Tiến công chiến lược ở miền Nam và đánh bại B52 ở miền Bắc năm 1972 – Những đòn quyết định buộc Mỹ ký Hiệp định Pari

Ngày đăng: 20/12/2012 - 10:12

Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường chính miền Nam, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên miền Bắc thực sự là những đòn đánh quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt đánh phá miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pari. Tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1968, ta cũng bị tổn thất khá nặng nề.

 

tu-ve-ha noi

Tự vệ Thành phố Hà Nội sát cánh cùng Bộ đội pháo cao xạ chiến đấu năm 1972

Bằng nỗ lực vượt bậc của cả hậu phương và tiền tuyến, đồng thời được sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả bạn bè quốc tế, quân và dân miền Nam đã dần dần khôi phục được thế và lực trên chiến trường. Năm 1971, ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng cũng như cục diện chiến trường theo chiều hướng có lợi cho ta.

Theo dõi từng bước chuyển biến trên chiến trường và cân nhắc thế lực của ta, tháng 5-1971, Trung ương Đảng đã họp và quyết định: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, (…), giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua”1. Theo đó, Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972 (được Quân ủy Trung ương thông qua tháng 6-1971).

Đúng như kế hoạch đặt ra, sau khi dồn sức làm công tác chuẩn bị thế trận, ngày 30-3-1972, cuộc tiến công chiến lược đã nổ ra đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam. Tại hướng chủ yếu Trị Thiên và các hướng quan trọng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ta đồng thời mở ba chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đập tan một số tuyến và khu vực phòng thủ mạnh của địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nhiều đơn vị cấp trung, sư đoàn chủ lực cơ động của quân đội Sài Gòn. Đặc biệt, trên hướng Trị Thiên, ta đã giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị. Ở đồng bằng Nam Bộ và Khu 5, quân và dân ta cũng đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, mở rộng vùng làm chủ, giải phóng hàng triệu dân.

Thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam lại được bồi thêm chiến công vang dội của quân và dân miền Bắc: bắn rơi 561 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 80 tàu chiến, phá hủy hàng ngàn quả thủy lôi, mìn từ trường của Mỹ (từ ngày 6-4 đến 22-10-1972), đã đẩy chính quyền Nixon phải chấp thuận bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do ta soạn thảo (ngày 8-10-1972) và xác định ngày ký kết chính thức2. Tuy việc chấp thuận này có phần liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 7-11-1972, nhưng đây thực sự là một thắng lợi của quân và dân ta. Bởi, nếu không có thắng lợi quyết định năm 1972 thì làm sao có sự chấp thuận này của Mỹ? Và dù có biện minh như thế nào đi nữa, việc Nixon đánh lừa dư luận Mỹ và thế giới, “giả vờ” chấp thuận ký Hiệp định Pari để trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai đã là câu trả lời cho sự thất bại của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với bản chất ngoan cố và xảo trá, sau khi chính thức bước vào Nhà Trắng lần thứ hai, chính quyền Nixon tìm mọi lý do để trì hoãn, thậm chí ép ta sửa đổi nhiều nội dung căn bản của Hiệp định. Tất nhiên, ta không thể chấp thuận. Hội nghị bế tắc, các đoàn đàm phán về nước. Ngay tức khắc, Nixon quyết định sử dụng không lực để “tạo ra một cú sốc” - mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác trên miền Bắc (mang mật danh Linebacker II). Với lực lượng huy động cho cuộc tập kích này gồm khoảng 200 máy bay B52 (chiếm 50% số B52 của quân đội Mỹ), 30 máy bay F111 "cánh cụp cánh xòe" và toàn bộ máy bay tiêm kích ở Đông Nam Á (hơn 1.000 chiếc), 6 liên đội tàu sân bay, 50 máy bay KC.135 tiếp nhiên liệu trên không..., Nixon tin rằng sẽ làm “mềm xương sống” của Hà Nội, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải nhân nhượng trong giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh - Mỹ rút quân trong danh dự, nhưng vẫn duy trì được chính quyền Sài Gòn tồn tại vững chắc ở Nam Việt Nam.

Với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, từng được tôi luyện trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, được chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ nhiều năm trước đó, quân và dân Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước đã thề quyết tâm “… thà hy sinh tất cả, chứ không chịu khuất phục… Không có gì quý hơn độc lập tự do”3. Và, chúng ta cũng không bị bất ngờ trước thủ đoạn xảo trá của giới cầm quyền Nhà Trắng, bởi ngay từ tháng 9-1967, khi bộ đội tên lửa của Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi “siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ ở Vĩnh Linh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội”, “trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt ở Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”4. Có thể nói, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo cho quân và dân Hà Nội nói chung, lực lượng phòng không nhân dân Thủ đô nói riêng phải chủ động đón nhận thách thức “nảy lửa” này.

Đúng như nhận định của Bác, từ đêm 18 đến ngày 29-12-1972, Mỹ đã tổ chức mỗi đêm 2 - 3 đợt đánh phá, với hàng chục lần chiếc B52. Lực lượng yểm trợ cho mỗi đợt thường là một tốp 4 máy bay tiêm kích F4 đánh chặn máy bay và một tốp máy bay cường kích F105 làm nhiệm vụ chế áp tên lửa của ta. Mỗi tốp B52 có một tốp F4 hộ tống trực tiếp từ khu vực tiếp cận mục tiêu. Ngoài ra, mỗi đêm chúng còn sử dụng 10-25 lần chiếc F111A “cánh cụp cánh xòe” oanh tạc ở tầm thấp xen kẽ các đợt đánh phá của B52, nhằm gây tâm lý căng thẳng, nghi binh tạo bất ngờ cho B52 tiến vào tiếp cận mục tiêu đánh phá5.

Tuy chúng có gây cho nhân dân ta những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, với tất cả vũ khí và phương tiện có trong tay, đã ngoan cường, thông minh, sáng tạo đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ suốt trong 12 ngày đêm, bắn rơi 81 máy bay, gồm 34 pháo đài bay B52, 5 máy bay F111A và 42 máy bay chiến thuật khác. Riêng quân và dân Thủ đô bắn rơi 25 máy bay B52, làm nên một “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” vang động khắp năm châu, chấn động địa cầu. Từ đây, một làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đồng thời “uy tín của Mỹ trên thế giới tụt xuống mức thấp chưa từng có. Phản ứng trên khắp thế giới sẽ càng thêm gay gắt"6. Biết không thể đảo ngược được tình thế, sáng 30-12-1972, Nixon tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn và vô điều kiện đối với miền Bắc Việt Nam, quay trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973). Điều quan trọng ở đây là, Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định mà không kèm theo điều kiện gì; và chúng ta đã hoàn toàn thực hiện được quyền tự quyết dân tộc của mình trên mọi phương diện - điểm "vượt trội" của Hiệp định Pari so với Hiệp định Giơnevơ cách đó tròn 21 năm. Mặt khác, theo Hiệp định, toàn bộ quân chiến đấu Mỹ phải rút khỏi miền Nam, nhưng phải chấp nhận việc ở lại hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam (quân đội miền Bắc). Đến đây, quân và dân ta đã thực hiện được một bước lời huấn thị của Bác Hồ: "Đánh cho Mỹ cút", mở ra thời cơ và điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 "Đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông đất nước về một mối.

40 năm đã trôi qua, song những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút từ cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam và trận "Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” - những sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc chiến đấu thấm đẫm máu lửa này nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ với bản chất của chủ nghĩa đế quốc, phải kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế với củng cố sức mạnh quốc phòng. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nâng cao nhịp độ tăng trưởng kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, chúng ta không được phép buông lỏng nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng từ thắng lợi quyết định năm 1972, cần khẳng định rằng, để chiến thắng quân thù, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Trong điều kiện mới hiện nay, chúng ta lại càng phải khai thác và phát huy thế mạnh của toàn xã hội, mọi thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Đại tá, TS. Nguyễn Huy Thục

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


1. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Những sự kiện quân sự, Hà Nội, 1988, tr. 246.

2. Theo kế hoạch, Hiệp định sẽ được chính thức ký ở Hà Nội ngày 22-10-1972 và ký ở Pari ngày 30-10-1972.

3. Trích Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 26-10-1972.

4. Nguồn sức mạnh (Bác Hồ với bộ đội phòng không), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992, tr. 38.

5. Riêng với Thủ đô Hà Nội, trong cuộc tập kích 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ đã huy động tới 444 lần chiếc B52, 1.004 máy bay chiến thuật và sử dụng gần 10.000 tấn bom đạn các loại...

6. Báo Nhân dân, ngày 28-12-1972.

Bình luận