Từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương suy nghĩ đến cội nguồn sức mạnh dân tộc
Ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO vinh danh.
Vào những năm chẵn, năm tròn, Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước tổ chức theo nghi lễ quốc gia
Biểu tượng của cội nguồn sức mạnh dân tộc
Sự công nhận của UNESCO, tổ chức quốc tế về giáo dục, khoa học và văn hóa uy tín nhất thế giới đã chứng tỏ giá trị, sức sống, ý nghĩa và tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với không chỉ người dân Phú Thọ (Việt Nam), mà còn cả cộng đồng quốc tế. Không chỉ có vậy, ý nghĩa của sự vinh danh này còn nằm ở tầm nhân loại, bởi UNESCO đã công nhận ký ức về một tổ tiên chung là một nguồn sức mạnh lớn đối với cộng đồng xã hội hiện tại. Điều này đã đúng với Việt Nam và sẽ đúng với nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Trong đánh giá hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ để công nhận vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UNESCO nhận định: Thờ cúng Hùng Vương là một thực hành thể hiện lòng tri ân tổ tiên nhằm nâng cao tự hào và xã hội. Việc ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong Danh sách đại diện góp phần vào việc nhận diện các hình thức thờ cúng tổ tiên đang được thực hành ở nhiều nước khác và khuyến khích các cộng đồng nhận thức được sự tương đồng trong khi nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa.
Sự công nhận của UNESCO một lần nữa nhắc nhở chúng ta ý thức về cội nguồn văn hóa của dân tộc. Từ việc thờ cúng Vua Hùng, chúng ta có được nghĩa “đồng bào”, đó là hình tượng cô đọng và tiêu biểu nhất cho một hình ảnh cùng gốc gác, tổ tông. Hình tượng văn hóa ấy luôn nhận được sự đồng cảm của mọi người dân đất Việt. Trong những lúc khó khăn, cần sự đoàn kết, mỗi khi từ “đồng bào” được vang lên là một lần nhắc nhở tất cả nhân dân Việt Nam cố gắng, nỗ lực vì một niềm tin thiêng liêng vào sự độc lập và thống nhất của dân tộc. Bắt nguồn từ tính chất thiêng liêng ấy, trong Tuyên ngôn độc lập, từ “đồng bào” được Bác Hồ nhắc lại đến 4 lần, và ngay cả khi Bác nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, là lúc cả triệu con tim Việt Nam đều cảm nhận thấy dòng máu Lạc Hồng chảy trong mình, thôi thúc mọi người đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Một đặc điểm có giá trị nữa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đã tạo ra sự đồng lòng của mọi người Việt Nam vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian. Chúng ta biết rằng, bất kỳ một hiện tượng văn hóa nào cũng nhận được sự đánh giá khác nhau ở những người khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Hiếm có một hiện tượng văn hóa nào nhận được sự đánh giá đồng tình, tích cực xuyên thời gian và không gian. Tuy nhiên, điều ấy không đúng với trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Khi nói về công ơn của các Vua Hùng, mọi người dân đất Việt đều thể hiện lòng tôn trọng. Hằng năm, có hàng triệu người hành hương về đất Tổ. Những người không có cơ hội hành hương về đất Tổ cũng luôn mong ngóng có ngày được trở về mảnh đất thiêng của dân tộc. Đền thờ Vua Hùng được nhân dân lập ở nhiều nơi như một nơi thờ vọng để những người chưa có cơ hội đến Đền Hùng có thể thực hành nghi lễ và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Chính vì vậy mới có câu ca rằng:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng của lòng yêu nước
Đối với một tín ngưỡng, thông thường luôn có những sự nhìn nhận khác nhau bởi các chế độ chính trị, triều đại khác nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao của mọi triều đại, chế độ chính trị. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng, tục thờ cúng Hùng Vương đã có từ rất lâu trong lịch sử của dân tộc. Trước khi được nhà nước công nhận như một nghi lễ cấp quốc gia, việc thờ cúng Hùng Vương được người dân địa phương tiến hành hằng năm thông qua các lễ cầu tại các đình, đền, miếu trong các làng đó. Từ khi Hùng Vương được triều đình nhà Lê chính thức xác nhận trong “sự nghiệp phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ hai, diễn ra vào hồi thế kỷ mười lăm”1, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành một nghi lễ địa phương được quốc gia hóa, đáp ứng nhu cầu khẳng định quyền độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc trong tư thế đối trọng với một quốc gia lớn hơn mà nó vừa thoát khỏi ách chiếm đóng. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình phát triển lịch sử, kết tinh văn hóa dân gian, văn hóa bác học, vừa từ dưới lên vừa từ trên xuống, trong ra, ngoài vào. Nó là nhu cầu của một quốc gia, và quan trọng, nó tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc. Nhờ vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng của lòng yêu nước. Chính nhờ biểu tượng về lòng yêu nước ấy, tín ngưỡng này đã vượt qua mọi sự khác biệt để trường tồn cùng dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu xây dựng biểu tượng quốc gia của nhà nước quân chủ. Xây dựng biểu tượng Hùng Vương là một trong những việc làm quan trọng (cùng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử…) tạo nên hệ ý thức Việt Nam trong buổi đầu dựng nước. “Nghĩa đồng bào, lập quốc bằng hợp nhất; vì nước quên mình; trừ bạo an dân; đạo thờ tổ tiên và thờ anh hùng. Đó là những vũ khí tinh thần, vũ khí văn hóa cơ bản nhất của người Văn Lang đã sáng tạo, những vũ khí đã góp phần cứu Văn Lang sau hơn ngàn năm Bắc thuộc đã không bị đồng hóa, lại được hồi sinh với bản sắc dân tộc đậm đà hơn, với sinh lực dân tộc mãnh liệt hơn”2.
Qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được bồi đắp những giá trị và ý nghĩa mới, ngày càng trở nên quan trọng đối với người Việt Nam. Theo quy định tại Nghị định 82/CP ngày 6-11-2001 của Chính phủ, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở cấp quốc gia, vào những năm lẻ do UBND tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức, vào những năm chẵn và năm tròn, Nhà nước tổ chức với các quy định chặt chẽ về các đội rước, tế lễ, lễ dâng hương của chính quyền, các cộng đồng làng và cá nhân. Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Đảng và Nhà nước quy định là một trong những ngày lễ lớn hằng năm của dân tộc Việt Nam. Năm 2007, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật lao động về việc cho phép người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để người dân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân nói chung và người lao động nói riêng về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, tham gia các hoạt động truyền thống, văn hóa. Lễ hội được tổ chức trang trọng, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh công đức các Vua Hùng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là niềm tự hào của người dân Việt Nam không chỉ vì đây là một di sản được thế giới công nhận và tôn vinh mà còn là biểu tượng của cội nguồn, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Từ triết lý “con người có tổ có tông”, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một bản sắc văn hóa trong cuộc sống tinh thần của cộng đồng người Việt từ hàng ngàn năm nay. Việc thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò quan trọng trong tâm thức của người Việt, tạo nên đạo lý đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là điểm tựa tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hòa hợp. Thờ cúng Hùng Vương như tổ tiên chung của dân tộc Việt trở thành một biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Việc UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sự thừa nhận giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng này đối với người dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung và càng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc củng cố niềm tin của người dân Việt Nam vào sức mạnh dân tộc trong tương lai.
BÙI HOÀI SƠN
Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam
Chú thích:
1, 2. Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (các công trình nghiên cứu), Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2012, t. 1, tr. 560, 556.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực