Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và sự vận dụng ở nước ta hiện nay

Ngày đăng: 05/05/2016 - 11:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây chính là nét đặc sắc mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ của Hồ Chí Minh với con người nói chung và phụ nữ nói riêng.

chu tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 12-3-1961Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 12-3-1961

Trong tư tưởng về giải phóng con người, Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Đánh giá về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, Người khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”1. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, có tổng số gần 2.000 bài nói và viết, trong đó có nhiều bài Người nhắc đến phụ nữ. Người luôn đặt ra yêu cầu bức thiết là phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi xiềng xích nô lệ, phải cởi trói cho phụ nữ. Người khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”2, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”3.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”4. Những quyền ấy được Người trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Tuy nhiên trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ, chỉ có những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử. Các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ XIX và phụ nữ Mỹ (sau 144 năm giành độc lập) - năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử. Muộn hơn nữa là người Mỹ da đen thì phải tới khi phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra những năm 1960 họ mới giành được quyền bầu cử và đến năm 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi. Trong Tuyên ngôn độc lập của nước ta, cụm từ “tất cả mọi người” được dùng để chỉ tất cả mọi người Việt Nam, kể cả phụ nữ. Vì vậy, trong ngày bầu cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ngày 6-1-1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường. Khi xây dựng Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, Người cũng tuyên bố với thế giới: “Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”5. Đây là tư tưởng tiến bộ của Người nói riêng và của Đảng ta nói chung về phụ nữ mà không phải những nước tư bản phát triển nào lúc bấy giờ cũng có được.

Không chỉ đặt ngang hàng quyền lợi của phụ nữ đối với nam giới trong xã hội, Hồ Chí Minh còn khuyên phụ nữ phải biết cố gắng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước nhà. Tại Hội nghị Phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy bản thân phụ nữ phải: “Gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật; Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; Hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình; Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới””6. Những chỉ dẫn đó chứng tỏ Người rất quan tâm đến sự đóng góp của phụ nữ cho xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Khi những chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam có dịp ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều đã được Hồ Chí Minh ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được mời dùng cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người. Người luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang, và khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”7. Đây chính là sự khẳng định của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Trong Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người nói: “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa8.

Khi về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”9.

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Hồ Chí Minh đã dành trọn vẹn cho dân, cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”10.

Như vậy có thể nói, Người không chỉ dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn dành sự quan tâm rất lớn cho phụ nữ. Người luôn đặt nhiệm vụ giải phóng phụ nữ song hành với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đây chính là nét đặc sắc mang đậm tư tưởng nhân văn tiến bộ của Hồ Chí Minh với con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Đúng như nhà sử học Mỹ Gixentơn trong bài viết “Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử của sự tiến bộ của phụ nữ” đã nhận xét: Chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới; chỉ Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa.

Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của các bà, các chị, các mẹ trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang ra sức phấn đấu trong học tập, công tác để không chỉ làm tròn trách nhiệm của một người phụ nữ trong gia đình mà còn đảm đương tốt những trọng trách đối với xã hội. Hiện nay, ở nước ta, đội ngũ cán bộ nữ được tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng đất nước. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, các tầng lớp phụ nữ tỏ rõ năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Ví dụ như: Trong phát triển kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nữ tham gia ngày càng nhiều các ngành nghề mà trước chỉ dành cho nam giới. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ tỷ lệ tham gia của phụ nữ đạt tới gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn và nhiều người có trình độ cao... Qua đó có thể thấy, đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng. Trong các cấp ủy Đảng và các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều có cán bộ nữ tham gia và đang dần khẳng định vị thế của mình.

Trong các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng gần đây đều có cán bộ nữ tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư. Nhiệm kỳ khóa X, số ủy viên Trung ương là nữ có 16/181 người, chiếm tỷ lệ 8,84%; khóa XI, số ủy viên Trung ương là nữ có 18/200 người chiếm gần 9% và khóa XII có 20/200 ủy viên Trung ương là nữ, chiếm 10% (tăng 1% so với nhiệm kỳ XI), đặc biệt, đây là nhiệm kỳ đầu tiên có ba đại biểu nữ được tín nhiệm bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm Quốc hội nước ta có một nữ đại biểu là Chủ tịch Quốc hội. Ở chính quyền các cấp, phụ nữ cũng đã có mặt ở khắp các vị trí lãnh đạo, “tính đến tháng 9-2013, có 14/33 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt, chiếm 42,42%; có 14/26 cơ quan của Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 53,85%; có 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, chiếm tỷ lệ 39,68%”11, trong gần 20 năm qua, liên tục có phó chủ tịch nước là nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Quốc hội tăng từ 18,5% (khóa IX), 26,2% (khóa X), 27,3% (khóa XI) và 25,76% (khóa XII), 24,4% (khóa XIII), phấn đấu đến Quốc hội khóa XIV tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ sẽ đạt 35%-40%. Đặc biệt, số lượng đại biểu là nữ giữ cương vị chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội tăng nhanh từ 22,2% (khóa IX) lên 33% (khóa X) và đến khóa XI là 40%. Tỷ lệ nữ đảng viên cũng tăng đều theo từng năm: nếu như năm 1994 chỉ có 16,4%, năm 1999 có 19,3%, năm 2002 có 21,7% thì đến năm 2005 là 25% và tính đến năm 2015 tỷ lệ đảng viên nữ đạt 30%12. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% đến 40%, cùng với đó chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cũng xác định phấn đấu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 lên mức trên 35%.

Tuy nhiên đến nay, nhiều cấp ủy đảng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, chưa quan tâm đến yếu tố giới nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền còn thấp, nhất là ở cơ sở. Nghiêm trọng hơn, hiện nay tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân là phụ nữ vẫn đang gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội. Đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng.

Chính vì thế, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội cần được quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện, nhằm giúp mọi người có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ. Qua đó, các cấp ủy đảng đề ra nhiều biện pháp cụ thể hơn, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tốt năng lực của mình. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ phải được giải phóng khỏi tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội.        

Muốn thực hiện được vai trò to lớn của mình, người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội. So với nam giới, phụ nữ đã bị chi phối nhiều thời gian và công sức vào công việc gia đình. Thực hiện bình đẳng giới đã tạo điều kiện khích lệ phụ nữ vươn lên trong mọi lĩnh vực. Phụ nữ ngày nay về cơ bản ít bị ràng buộc bởi những định kiến, quy ước lạc hậu, cổ hủ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Song, ở nhiều vùng nông thôn, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi bởi đời sống khó khăn, nhận thức của gia đình, làng xóm còn hạn chế về quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, phát huy tính tích cực của tổ chức hội phụ nữ ở nông thôn để chị em có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và phát triển là điều vô cùng cần thiết.

trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và có nhiều chính sách ưu tiên đối với phát triển phụ nữ như: tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt ở từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Văn kiện Đại hội XI của Đảng khẳng định: nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới13. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo và tạo điều kiện để phụ nữ có thể tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Sự quan tâm này của Đảng, Nhà nước không chỉ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà còn tạo nên những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp giải phóng và phát triển phụ nữ.

Đặng Công Thành

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 300; t. 2, tr. 506; t. 2, tr. 313; t. 4, tr. 1; t. 4, tr. 491; t. 12, tr. 511; t. 7, tr. 340; t. 12, tr. 300; t. 15, tr. 260; t. 15, tr. 617.

11. Tổng hợp số liệu của Ban Tổ chức, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tháng 9-2013.

12. Theo Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, số liệu đăng trên báo nhân dân điện tử ngày 21-11-2015.

13. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

 

Bình luận