nếu không phải group của một đơn vị xuất bản cụ thể (như trường hợp của Nhã Nam và Alphabook) thì hầu hết các hội nhóm đều do bạn đọc tự lập ra, hoàn toàn phi lợi nhuận. Mặc dù vậy, các hội nhóm này đã và đang tổ chức những hoạt động đa dạng, thiết thực dành cho bạn đọc. Chẳng hạn trên group “Hội yêu sách”, đều đặn hàng tháng, thành viên Huy Trương lại cập nhật những đầu sách mới, được tổng hợp từ các đơn vị xuất bản hay kinh doanh sách để bạn đọc tham khảo.
“Ban đầu, tôi chỉ tổng hợp tin sách mới với mục đích chia sẻ cùng các bạn yêu sách khác nên cũng không đặt nặng nội dung. Nhưng không ngờ sau một thời gian, mục tin tổng hợp này lại trở thành điểm lôi cuốn riêng của “Hội yêu sách”. Từ những tin ban đầu được tổng hợp theo sở thích cá nhân, đến bây giờ đã có sự đa dạng về thể loại sách, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu chung của các thành viên”, Huy Trương cho biết.
Do đội ngũ quản trị viên mỗi người ở một nơi nên đa phần “Hội yêu sách” chỉ tạo các sự kiện online thường kỳ như xếp tủ sách, review sách, vinh danh nhà xuất bản hay tác phẩm xuất sắc vào cuối năm… Để thu hút các thành viên, ngoài minigame ra còn phải tạo một không gian cộng đồng thực sự thoải mái và dễ chịu cho các thành viên. “Làm Admin group cũng như làm dâu trăm họ. Nội chuyện đặt nội quy, tổ chức game đôi khi cũng có một số người phản đối. Ngoài ra, chúng tôi còn liên tục kiểm soát những mâu thuẫn trong quá trình các thành viên tranh luận, kiểm soát bài đăng để không đi chệch định hướng của group”, Thiên Tư nói thêm.
Không ngoại trừ trường hợp một người là thành viên của nhiều group, tuy nhiên, không thể phủ nhận những tác động tích cực đến văn hóa đọc cũng như với các đơn vị xuất bản từ những cộng đồng đọc sách trên mạng. Chị Đào Phương Thu cho hay, “Nhã Nam Reading Club” hiện đang được xem là “con cưng” của Nhã Nam. Theo đó, mọi động thái, phản hồi của các thành viên đều được Nhã Nam ghi nhận, từ việc gợi ý mua bản quyền đến phản hồi về lỗi biên tập hay giao hàng…
Những phản hồi này sẽ được xem xét, nếu thấy hợp lý thường được điều chỉnh ngay, điển hình nhất là các góp ý về bìa sách. “Chúng tôi không coi đây là kênh bán hàng, mà coi nó là một cái nôi để thúc đẩy việc đọc sách, làm sao cho các bạn từ chỗ chưa thích đọc sách hoặc lười đọc sách, vào đây sinh hoạt rồi sẽ cảm thấy việc đọc sách thực ra rất vui vẻ chứ không nặng nề, mệt mỏi”, chị Thu cho biết.
Theo sggp.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”