Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền
Xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp, kết hợp hài hòa pháp trị và đức trị, tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức, thực hiện tự do dân chủ gắn liền với tuân thủ pháp luật là những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là vấn đề hết sức quan trọng của công cuộc đổi mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền phát triển từ thấp đến cao, từ chưa toàn diện đến toàn diện. Với sự ra đời của nhà nước cộng hòa dân chủ ViệtNam, một nhà nước pháp quyền ViệtNamđã được hình thành với đầy đủ diện mạo của nó.
Từ cội nguồn sâu xa trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông với biết bao kinh nghiệm về xây dựng nhà nước, cùng với sự trải nghiệm, nghiên cứu, khảo sát nhiều cuộc cách mạng, nhiều nhà nước điển hình trên thế giới như Mỹ, Pháp, Liên Xô, từ rất sớm, khi còn là một thanh niên yêu nước chưa đầy 30 tuổi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hiểu và nhận thức sâu sắc vai trò của pháp luật trong quản lý, điều hành xã hội.
Ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị Vécxây đòi các quyền tự do tối thiểu cho dân tộc Việt Nam đã thể hiện sâu sắc vấn đề pháp quyền trong tổ chức và quản lý xã hội. Đây là văn kiện pháp lý đầu tiên trong lịch sử chính trị và pháp lý của nước ta đặt vấn đề kết hợp khăng khít quyền tự quyết của các dân tộc với các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tức là kết hợp chặt chẽ quyền dân tộc và quyền con người, được đưa ra tại một hội nghị quốc tế.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, vấn đề nhà nước hợp hiến được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là phải “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để xây dựng “một hiến pháp dân chủ”1.
Bốn tháng sau ngày độc lập, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước đã được tiến hành và thành công tốt đẹp. Đây là một cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức nhanh nhất, diễn ra sớm nhất, một kỷ lục chưa quốc gia nào đạt được sau khi lật đổ ách thống trị ngoại bang, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ, nắm quyền.
Cùng với tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, việc xây dựng Hiến pháp đã được Hồ Chí Minh xúc tiến triển khai. Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Sau 14 tháng khẩn trương xây dựng, Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ViệtNamđã hoàn thành và có hiệu lực trong thực tế.
Là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp của đất nước, Hồ Chí Minh là nhà lập pháp, đồng thời là một nhà hành pháp vĩ đại. Một nét đặc sắc, độc đáo trong tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý bằng pháp luật theo tinh thần “trăm đều phải có thần linh pháp quyền”2 và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật.
Xây dựng luật và công bố luật là công việc đầu tiên có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Không những chú trọng hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật, Hồ Chí Minh còn hết sức chăm lo đưa pháp luật vào đời sống, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành đó trong các cơ quan nhà nước và trong nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, nước ta là nước dân chủ, để cho nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh thì dân chủ và pháp luật phải luôn luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau mới bảo đảm được cho chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo đảm được việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm suốt đời của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, dân chủ tức là dân là chủ, khẳng định vị thế, địa vị của người dân và dân làm chủ, tức là nói đến năng lực làm chủ và bổn phận của người dân. Người thường nhắc nhở cán bộ phải lo làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.
Biểu hiện rõ nét của việc nhân dân biết hưởng, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm là nhân dân biết và dám phê bình Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”3. Chỉ khi nào nhân dân được tham gia vào các công việc của Nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức, khi dân biết nắm quyền và sử dụng quyền của mình, tức là đã đến mức dân chủ hóa cao, tính tích cực của công dân được phát huy, thì lúc đó xã hội mới thực sự là một xã hội dân chủ. Đó chính là một nét đẹp của văn hóa chính trị mà Hồ Chí Minh đã quan tâm suốt cả quá trình hoạt động cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, nói đến nhà nước pháp quyền là nói đến pháp luật, là nói đến tính tối thượng, tính nghiêm minh của pháp luật. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”4. Tuy nhiên, pháp luật của Hồ Chí Minh là pháp luật nhân nghĩa, vừa nghiêm minh vừa công bằng, không lẫn lộn giữa công và tội và có sự gắn bó chặt chẽ giữa “pháp trị” với “đức trị”. Người phê bình “thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm”5, lẫn lộn giữa công và tội. Theo Người, có công thì được thưởng, có lỗi thì phải phạt, không vì công mà quên lỗi, vì lỗi mà quên công. Đặc biệt, chú trọng tính nghiêm minh của pháp luật phải đi đôi với tăng cường giáo dục đạo đức. Người nói: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”6.
Tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức là một khía cạnh của văn hóa chính trị truyền thống. Thuyết “nhân trị” của Khổng Tử không hề loại bỏ hình luật, mà coi đó là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cái xấu. Thuyết “pháp trị” của Tuân Tử, Hàn Phi Tử cũng rất chú trọng lấy gương của các vua thánh, chúa minh, các ông quan đức độ và kẻ sĩ hiền tài để giáo dục.
Chính trị Hồ Chí Minh là một nền chính trị đạo đức với hạt nhân “Nước lấy dân làm gốc”; “sao cho được lòng dân”; “Chính phủ là công bộc của dân”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”7. Tóm lại, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”8. “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”9.
Nền chính trị đạo đức Hồ Chí Minh có sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức và thực hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Người viết trong Di chúc bổ sung năm 1968: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”10.
Với Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”11; “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”12. Vì vậy, trong tư tưởng về nhà nước pháp quyền, Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, biết quản lý nhà nước, thành thạo nghiệp vụ hành chính, có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có tinh thần trách nhiệm tận tâm, tận lực, suốt đời phục vụ nhân dân. Đó thực chất là “văn hóa công bộc” theo tinh thần Hồ Chí Minh.
Trong khi không ngừng nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, trước hết là cán bộ thuộc ngành hành pháp và tư pháp phải “dĩ công vi thượng; phụng công, thủ pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cán bộ kiên quyết chống giặc “nội xâm”. Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”13.
Chúng ta đã trải qua gần 70 năm xây dựng nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân với nhiều thành tựu to lớn. Một trong những ưu điểm là quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được bảo đảm và tăng cường. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là sự lộng quyền, cửa quyền, coi thường dư luận, không nghĩ đến dân của một số cán bộ, đảng viên. Chính cơn khát quyền lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền đã đẻ ra biết bao đau lòng mà Bác Hồ đã từng cảnh báo: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và chính phủ”14. Một số khác thì trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, nói một đường làm một nẻo. Người coi đó là những “lầm lỗi rất nặng nề” và đưa đến một kết quả là hỏng việc.
Đại hội XI của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã thẳng thắn chỉ ra thực tế dân chủ chưa được phát huy đầy đủ, còn mang nặng hình thức. Có nơi dân chủ chỉ để trang trí, trình diễn. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển, quản lý đất nước. Cải cách hành chính còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đặt ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội. Cách làm việc quan liêu đang dẫn tới một thực tế của nền hành chính như báo chí đã nói tới nhiều: “hành dân là chính”. Vì vậy, để có một nhà nước pháp quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, thật sự của dân, do dân, vì dân, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và ý nguyện của dân, cần phải phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; cải cách bộ máy hành chính, xây dựng một nền hành chính dân chủ.
Chính phủ mới khóa XIII thành lập được hai năm. Nhiều lời hứa trước dân khá tâm huyết. Điều đó là cần thiết nhưng chỉ mới là bước đầu. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là hiệu quả của hành động và nêu gương trước đồng bào. Nhân dân kỳ vọng và chờ đợi. Chính phủ mới phải học Bác Hồ về lời hứa đi đôi với hành động. Chỉ có thực hiện dân chủ thực sự cho dân, nâng cao địa vị, quyền hành và năng lực làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân, trọng dân, học dân, hiểu dân, hỏi dân, bàn bạc và giải thích cho dân thì Chính phủ mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Nếu không thế mà cứ hành động theo kiểu làm bằng được, bất chấp lòng dân, ý dân thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”15. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Nước lấy dân làm gốc”. Theo đó, Chính phủ phải đem “tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”16. Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân, dựa vào trí tuệ và lực lượng của dân, giữ chặt mối liên hệ với dân và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân, đó là nền tảng lực lượng của Chính phủ. “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”17.
PGS. TS. Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
1, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.7, 572.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.473.
3, 6, 8, 11, 12, 15, 16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.75, 323-324, 232, 309, 313, 333, 81, 326.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127.
5, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.225, 617.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.572
13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.357-358, 176.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực