Thực trạng phát triển báo chí điện tử, mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 12/10/2012 - 07:10

(TCTG) - Thực tiễn phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử và các loại hình truyền thông mới trên Internet trong hơn một thập kỷ qua đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết trong lãnh đạo, quy hoạch, phát triển, quản lý. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thực trạng, sự phát triển của các loại hình truyền thông trên Internet, đặc biệt là hệ thống báo chí điện tử.

Story

Xuất hiện từ thập kỷ 70 thế kỷ XIX, bùng nổ phát triển vào cuối thế kỷ XX, Internet mang đến cho người sử dụng nhiều tiện ích như thông tin điện tử, thư điện tử (email), trò chuyện trực tuyến (chat), tìm kiếm dữ liệu (search), các dịch vụ thương mại, chuyển ngân, y tế, giáo dục, quản lý hành chính, điều hành công việc... Internet cung cấp đồng thời một khối lượng thông tin, dịch vụ khổng lồ trên phạm vi rộng khắp. Nhờ internet mọi người có thể mở rộng mối quan hệ đến tất cả bạn bè trên thế giới một cách nhanh chóng và ít tốn kém. Internet còn là nơi để con người sáng tạo không ngừng, là đòn bẩy giúp phát huy sức mạnh cộng đồng, góp sức xây dựng và phát triển kinh tế tri thức... Có thể nói Internet đã tạo ra nền văn minh mới cho loài người.

Tuy nhiên, thông tin trên Internet rất khó quản lý và kiểm soát, bất kỳ ai cũng có thể đưa thông tin lên Internet, vì vậy bên cạnh những thông tin lành mạnh, có ích, Internet còn là nơi chứa đựng vô vàn những “thông tin rác”, là môi trường thuận lợi cho những kẻ xấu lợi dụng để thực hiện những mưu đồ: khủng bố, đe dọa, lừa đảo, phỉ báng, bôi nhọ uy tín người khác; đột nhập trái phép vào các hệ thống máy tính, tấn công các trang web, các cơ sở dữ liệu rồi phát tán vi rút; tống tiền, tổ chức các hoạt động phạm tội như đánh bạc, ăn cắp, làm giả thẻ tín dụng, thẻ căn cước, thẻ bảo hiểm xã hội; dụ dỗ trẻ em làm các hành vi đồi bại. Internet còn tạo ra một thế hệ người “nghiện Internet”, nhất là giới trẻ. Nhiều cô bé, cậu bé quên ăn, quên ngủ, mê mệt trong các trò chơi trực tuyến, học hành sa sút, lãng phí thời gian, gây tổn hại tiền bạc và sức khỏe.

Hiện thế giới có gần 2,3 tỷ người sử dụng Internet, chiếm xấp xỉ một phần ba số dân, tăng hơn 6 lần so với năm 2000.

Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu vào 19-11-1997, sau gần 15 năm phát triển, đến nay cả nước có khoảng 30,92 triệu người sử dụng Internet, bằng 35,33% số dân. Đây là tỷ lệ khá cao so với khu vực. Dự báo trong 3 năm tới, số người sử dụng ước tính sẽ đạt 40-45 triệu, chiếm gần 50% dân số.

Sự phát triển nhảy vọt của Internet và công nghệ điện tử đã dẫn đến sự thay đổi mối tương quan giữa người đưa tin và người nhận tin, rõ nhất là lĩnh vực báo chí. Hơn hai thập niên trước, các cơ quan báo chí, nhà báo dường như có “toàn quyền” trong việc đưa, thậm chí áp đặt thông tin (nội dung, thời điểm, thời lượng, mức độ, đối tượng, phạm vi…). Phía tiếp nhận thông tin thường ở thế thụ động, chịu sự áp đặt, ít khi có sự phản hồi. Ngày nay, tương quan này đã thay đổi, số đơn vị, người đưa tin trên báo chí điện tử, mạng xã hội gia tăng nhanh chóng. Theo đó, số đơn vị, số người nhận tin tăng theo không thua kém. Cơ quan báo chí và nhà báo chuyên nghiệp không còn là người độc quyền cung cấp thông tin. Thói quen đọc báo của người dân cũng thay đổi, nhất là giới trẻ, từ chỗ chỉ đọc báo truyền thống (báo in) sang chủ yếu đọc báo mạng và mạng xã hội.

Ngay sau khi ViệtNamchính thức kết nối Internet toàn cầu, 31-12-1977, tạp chí Quê Hương, cơ quan báo chí đầu tiên đưa thông tin lên mạng. Đến nay, cả nước có 62 báo, tạp chí điện tử, trong đó có 16 báo, tạp chí điện tử độc lập; khoảng 300 trang tin điện tử của các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình... Báo chí điện tử đã nhanh chóng khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng to lớn trong đời sống báo chí; đóng góp quan trọng, có hiệu quả vào công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Sự ra đời, phát triển của báo chí điện tử đã mở ra cuộc cạnh tranh với báo in, phát thanh, truyền hình về nội dung thông tin, công chúng, thị phần quảng cáo…

Nhận thức được xu thế phát triển, khả năng tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội của báo điện tử, ngày 22-7-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay, để tăng cường quản lý; thúc đẩy, tạo điều kiện cho báo chí điện tử phát triển đúng định hướng, góp phần cùng với các loại hình báo chí truyền thống thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW, báo chí điện tử có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm báo điện tử cũng được bổ sung, tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn, chính trị. Báo chí điện tử ViệtNamđang từng bước phát huy các lợi thế công nghệ, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong hệ thống báo chí cách mạng. Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí của xã hội, đồng thời là phương tiện thông tin đối ngoại quan trọng và hiệu quả, là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hoà bình trên mặt trận tư tưởng…

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, báo chí điện tử còn không ít khuyết điểm, thiếu sót như: Thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, còn nhiều thông tin sai sự thật, có xu hướng đưa nhiều tin theo kiểu “giật gân”, câu khách, khai thác nhiều thông tin về các vụ án, chuyện đời tư cá nhân, các vấn đề tâm linh, mê tín dị đoan, vụ việc tiêu cực…; một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đối ngoại đưa tin thiếu thận trọng, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và quan hệ ngoại giao.

Cùng với sự xuất hiện của báo điện tử, ở ViệtNamtrong vài năm gần đây đã xuất hiện thêm nhiều loại hình truyền thông như mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, blog cá nhân... Tính đến hết ngày 7-5-2012, cả nước có khoảng 227 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động. Ngoài các mạng lớn có thông tin tổng hợp như Zingme(1), Go.vn, Yume, Tamtay, nhiều mạng khác đang phát triển theo hướng chuyên biệt, hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể có cùng đam mê sở thích. Đáng lo ngại, một số mạng xã hội nước ngoài đã từng bước thâm nhập thị trường ViệtNam, nhưng không đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật ViệtNam, điển hình là Facebook. Đầu năm 2009, Facebook thâm nhập vào thị trường ViệtNam, sau một năm, đã thu hút khoảng 2 triệu thành viên. Tính đến đầu năm 2012, số lượng thành viên Facebook đạt hơn 5 triệu; dự kiến sau một năm nữa có thể lên tới 10 triệu (2).

Thời gian qua, các thế lực phản động tăng cường hoạt động chống phá chúng ta bằng cách sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter… lập các trang web có máy chủ và cơ sở dữ liệu đặt tại nước ngoài đăng bài xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước; triệt để lợi dụng các vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm, được dư luận quan tâm chưa được giải quyết tốt để xuyên tạc sự thật, lôi kéo, kích động quần chúng tham gia chống đối chính quyền. Có thể nói, ngoài những mặt tích cực, Internet đã và đang chứa đựng những nguy cơ đe dọa tới an ninh của tất cả các nước. Sau những biến động chính trị, xã hội ở Bắc Phi, Trung Đông và những thông tin rò rỉ trên Wikileaks, việc quản lý thông tin trên Internet đang là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù thông tin trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng, nguồn gốc không đáng tin cậy, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò, tầm ảnh hưởng, khả năng chi phối dư luận xã hội của nó. Theo số liệu thống kê của Comscore (3), năm 2011, trong 10 website có số lượng người truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, có tới 4 website có thứ hạng đầu là website truyền thông xã hội, không phải báo chí điện tử chính thống. Rất nhiều thời điểm và sự việc thông tin trên các trang mạng xã hội và blog được công chúng đọc và bàn luận nhiều hơn những thông tin chính thống trên báo chí điện tử. Điều này có thể thấy nếu như báo chí chính thống không thông tin nhanh, mở rộng thông tin nhiều chiều, xông vào những vấn đề bức xúc của xã hội thì khó có thể chi phối, hướng dẫn dư luận xã hội.

Mặc khác, ngay trong đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo và quản lý vẫn còn một số người chưa nhận thức đúng và đủ bản chất của Internet, tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển của loại hình này. Trong một số trường hợp đưa ra các biện pháp nặng về đối phó, cấm đoán cực đoan bằng biện pháp hành chính và kỹ thuật, thiếu tính khả thi, trái với bản chất, xu thế phát triển của Internet. Thêm vào đó việc trang bị thiết bị kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác lãnh đạo và quản lý báo điện tử, mạng xã hội chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao, đó cũng là một trở ngại lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác lãnh đạo và quản lý. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và đấu tranh phòng ngừa tội phạm công nghệ cao chưa hiệu quả.

Thực tiễn phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử và các loại hình truyền thông mới trên Internet trong hơn một thập kỷ qua đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết trong lãnh đạo, quy hoạch, phát triển, quản lý. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thực trạng, sự phát triển của các loại hình truyền thông trên Internet, đặc biệt là hệ thống báo chí điện tử. Trên cơ sở đó, có những giải pháp để chủ động, khai thác, tận dụng triệt để những mặt mạnh, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của báo chí điện tử, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trên Internet nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế của nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.

Ths. Doãn Thị Thuận
---------------------

Theo Tạp chí Tuyên giáo online

  (1) ZingMe với khoảng 15 triệu thành viên, lượng truy cập trung bình khoảng 7,4 triệu người/tháng; Go.vn, khoảng 13 triệu thành viên, lượng thành viên online thường xuyên là 6 triệu người; Tamtay, lượng thành viên khoảng hơn 6 triệu...

  (2) Theo thống kê của Googlen ad planner, năm 2011.

 (3) Một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu, khảo sát tình hình sử dụng internet trên thế giới, cung cấp số liệu chuyên nghiệp nhất hiện nay.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả