Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - sáng ngời tấm gương bộ đội Cụ Hồ

Ngày đăng: 25/02/2016 - 11:02

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 là một vị tướng tài ba, hết lòng vì dân tộc, được bạn bè yêu mến đặt biệt danh “tướng năm trong một”. Gần 40 năm gắn bó với nghiệp nhà binh, dù ở bất kỳ cương vị nào, là người lính, người thầy, người làm khoa học, người cầm quân hay nhà báo nghiệp dư, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ trọn đạo đức bộ đội cụ Hồ. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã trải qua nhiều trận đánh, bước chân ông đã in dấu khắp dải đất hình chữ S thân thương.

tran ngoc tho

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ từng là người lính, người chỉ huy trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường ác liệt: Tây Nguyên, Campuchia, đất thép Củ Chi, Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ và biên cương phía bắc. Cuộc đời người lính đã trải qua biết bao thăng trầm, bao vui buồn trên những chiến trường ác liệt. Giờ đây khi hai cuộc kháng chiến, kiến quốc anh dũng đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng bi tráng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nhân vật này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn hồi ký Cuộc đời và binh nghiệp của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ.

Cuốn hồi ký Cuộc đời và binh nghiệp là những dòng hồi ức về năm tháng của tuổi thơ nhọc nhằn, của những ngày hành quân gian khó, của những trận chiến đấu và chiến thắng trong đời lính. Qua những trang viết trong Cuộc đời và binh nghiệp, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ và oanh liệt, những trận đánh khó quên, các bà má miền Nam đã nuôi nấng ông và đồng đội trong những ngày gian khổ, về những đồng đội đã cùng ông chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất miền Nam thành đồng.

Từ tuổi thơ gian khó, đau thương…

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ sinh ngày 20-7-1949, ở một miền quê nghèo Việt Nam. Quê hương Năm Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày đó bị bao trùm bởi đau thương, mất mát như bao miền quê khác, nên nghèo xác xơ đến nỗi không thể nghèo hơn nữa. Chính những tháng ngày tuổi thơ nhọc nhằn ấy đã tôi luyện nên một người lính Cụ Hồ có ý chí kiên cường và tinh thần yêu nước nồng nàn.

Trong Cuộc đời và binh nghiệp, ông bồi hồi nhớ lại: “Khi tôi lên bốn hoặc năm tuổi, đã thấy cảnh lính Pháp hành quân qua làng để càn xuống làng Kiến Châu. Quân Pháp sục vào làng, bắt đàn bà, con gái để hãm hiếp, rồi lấy luôn cả quần của những nạn nhân... Có lần, sáu tên lính Tây đen sục vào làng tôi, toàn bộ đàn bà, con gái (trong đó có mẹ tôi) đều bỏ chạy, chúng không bắt được ai, bèn hậm hực kéo ra đầu làng, thấy con bò cái của cụ Thỉnh buộc ở đó, chúng lấy súng bắn què hai chân sau...1. Đó là những hình ảnh ám ảnh tuổi thơ của ông để rồi lớn dần lên thành động lực, thành lòng căm thù thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thành ý chí chiến đấu vì quê hương, đất nước.

… đến người lính Cụ Hồ anh dũng, bất khuất

Tuy xuất thân từ một làng quê nghèo khó, phải trải qua những năm tháng tuổi thơ đau thương và trưởng thành trong gian khổ nhưng ý chí vươn lên vẫn luôn cháy rực trong trái tim người thanh niên Năm Mẫu. Trong Cuộc đời và binh nghiệp, ông cũng nhớ lại giây phút quan trọng cuộc đời, bước chuyển từ người nông dân nghèo sang người lính Cụ Hồ: “Ngày 30 tháng 9 năm 1966, là mốc khởi đầu cuộc đời binh nghiệp, tôi trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320. Tôi được giữ chức tổ trưởng tổ 3 người”2.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với những ngày hành quân qua địa hình trống trải, vượt qua sông ngòi, kênh rạch chằng chịt dưới làn bom đạn mịt mùng khói lửa của kẻ thù. Những trận chiến đấu diễn ra ác liệt, quân ta phải ngâm mình dưới kênh rạch cả ngày lẫn đêm để đánh địch, giữ đất giành dân, bảo vệ vùng giải phóng, căn cứ cách mạng. Những trận công đồn, diệt viện thắng lợi đem lại niềm vui ngất trời đến với mỗi người lính. Song cũng có những lúc suy tư, trầm lắng mỗi khi trận đánh không thành, bị tổn thất, bạn bè, đồng đội ngã xuống; những giọt nước mắt nghẹn ngào, ruột gan đau thắt lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ. Tuy chiến tranh ác liệt là vậy nhưng người lính vẫn yêu đời, yêu cuộc sống, tình yêu của thời thanh xuân vẫn cháy bỏng, khát khao… Tất cả những thực tế và cảm xúc ấy được tái hiện chân thực, giản dị và sinh động qua từng trang của cuốn hồi ký.

Anh dũng chiến đấu, trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh, rồi cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc chống quân bành trướng, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã phải chịu rất nhiều gian nan, vất vả trên đường hành quân, bao lần “vào sinh ra tử”. Trong cuốn hồi ký ông tâm sự: “Trên người tôi mang 11 vết thương với 61% thương tật, nay tuổi xế chiều lại tham gia nhiệm vụ này”3. Nhưng đó chỉ là nỗi đau nhỏ, nỗi đau cá nhân trong vô vàn nỗi đau của dân tộc. “Đó là hơn 4 triệu 800 nghìn người bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 1 triệu cựu chiến binh tham gia chiến tranh còn sống. Hàng chục triệu hécta ruộng vườn, rừng núi bị nhiễm chất độc khai hoang diệt cỏ…”4.

Ông cũng không quên nhắc lại những hy sinh của đồng đội hay sự đùm bọc, ân tình của đồng bào trên những nẻo đường hành quân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ở tuổi xế chiều, trong cuốn hồi ký về cuộc đời, ông vẫn luôn trăn trở về đất nước, về đồng bào mình - những người đã không ngại nguy hiểm đùm bọc, chỉ dẫn ông trên bước đường hành quân.

Những nhiệm vụ thiêng liêng trong gần 40 năm binh nghiệp

Bên cạnh những ký ức về gần 40 năm binh nghiệp, những dòng văn trong cuốn hồi ký Cuộc đời và binh nghiệp còn đượm hơi thở của người lính đã trải qua “một thời chiến tranh và một thời hòa bình”, là sự đan quyện giữa người lính, người thầy và người nghiên cứu khoa học.

Là bộ đội Cụ Hồ, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã cống hiến trọn vẹn thời thanh niên sôi nổi của mình cho lý tưởng, sống và chiến đấu vì Tổ quốc, bước chân ông in dấu trên khắp các chiến trường ác liệt. Ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ hòa bình Tổ quốc.

Là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã dày công tìm tòi và là cha đẻ của nhiều dự án nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng - an ninh của Quân khu 7 - một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn Đông Nam Bộ và cực nam Trung Bộ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Là người thầy giáo áo xanh, trên cương vị Hiệu trưởng của Trường Quân sự Quân khu 7, với phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt lên những hạn chế của chính mình bằng tâm niệm trường ra trường, thầy ra thầy, lớp ra lớp. Chỉ trong vòng 5 năm (1999-2004), ông đã góp phần không nhỏ xây dựng Trường Quân sự Quân khu 7 trở thành một trong những trung tâm giáo dục quốc phòng ở phía nam của Tổ quốc. Ông đã truyền tình yêu nước và ngọn lửa ý chí cho nhiều thế hệ học viên, cán bộ, chiến sĩ của Nhà trường.

thieu tuong tran ngocthoLà một nhà báo nghiệp dư, ông luôn đối thoại với lịch sử để dự báo cho tương lai. Những trang viết của ông là nỗi lòng của một người yêu nước, nhiều trăn trở với dân tộc. Ở chủ đề, chủ điểm nào, từ “ký ức chiến tranh”, theo hành trình “từ chiến trường về nhà trường” hay “trên diễn đàn chỉ huy”, đến “theo dòng thời sự”, ông đều có những bài viết thẳng thắn đối diện với những vấn đề gai góc vốn rất nhạy cảm của cuộc sống, nhất là vấn đề đất đai, chống tham nhũng; bên cạnh đó, cũng có các bài viết nhẹ nhàng hơn, bàn về cái tâm và bản lĩnh của người làm báo…

Dù trên cương vị nào, nhà giáo, tướng cầm quân, nhà nghiên cứu hay nhà báo nghiệp dư, ông đều bộc lộ và khẳng định rõ bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Cuốn hồi ký Cuộc đời và binh nghiệp của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã góp phần tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của quân đội và nhân dân trên mảnh đất miền Nam thành đồng Tổ quốc; đồng thời là tiếng nói chân thành tri ân đồng đội, đồng bào đã sát cánh bên ông, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để chiến đấu giành độc lập và tự do cho Tổ quốc.

P.V

Chú thích:

  1. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Cuộc đời và binh nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 7-8.
  2. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Cuộc đời và binh nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 33.
  3. 4. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Cuộc đời và binh nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 225.
Bình luận