Think tanks - “túi khôn” của các chính trị gia hiện đại: một vài cảm nghĩ khi đọc chuyên khảo “Think tanks trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và những gợi ý đối với Việt Nam”

Ngày đăng: 17/11/2022 - 00:11

“Think tanks trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và những gợi ý đối với Việt Nam” là một công trình chuyên khảo của TS. Đoàn Trường Thụ, tập trung nghiên cứu think tanks - một chủ đề khoa học mới mẻ, có giá trị lý luận cao, mang tính khái quát sâu sắc về thực tiễn hoạt động của các think tanks trong đời sống chính trị tại các nước phát triển nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, từ đó tham chiếu, gợi mở một số vấn đề đối với Việt Nam. Với những kiến giải sâu sắc, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần nâng cao nhận thức của giới chuyên môn, các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc định hình hệ thống chính sách công của nền chính trị hiện đại.

Trong phần dẫn nhập, các tác giả đã làm rõ quan niệm về think tanks trên phương diện đối tượng nghiên cứu, đưa ra những luận đề quan trọng dưới hình thức những giả thuyết khoa học. Theo đó, think tanks được coi là một yếu tố cấu thành bộ ba “chỉ huy - tư duy - hành động” trong đời sống chính trị của các quốc gia hiện đại; đồng thời khẳng định: chính quyền sẽ gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt nhu cầu chính sách, nguyện vọng của các tầng lớp dân cư trong xã hội nếu không có các think tanks với tư cách là những cơ sở nghiên cứu, là cầu nối giữa những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, xã hội.

Với nhận thức rằng, việc nghiên cứu think tanks trên nền tảng đặc thù thể chế để từ đó hiểu rõ vai trò, bản chất của các tổ chức là điều hết sức quan trọng, các tác giả đã khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu câu trả lời cho các vấn đề: Vai trò của think tanks trong đời sống chính trị là gì? Think tanks được thể hiện cụ thể qua các trường hợp ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản ra sao? Từ đó có thể rút ra được những giá trị tham khảo đối với Việt Nam hay không? Việc tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề này được các tác giả coi là nguồn động lực cho công việc nghiên cứu.

Cũng cần lưu ý rằng, cách hiểu về khái niệm “think tanks” rất đa dạng và chưa có định nghĩa thống nhất. Vì thế, trên cơ sở phân tích khái niệm “think tanks” của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, các tác giả đã đưa ra cách hiểu khái quát như sau: think tanks là một nhóm hoặc một tổ chức nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề nhất định trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội hoặc công nghệ.

Trên cơ sở lập luận cốt yếu của các tác giả, có thể chỉ ra những ý tưởng quan trọng, cũng như những điểm nhấn mang tính chủ đích của cuốn sách:

Một là, xác định vai trò nổi bật nhất của các think tanks trong đời sống chính trị hiện đại, đó là cầu nối giữa nghiên cứu hàn lâm với chính sách quốc gia, giữa giới khoa học với giới cầm quyền và giữa tri thức với quyền lực. Mặc dù, đây không phải một phát hiện mới trong khoa học chính trị thế giới, song lại là một nhận định đúng và trúng đối với đối tượng nghiên cứu này, từ đó giúp định hình quá trình tư duy về think tanks trong đời sống chính trị của các quốc gia Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trên thực tế, hiện nay, trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu, think tanks là một tổ chức nổi bật, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những nghiên cứu về chính sách công, góp phần phân tích, tư vấn cho chính phủ và các đảng chính trị. Các think tanks đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc đề xuất và thúc đẩy các giải pháp chính sách nhất định. Trên cơ sở hình thành những ý tưởng chính sách, sử dụng có chọn lọc các nghiên cứu để trình bày cho các nhà hoạch định chính sách, từ đó  giúp họ “sửa chữa” những vấn đề trong chính sách hiện hành. Thêm vào đó, các think tanks cũng là một thành tố trong mạng lưới chính sách quốc gia, vì vậy, họ có đủ điều kiện để thiết lập mối quan hệ với những người đưa ra quyết định ban hành chính sách; đồng thời, có đủ kỹ năng để xác định các vấn đề trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và có thể thúc đẩy hơn nữa sự hình thành ý tưởng chính sách trong chương trình nghị sự của chính phủ hay không.

Hai là, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của think tanks trong nền chính trị Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, các tác giả của cuốn sách đã chú trọng xem xét đặc điểm của các think tanks trong nền chính trị của từng quốc gia. Cụ thể, nét nổi bật của các think tanks Hoa Kỳ có thể được nhận diện dưới dạng “đại học không có sinh viên”, “các nhà hợp đồng với chính quyền”, “các nhóm vận động”, hay “các nhóm đảng phái”. Với các think tanks thiên về nghiên cứu và tư vấn chính sách, cấu trúc tổ chức có nhiều nét tương đồng với các trường đại học, vốn cho phép các nhà nghiên cứu tự do theo đuổi hướng nghiên cứu của riêng mình. Ngược lại, các think tanks thiên về vận động chính sách hoặc tư tưởng lại áp dụng mô hình tổ chức của các tập đoàn, đề cao cấu trúc quản lý theo trật từ thứ bậc từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, dù luôn tuyên bố độc lập về chính trị nhưng hoạt động của các think tanks ở Hoa Kỳ khó tránh khỏi ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng chính trị hay quan điểm đảng phái. Còn tại Trung Quốc, hệ thống think tanks gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi trọng việc phát huy vai trò của think tanks, coi sự tham gia của think tanks trong quá trình ban hành các quyết sách chính trị là một khía cạnh không thể thiếu khi xác lập khung thể chế ban hành quyết sách chính trị. Tại Nhật Bản, sức mạnh của bộ máy quan liêu đã lấn át vai trò của think tanks. Nhìn chung, nền chính trị với quyền lực và sức ảnh hưởng lớn của giới quan liêu đến quá trình xây dựng chính sách đã trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển các think tanks ở Nhật Bản cả về năng lực và lĩnh vực nghiên cứu.

Ba là, trên cơ sở phân tích các đặc điểm của think tanks, nhóm tác giả đã làm rõ các hoạt động chính của tổ chức này ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Hoa Kỳ, think tanks có ba nhóm hoạt động chính là: khích lệ các thảo luận chính sách; cung cấp các đề xuất chính sách chất lượng và giới thiệu những ý tưởng chính sách mới. Ở Trung Quốc, think tanks có các hoạt động chính như: tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước; đổi mới lý luận; hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội; phục vụ xã hội và thực hiện ngoại giao công. Còn ở Nhật Bản, think tanks lại tập trung vào những nghiên cứu về kinh tế; truyền tải các nền tảng học thuật trong mỗi đề xuất chính sách và thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phi chính thức.

Nhờ phương pháp tiếp cận phù hợp, cuốn sách đã phát hiện đúng thực tiễn và các quy luật vận động của think tanks trong đời sống chính trị của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Không chỉ trình bày những vấn đề về nguyên lý về tổ chức, hoạt động, vai trò, quá trình hình thành và phát triển của think tanks, cũng như tác động của chúng đến đời sống chính trị của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, các tác giả của cuốn sách cũng đã giới thiệu phương pháp phân loại think tanks ở các trường hợp quốc gia được lựa chọn nghiên cứu hiện nay.

Cùng với việc quan tâm nghiên cứu hoạt động của các think tanks, cuốn sách còn đi sâu nghiên cứu những ảnh hưởng tích cực cũng như hạn chế của nó đến đời sống chính trị của các nước phát triển, từ đó đúc rút những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể kế thừa trong quá trình xây dựng và phát triển think tanks trong nước. Với đặc thù thể chế của Việt Nam hiện nay, một mô hình think tanks phù hợp sẽ đảm nhận chức năng nghiên cứu, thảo luận và tư vấn chính sách. Với chức năng đó, các think tanks sẽ trở thành những “chiếc hộp tư duy”, “túi khôn” hay “nhà máy sản xuất các ý tưởng” để chính quyền có thể tham khảo và lựa chọn. Think tanks được phân biệt với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo ở chỗ chúng chỉ tập trung vào việc phát hiện, nghiên cứu và phân tích các vấn đề chính sách nảy sinh trong đời sống xã hội đương đại. Đó là những vấn đề bức thiết, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Trên cơ sở đó, các chuyên gia think tanks sẽ đề xuất các lựa chọn hành động chính sách cho chính quyền, cụ thể là các nhà hoạch định chính sách.

Theo Tạp chí Chính trị và Phát triển

Bình luận