Tự học- Một nội dung nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
Quan điểm tự học suốt đời do UNESCO nêu ra trong thời đại ngày nay đã được Hồ Chí Minh sớm làm rõ và nêu gương kiểu mẫu. Điều này khẳng định những giá trị lý luận to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của quan điểm tự học suốt đời của Hồ Chí Minh - người học viên, nhà giáo dục vĩ đại.
Tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (ngày 1.9.1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm sự: “Về văn hóa: tôi chỉ học hết lớp tiểu học…Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên…”[1]. Vậy đâu là lý do để một người ít được học qua trường lớp như Hồ Chí Minh trở thành một nhà tư tưởng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Có thể nói, tinh thần tự học của Hồ Chí Minh chính là một trong những yếu tố chủ yếu góp phần lý giải điều này.
1. Một quan điểm đúng đắn về tự giáo dục - tự học
Sinh ra trong một gia đình nhà nho khoa bảng, lại được tiếp thu truyền thống hiếu học của quê hương, đất nước, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò của giáo dục. Người đã khởi đầu sự nghiệp cách mạng bằng công việc giáo dục quần chúng nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên, hiểu rõ con đường phải đi để giành lại cuộc sống làm người, để sống ấm no, hạnh phúc. Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã nêu những luận đề nổi tiếng thể hiện tầm quan trọng của giáo dục, như: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[2], hay “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[3]...
Từ vai trò một nhà tư tưởng, một nhà tổ chức, đặc biệt là từ vai trò một nhà giáo, Hồ Chí Minh rất chú ý nhấn mạnh yếu tố tự giáo dục, tự giác học tập, bởi quá trình giáo dục xét đến cùng là nhằm khơi dậy và phát huy sự tự giáo dục của người học. Quá trình này không thể đạt kết quả nếu người học không có ý thức nỗ lực học tập, tiếp thu tri thức, biến tri thức nhân loại thành tri thức bản thân. Tự giáo dục trở thành mắt khâu phát triển cao nhất, quan trọng nhất, là nội dung cốt lõi của quá trình giáo dục. Do đó, Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ, đảng viên: “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[4]. Theo Người, “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[5]. Những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một "hạt nhân bé nhỏ" đòi hỏi người học sau khi ra trường "sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả"[6].
Theo Hồ Chí Minh, muốn “học suốt đời”, cách thức hiệu quả nhất là bằng con đường tự học. Có thể nói, nếu tự giáo dục là bước phát triển cao nhất của quá trình giáo dục thì tự học là hình thức phát triển cao nhất của tự giáo dục. Nó thể hiện rõ nhất ý thức tự giác, tính tích cực chủ động và quyết tâm học tập của người học. Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của việc tự học, tự rèn. Người nêu rõ: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”[7]. Bởi vậy, “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”[8].
Tự học chẳng những thể hiện ý thức tự giác, tinh thần tích cực chủ động của người học, mà còn là cách thức học tập không thể thiếu giúp người học hiểu sâu hơn, bổ sung thêm lượng kiến thức chưa có điều kiện nghiên cứu, học tập tại trường lớp. Đặc biệt, trong hoàn cảnh nền giáo dục Việt Nam nhiều năm bị chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp kìm hãm, rồi bị chiến tranh liên miên kéo dài cản trở, nhấn mạnh việc tự học của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân là điều hết sức có ý nghĩa.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đòi hỏi đầu tiên trong quá trình tự học, tự rèn là người học phải xác định được một cách đầy đủ, đúng đắn mục đích của việc học tập, tu dưỡng. Trả lời câu hỏi “Học để làm gì?”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Học để sửa chữa tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc, vào tương lai cách mạng; Học để hành. Suy cho cùng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, “giai cấp và nhân dân”, “Tổ quốc và nhân loại”[9]. Có thể nói, từ tầm cao văn hóa dân tộc và nhân loại, Người đã thấy được những giá trị vô cùng sâu sắc của giáo dục và tự giáo dục, của việc học và tự học không chỉ là để bổ sung kiến thức, mà quan trọng hơn, sâu sắc hơn là để hoàn thiện nhân cách.
Theo Hồ Chí Minh, muốn việc học tập nói chung, tự học nói riêng đạt kết quả cao thì điều căn bản là người học phải có “thái độ đúng và phương pháp đúng”. Người chỉ ra rằng, một mặt, phải có kế hoạch chặt chẽ, khoa học, phải sắp xếp thời gian và nội dung kiến thức cho khéo, mạch lạc với nhau; mặt khác, phải kiên trì thực hiện kế hoạch tới cùng, cố gắng không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào: “Phải tự nguyện, tự giác xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập”[10], “không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”[11]. Đặc biệt là phải “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”[12].
“Tự động học tập” không những là cách tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, của thời đại mà còn là phẩm chất cần phải có của người cán bộ cách mạng. Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ các cơ quan "mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ"[13] và coi việc cán bộ, đảng viên xao nhãng học tập (dù có thể bận việc hành chính hoặc quân sự) là "một khuyết điểm rất to". Người cảnh báo, nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cũng xuất phát từ chỗ lười biếng, không chịu học tập, nâng cao trình độ nhận thức mà ra. Do đó, phải “học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn”[14]. Người chỉ ra rằng, từ chỗ xác định việc tự học là yêu cầu phải thực hiện, mỗi người từng bước biến nó thành động cơ, nhu cầu thường trực, thành thói quen hàng ngày và nhất định phải có tình cảm “ham học”
Nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa học và hành, Hồ Chí Minh chú ý nhắc nhở học đến đâu phải ra sức luyện tập, thực hành đến đó. Suy cho cùng, việc tự học phải góp phần giải đáp những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra đối với mỗi người: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[15]. Người lưu ý, đối với cán bộ đảng viên, khi học tập lý luận chính trị phải biết vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức đó vào thực tế công việc hàng ngày theo phương châm: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình…Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[16].
2. Một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, được tắm mình trong không gian văn hóa yêu nước, hiếu học của gia đình, quê hương và dân tộc, Hồ Chí Minh sớm xác định cho mình một mục đích học tập rõ ràng. Đó là học tập để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, học để tìm cách cứu nước, cứu dân, để “xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[17]. Mục đích học tập cao đẹp như vậy chắc chắn không thể thực hiện được trong nhà trường thực dân, trong điều kiện “chính sách ngu dân” rất được chính quyền thực dân “ưa dùng”, mà chủ yếu phải dựa vào con đường tự học.
Có thể nói, chặng đường 30 năm Hồ Chí Minh bôn ba qua nhiều nước trên thế giới để tìm đường cứu nước, học cách giành lại độc lập dân tộc cũng chính là sự tiếp tục con đường tự học, tự nghiên cứu mà Người đã bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, với một ý chí và nghị lực phi thường. Những tháng ngày đó, luôn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa quá trình lao động và quá trình tự học của Người. Dù công việc rất cực nhọc, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng Người luôn luôn tranh thủ học tập ở mọi nơi, mọi lúc có thể, bằng mọi hình thức và phương tiện có được. Khi ở trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, Người thường “đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm”[18]. Khi ở Saint Adret, trong lúc tạm ở nhà một chủ tàu, Người học tiếng Pháp với người giúp việc. Để học từ mới, Người viết vào một tờ giấy dán vào những chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để khi đi đường hay đang làm việc cũng có thể nhẩm học. Ban đêm, khi chưa ngủ Người lấy tay mò viết những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ và cứ thế mỗi ngày Người học thêm vài từ mới.
Hồ Chí Minh xem thư viện là một trường học lớn và tích cực đến đọc nhằm nâng cao sự hiểu biết của bản thân cũng như để trang bị một trình độ lý luận sắc bén, góp phần giải đáp những vấn đề mà thực tiễn đấu tranh cách mạng đặt ra.
Bên cạnh những tổ chức, những mô hình học tập trong xã hội như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, các buổi nói chuyện, các viện bảo tàng…nhiều hình thức học tập mới, sinh động đã được Hồ Chí Minh tìm ra, như tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của những người xung quanh; học trong cuộc sống, nhất là “học trong nhân dân”.
Sau này, khi đã ở trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, thậm chí ngay cả khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, Hồ Chí Minh vẫn luôn sắp xếp thời gian để tự học tập, tự trau dồi kiến thức lý luận và thực tiễn. Người thường xuyên cập nhật thông tin qua các loại sách báo, tài liệu trong nước và nước ngoài. Người nhiều lần đi xuống cơ sở để lắng nghe, học hỏi, tổng kết từ mọi tầng lớp nhân dân, từ đó có những chỉ đạo kịp thời trong thực tiễn. Với Người, tự học đã trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu, một đòi hỏi bức thiết nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng. Nói chuyện với các cán bộ đảng viên lão thành năm 1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. ... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[19].
Cho đến những ngày cuối tháng 8-1969, chỉ ít ngày trước lúc vĩnh biệt toàn Đảng, toàn dân đi vào cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen đọc sách, nắm bắt tin tức báo chí hàng ngày. Trên bàn làm việc của Người là các cuốn sách đang đọc: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, The truth about Vietnam(Sự thật về Việt Nam) và những bài viết trên báo Nhân dân về vấn đề khoán ở các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng chi bộ bốn tốt ở huyện Yên Thành (Nghệ An), các tin chiến thắng của quân dân miền Nam, được Người đánh dấu đỏ.
Với một tinh thần ham học hỏi, ý thức tự giác cao, xuất phát từ mục tiêu phục vụ cách mạng, phụng sự dân tộc, Hồ Chí Minh đã không ngừng tự học, tự giáo dục và đã gạn lọc, thâu thái được những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại để làm giàu thêm tri thức của bản thân, từng bước hiện thực hóa những lý tưởng cao đẹp của Người. Nhờ quá trình bền bỉ tự học, với tư chất trí tuệ sẵn có và một sự mẫn cảm tuyệt vời về chính trị, Người đã tìm đến và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin - lý luận tiên tiến nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất của thời đại và có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và quốc tế. Nhờ quá trình học tập mà cốt lõi là tự học, Người đã không ngừng vươn lên đến tầm cao trí tuệ nhân loại và có những đóng góp xứng đáng, được thế giới tôn vinh, trường tồn với thời gian.
Không phải chỉ bằng ngôn từ người ta sẽ trở thành vĩ nhân. Sự vĩ đại nơi những vĩ nhân chính là ở chỗ họ đã thực hiện thống nhất giữa lời nói và hành động. Bàn về tự học một cách sâu sắc, Hồ Chí Minh đồng thời cũng nêu một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học suốt đời. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người cũng đồng thời là quá trình không ngừng nỗ lực học tập, chủ yếu là tự học, nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Ngày nay, trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và sự bùng nổ lượng thông tin toàn cầu, việc học tập không ngừng là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người để khẳng định giá trị của bản thân và góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Thực tế cho thấy không phải lúc nào mỗi người cũng có thầy dạy, có điều kiện đến trường, lớp. Do đó, tự học là cách thức thực sự hữu hiệu để tiếp cận với kho tàng tri thức nhân loại, để không ngừng nâng cao và hoàn thiện tri thức, kĩ năng nghề nghiệp cho bản thân, đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển. Hơn lúc nào hết, quan điểm của Hồ Chí Minh phải biết tự động học tập, “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học” càng tỏa sáng giá trị.
Mười năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời, năm 1979, trong cuốn “Thuật ngữ giáo dục người lớn” xuất bản bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) mới đưa ra những quan niệm tổng quát về việc tự học đối với mỗi người. Báo cáo gửi UNESCO của Hội đồng quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI “Học tập một kho báu tiểm ẩn” (năm 1996) chỉ rõ học tập là của cải nội sinh dựa trên bốn trụ cột[20]; phải xây dựng xã hội học tập và mỗi con người phải biết tự động học tập, coi đó là cơ sở để học suốt đời; đạo đức mới của nền giáo dục là mỗi con người phải phấn đấu trở thành một nhà giáo dục cho chính mình và cho cộng đồng. Đây thực sự là thông điệp có giá trị phổ quát để mọi quốc gia kiến thiết các chính sách giáo dục trong thế kỷ XXI.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta xiết bao tự hào thấy rằng nhiều ý tưởng về nền giáo dục tiên tiến, nhất là quan điểm tự học suốt đời do UNESCO nêu ra trong thời đại ngày nay đã được Hồ Chí Minh sớm làm rõ và nêu gương kiểu mẫu. Điều này khẳng định những giá trị lý luận to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của quan điểm tự học suốt đời của Hồ Chí Minh - người học viên, nhà giáo dục vĩ đại.
Vũ Đức Thịnh
Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực