Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Sức mạnh mềm văn hóa chính là nguồn lực quan trọng có sức hấp dẫn, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, các kênh đối ngoại văn hóa, giáo dục, phim ảnh, truyền thông,...
Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa như một phương thức hiệu quả nhằm tăng cường sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa. Với lợi thế là một quốc gia có khả năng chủ động tiếp nhận, hấp thu, tiếp biến có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, việc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa còn tạo dựng các điều kiện thuận lợi để Việt Nam thể hiện năng lực chống đỡ, hóa giải được những tác động nguy hại, gây xói mòn các giá trị nền tảng, làm giảm đi bản sắc văn hóa dân tộc và gây tổn hại tới chủ quyền văn hóa quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, với một đất nước có truyền thống văn hóa hàng nghìn năm như Việt Nam thì việc phát huy được sức mạnh mềm văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo nên động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc.
Cuốn sách Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc do PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương và TS. Nguyễn Cao Đức đồng chủ biên
Cuốn sách Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế gồm 5 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, xác định vấn đề lựa chọn và sử dụng nguồn lực mềm văn hóa trên cơ sở những hiểu biết về chúng ở các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn (bản sắc văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể,…) để thực hiện mục tiêu cụ thể và mục tiêu dài hạn phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; Chương 2: Kinh nghiệm và bài học quốc tế, chú trọng tới việc hệ thống các kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng các kênh tác động phù hợp nhằm tạo nên sự chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam (truyền thông, ngoại giao văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, các tiến bộ khoa học - công nghệ…); Chương 3: Nhận diện sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ bối cảnh và các nhân tố tác động đến sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay, các tác giả đã nhận diện sự lựa chọn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa trong chính sách văn hóa Việt Nam; nhận diện thực trạng chuyển hóa tài nguyên, thành tố sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; Chương 4: Dự báo xu hướng phát triển của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đến năm 2030, các tác giả đã đưa ra các dự báo có tính khả thi về bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước, cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Chương 5: Giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, các tác giả đưa ra quan điểm, mục tiêu và hệ thống các giải pháp làm căn cứ cho việc xây dựng khung chiến lược quốc gia về phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; vấn đề lựa chọn và xây dựng trọng điểm thương hiệu sức mạnh mềm văn hóa, thương hiệu quốc gia, thương hiệu thành phố (có thể lựa chọn Hà Nội - thủ đô, thành phố sáng tạo trong bản đồ thương hiệu thành phố sáng tạo ở khu vực) và các giải pháp để xây dựng thành công thương hiệu thành phố sáng tạo mang sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục trên bản đồ sức mạnh mềm văn hóa.
Nội dung cuốn sách phác họa bức tranh toàn cảnh đa dạng, phức tạp, khó nắm bắt trong thực tại, cũng như tương lai của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Từ đó, tìm ra lời giải cho bài toán phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua việc xác lập cơ chế chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa với sự phối hợp đồng bộ của các kênh truyền dẫn.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên