Thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác Hồ
Trên thế giới ít có vị lãnh tụ nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi Người không những là lãnh tụ, vị cha gia muôn vàn kính yêu của dân tộc, mà còn là một nhà thơ lớn. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại hồi hộp chờ đợi thời khắc giao thừa để nghe những vần thơ chúc Tết của Người. Những vần thơ nồng ấm thấm sâu vào ký ức mỗi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Sau nhiều tháng năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một năm sau đó, Tết Nhâm Ngọ - 1942, lần đầu tiên Bác Hồ có thơ Chúc Tết - mừng xuân năm mới, chúc đồng bào, chúc Việt Minh, chúc phe dân chủ thế giới…, báo Việt Nam Độc lập số 141 đã in trang trọng trên trang nhất. Từ Tết Quý Mùi - 1943 đến Tết Ất Dậu - 1945, do bị chính quyền Trung Hoa dân quốc cầm tù và do Người dốc toàn bộ thời gian, trí tuệ, tâm sức vào việc cứu nước, cứu dân, nên ba mùa xuân này, Bác không có thơ chúc Tết. Bắt đầu từ Tết Bính Tuất - 1946 đến Tết Kỷ Dậu - 1969 trước ngày Bác đi xa, hầu như năm nào Bác cũng có thơ Chúc Tết - mừng xuân (ngoại trừ các năm 1955, 1957, 1958 Bác chúc Tết bằng thư).
Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ Chúc Tết - mừng xuân. Trong 22 bài thơ này, Bác dùng 20 chữ Chúc, 25 chữ Mừng, 18 chữ Xuân, 4 chữ Tết giàu sắc thái biểu cảm và ý nghĩa. Nhiều bài thơ đầu các câu thơ là lời Mừng, lời Chúc, ví như:
Mừng năm Thìn vừa qua,
Mừng xuân Tỵ đã tới,
Mừng phát động nông dân,
Mừng hậu phương phấn khởi…
(Chúc Tết Quý Tỵ - 1953)
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hòa bình thống nhất thành công!
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
(Chúc Tết Tân Sửu - 1946)
Thơ chúc Tết của Bác mộc mạc, chân thành nhưng lại truyền cho chúng ta sức sống mới, nguồn sinh lực mới, thúc giục chúng ta vượt qua mọi gian khổ để giành thắng lợi trong năm tới. Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác tuy ngắn gọn, súc tích, giản dị như cuộc sống của người lao động nhưng lại thể hiện những nội dung lớn:
1 - Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác trước hết là tình cảm rộng lớn vĩ đại, chân thành, trung hậu của Bác đối với nhân dân, đối với dân tộc, đối với con người.
Tết Bính Tuất - 1946 là Tết độc lập đầu tiên đến trong bối cảnh Nam Bộ đang phải đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Lúc này, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã trải qua hơn 100 ngày thử thách. Đây là cuộc đọ sức đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám thể hiện khí phách của một dân tộc anh hùng. Bằng vũ khí thô sơ, gậy tầm vông vót nhọn, bàn chông, súng kíp, súng trường, lựu đạn nhưng với tinh thần dũng cảm chiến đấu ngoan cường, quân và dân Nam Bộ đã chặn đứng âm mưu xâm lược muốn cướp Nam Bộ trong chớp nhoáng của thực dân Pháp. Cảm thông, thấu hiểu đồng bào và chiến sĩ đang xông pha chiến đấu ở tiền tuyến, trong thư Gửi các chiến sĩ và đồng bào nhân Tết Bính Tuất, Bác dành tình cảm thắm thiết, thân thương, động viên các chiến sĩ: “Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng Tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc. Các chiến sĩ hăng hái chống địch, để đồng bào được an toàn mừng xuân.
Trong ngày Tết, đồng bào ở hậu phương ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Mà các chiến sĩ thì ăn gió nằm mưa, lạnh lùng ở chốn sa trường. Song, hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân”1. Thư là như thế, còn trong thơ, cũng với những lời thơ thắm thiết, chứa chan tình cảm, Người gửi đến toàn dân tộc tinh thần lạc quan hướng về tương lai tất thắng, làm phấn khích và ấm lòng chiến sĩ:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
Với hai chữ chúng ta, Bác đã hòa cùng các chiến sĩ, hòa vào đoàn quân, hoàn toàn không còn khoảng cách giữa lãnh tụ và chiến sĩ. Người chủ động gần gũi bằng một lời hẹn, một biểu cảm chân tình, thân ái.
Do nắm chắc tình hình thực tế cả ở tiền tuyến và hậu phương, cảm nhận nhạy bén và sâu sắc hiện thực, nắm vững quy luật phát triển cùng với những dự định chính xác và sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, Bác chúc đồng bào nhân dịp năm mới Canh Dần - 1950:
Kính chúc đồng bào năm mới,
Mọi người càng thêm phấn khởi,
Toàn dân xung phong thi đua,
Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,
Chuyển mau sang tổng phản công,
Kháng chiến nhất định thắng lợi2.
Lời chúc của Bác cũng đồng thời là lời nhắn nhủ, chỉ dẫn toàn dân tập trung cho hai nhiệm vụ trọng tâm của năm là: Toàn dân xung phong thi đua và chuẩn bị Chuyển mau sang tổng phản công.
Những lời chúc, lời mừng nồng ấm, tình cảm mà tràn đầy sức mạnh ấy thấm sâu vào lòng người một cách thiết tha, xao xuyến, rạo rực, tạo nên sức mạnh dân tộc tiềm tàng của truyền thống, của hiện tại và của cả tương lai.
Đọc thơ Bác và qua những biểu hiện thực tế trong cuộc sống hằng ngày của Bác, ta thấy Bác rất yêu thương con người, quan tâm chăm sóc, động viên mọi người vươn lên cùng đồng tâm hiệp lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Hình ảnh Bác mãi khắc sâu trong mỗi người dân đất Việt. Chúng ta từng biết, trong thời khắc giao thừa linh thiêng và ngày mùng Một đầu năm mới, Bác thường đến thăm những gia đình nhân dân lao động Thủ đô nghèo khó ở một số ngõ phố, hoặc về ăn Tết với đồng bào Hà Bắc; có năm Người lại đến tận mâm pháo chúc mừng bộ đội, hoặc đi trồng cây với cán bộ và nhân dân trên đồi Vật Lại (Hà Tây cũ)…
Tình yêu thương quốc dân, đồng bào của Bác thật vô cùng sâu sắc, mênh mông. Quả đúng là:
Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đòi chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy
Như dòng sông đỏ nặng phù sa
(Theo chân Bác - Tố Hữu)
2 - Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là một hiện tượng rất dân tộc, độc đáo, và độc đáo hơn nữa vì những bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Người còn là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng cụ thể của một năm, một giai đoạn. Nếu tổng hợp toàn bộ những bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác theo trật tự thời gian, chúng ta sẽ nhìn ra đường lối cách mạng của Đảng, của Bác qua những chặng đường cụ thể của hai cuộc kháng chiến oanh liệt, vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa bảo vệ vừa xây dựng đất nước. Bởi thế mà giá trị to lớn của thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là không có gì so sánh được. Những bài thơ ấy đã đi vào quần chúng, làm cho quần chúng nhận thức rõ đường lối cách mạng, mục tiêu cách mạng và ý thức được nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng với một quyết tâm cao.
Ngày 20-1-1947, giữa phút giao thừa Tết Đinh Hợi, từ chùa Trầm (Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiếng nói Bác Hồ:
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi.
Thống nhất độc lập, nhất định thành công! 3
(Chúc Tết Đinh Hợi - 1947)
Bất cứ bài thơ Chúc Tết - mừng xuân nào của Bác cũng xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, chẳng hạn như bài Chúc Tết Giáp Ngọ - 1954:
Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do.
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to
Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn4.
Tết Canh Tý - 1960, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vui mừng với nhiều thắng lợi vẻ vang, mừng Đảng ta, mừng Nhà nước ta, Bác chúc mừng:
Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 năm tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào miền Nam ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
3 - Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là hồi kèn xung trận, là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng ẩn trong tiếng nói, tiếng thơ của một con người thời đại, một lãnh tụ vĩ đại.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, Bác kêu gọi:
Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công.
Toàn dân ta quyết một lòng
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.
Ta thắng, Pháp thua. Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kết thúc. Miền Bắc bước vào mùa xuân tươi đẹp, mùa xuân của chủ nghĩa xã hội “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”; miền Nam giữ vững thành đồng “đấu tranh tiến tới” với sức triệu người hơn sóng biển Đông, quyết giành được “hòa bình, thống nhất”.
Giặc Mỹ điên cuồng ồ ạt đem quân xâm lược miền Nam, trắng trợn leo thang đánh phá miền Bắc. Toàn dân tộc “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu - 1969 của Bác trở thành lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Tổ quốc, là lời hịch của cha ông ta vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyết chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!5
Đồng chí Xuân Thủy đã nói đúng cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác:
Mỗi vần thơ chúc Tết tối ba mươi
Như pháo nổ, như hoa cười, như truyền hịch
(Đinh ninh lời thề)
4 - Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là thứ thơ thân ái, nôm na, rất giản dị mà không dễ dãi, tiếng nói thông thường nhưng lại là tiếng nói của thơ, nó xuất phát từ một tâm hồn nhân hậu, cao cả, một thi sĩ lớn với tầm tư tưởng lớn của thời đại, đặt bút viết là thành thơ. Thơ ấy sống và sống mãi.
Sức sống của thơ Bác là nói một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng, đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Những bài thơ chúc Tết của Bác đều xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ của cách mạng. Chất liệu của thơ Bác là chất liệu của hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa bay bổng. Tất cả đều hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo:
Năm Dần, mừng xuân thế giới,
Cả năm châu phấp phới cờ hồng.
Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,
Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới
Sức triệu người hơn sóng biển Đông6.
(Chúc Tết Nhâm Dần - 1962)
hoặc:
Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng…
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng7.
(Thơ Chúc mừng năm mới - Xuân 1966)
Thơ Bác rất linh hoạt, đa dạng, không bị câu thúc bởi niêm luật hoặc sự gò bó của thể loại. Bác sử dụng nhiều thể thơ: đường luật, tứ tuyệt, lục bát… và cả thể thơ tự do nữa. Những vần thơ lục bát thiết tha:
Bắc - Nam như cội với cành,
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc - Nam ta lại vui chung một nhà.
(Chúc Tết Giáp Thìn - 1964)
Những bài thơ tứ tuyệt như một bài ca:
Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Trong các bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác có nhiều bài nghiễm nhiên gia nhập thơ ca dân gian, nhiều bài đã là đề tài sáng tác cho âm nhạc. Các nhạc sĩ đang cố gắng từ những bài thơ của Bác để sáng tạo và làm phong phú thể hát chúc, hát mừng của nền âm nhạc dân tộc. Bác và Đảng đã mở ra cho dân tộc một mùa xuân mới. Bác rất yêu mùa xuân, thơ chúc Tết của Bác bao giờ cũng gắn với mừng xuân. Mùa xuân là của Bác, của Đảng, của toàn dân tộc ta. Không phải ngẫu nhiên mà Bác viết nhiều về mùa xuân, về Tết, có những câu Bác nói đến ba lần xuân:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.
(Rằm Xuân lồng lộng trăng soi
Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân)8.
Xuân trong thơ Bác khoáng đạt, tươi vui. Xuân trong thơ Bác là xuân của đất nước, của dân tộc. Đất nước đang vào xuân, “cảnh đông tàn” đang qua, “cảnh huy hoàng ngày xuân” đã đến và đang đến. Đã bao nhiêu năm chiến đấu và xây dựng đất nước, đã bao nhiêu năm “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, đang thực sự “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, làm cho “Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên” (Một năm là cả bốn mùa xuân).
Mỗi khi đất nước sang xuân, mỗi lần Tết đến, chúng ta lại khám phá thêm được cái hay, cái đẹp trong thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác. Nhưng từ lúc Bác đi xa, trong giây phút thiêng liêng của giao thừa, chúng ta không còn được nghe giọng nói hiền từ, ấm áp của Bác chúc Tết, mừng xuân đồng bào, chiến sĩ và bầu bạn quốc tế. Dẫu vậy, những bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác vẫn đi cùng năm tháng, vẫn âm vang trong lòng mọi người mỗi dịp Tết đến, xuân về. Người luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta, như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Bác ơi! Tết đến giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.
(Theo chân Bác - Tố Hữu).
LÊ XUÂN ĐỨC
Hội viên hội nhà văn Việt Nam
*****
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 196-197; t. 6, tr. 318; t. 5, tr. 20; t. 8, tr. 400; t. 15, tr. 531; t. 13, tr. 335; t. 15, tr. 1; t. 5, tr. 467.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực